TỪ ĐÁP SỐ CỦA CÁC MÔ HÌNH
>> Bài 1: Nhiệm vụ ưu tiên và kế sách “trù phương lược”
>> Bài 2: Nông thôn mới trong tư tưởng, tư duy
BPO - Mục tiêu đến năm 2025, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp, thuộc nhóm các tỉnh phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá trong khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng sâu, vùng biên giới với đô thị trong tỉnh; tăng cường kết nối vùng; hoàn thành chính quyền điện tử, đô thị thông minh, từng bước chuyển dần sang chính quyền số; đảm bảo quốc phòng - an ninh vững chắc. Tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Căn cứ tình hình thực tiễn, có thể thấy, một trong những lực cản lớn của hành trình thực hiện mục tiêu đó, chính là khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa với đô thị. Lực cản này tác động trực tiếp, toàn diện đến hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo và công tác xây dựng Đảng trong vùng DTTS…
Từ sự năng động, sáng tạo…
Trong 5 mối quan hệ cần tập trung giải quyết để hóa giải các thách thức trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đặt lên hàng đầu nhiệm vụ phải giải quyết thách thức của mối quan hệ giữa yêu cầu phải tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế với nhiệm vụ ổn định xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh. Đề ra chủ trương, sách lược, giải pháp giải quyết hài hòa mối quan hệ này có ý nghĩa quyết định, tác động, chi phối đến toàn bộ thách thức trong những mối quan hệ còn lại. Từ cơ sở lý luận, tổng kết thực tiễn kết quả và những mặt còn hạn chế trong nhiệm kỳ qua, chúng ta thấy, giải quyết các vấn đề về đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh trong vùng đồng bào DTTS là nội hàm vô cùng quan trọng của mối quan hệ này. Những thách thức đó không phải đến hiện nay mới phát sinh, mà nó đã tồn tại từ nhiều năm trước, vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính cấp bách, lâu dài.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh trong vùng đồng bào DTTS nên Tỉnh ủy qua các nhiệm kỳ trước đây, nhất là nhiệm kỳ 2015-2020, đã có nhiều chính sách ưu tiên, phù hợp, quan tâm toàn diện đời sống đồng bào. Trong giai đoạn 2015-2018, toàn tỉnh đã giảm được 6.013 hộ nghèo, trong đó có 1.945 hộ nghèo DTTS. Các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS với hơn 424,4 tỷ đồng. Riêng năm 2019, tỉnh đã huy động các nguồn lực, giảm được 1.108 hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS (vượt 111% kế hoạch). Đạt được kết quả như vậy là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, do những khó khăn, thách thức mang tính lịch sử nên hành trình thoát nghèo bền vững cho đồng bào DTTS vẫn còn nhiều nan giải. Báo cáo chính trị tại Đại hội các DTTS tỉnh Bình Phước lần thứ III năm 2019 nêu rõ, hiện toàn tỉnh còn 29 xã/8 huyện thuộc vùng khó khăn, trong đó có 10 xã, 51 thôn đặc biệt khó khăn, thụ hưởng Chương trình 135, giai đoạn 2017-2020. Đa số đều tập trung trong vùng đồng bào DTTS.
Để thực hiện mục tiêu thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa vùng đồng bào DTTS với mặt bằng chung đời sống nhân dân, tỉnh Bình Phước tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, chăm lo an sinh xã hội toàn diện. Tỉnh chủ trương phát triển các mô hình đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao dân trí, đầu tư phát triển, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, trình độ sản xuất cho đồng bào DTTS, nhất là lớp trẻ. Đây là kế sách hướng đến sự ổn định, phát triển bền vững. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, tại nhiều địa phương đã hình thành, phát triển những mô hình kinh tế mới, phù hợp với điều kiện của đồng bào. Đáng chú ý là các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX), liên kết hộ thành các tổ, nhóm làm ăn. Từ việc đẩy mạnh sản xuất, đã hình thành một số vùng hàng hóa chất lượng cao, với sự ra đời của nhiều hộ nông dân giỏi, mô hình sản xuất - kinh doanh hiệu quả, đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Điển hình như mô hình HTX nông nghiệp Bù Gia Mập của đồng bào dân tộc S’tiêng. Từ quy mô cá thể, tổ sản xuất, đến nay đã phát triển thành HTX với 136 thành viên, tổng diện tích đất sản xuất lên đến 543,8 ha. Có đủ tiềm lực, HTX đã mạnh dạn triển khai áp dụng quy trình sản xuất điều hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic.
Số liệu thống kê đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có hơn 200 mô hình HTX, trong đó có khoảng 80% mô hình hoạt động hiệu quả. Nhiều mô hình trong số này là của đồng bào DTTS hoặc có số thành viên là các hộ DTTS tham gia đông. Theo định hướng của tỉnh, từ những mô hình đã cho đáp số đúng, sẽ nhân rộng cách làm, phổ biến, chuyển giao công nghệ, chia sẻ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực để hình thành các liên hiệp HTX, phát triển hoạt động theo phương thức HTX kiểu mới. Nhiều HTX đã liên kết, hợp tác với doanh nghiệp nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu, hình thành chuỗi liên kết giải quyết đầu ra cho sản phẩm.
Từ đáp số của các mô hình kinh tế gợi mở cho cấp ủy đảng ở cơ sở cách tư duy mới, phương pháp tiếp cận linh hoạt, năng động về công tác xây dựng Đảng. Từ kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… chúng ta có thể vận dụng linh hoạt, sáng tạo phù hợp với điều kiện của Bình Phước. Đáp số của các mô hình kinh tế cũng như sự phát triển toàn diện đời sống đồng bào đều là kết quả sự lãnh đạo của Đảng. Mỗi mô hình kinh tế thành công không thể tách rời vai trò lãnh đạo của Đảng. Chú trọng công tác xây dựng Đảng trong cộng đồng HTX, doanh nghiệp và các mô hình kinh tế tập thể, lựa chọn những nhân tố điển hình để bồi dưỡng, phát triển Đảng là trách nhiệm của cấp ủy cơ sở. Mô hình chi bộ Đảng trong các HTX và doanh nghiệp sẽ tạo hạt nhân đoàn kết, dân chủ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, giúp đồng bào giữ vững và phát huy truyền thống cách mạng, bảo tồn bản sắc văn hóa, đoàn kết một lòng đi theo Đảng xây dựng quê hương.
…Đến sức mạnh của liên kết, cộng hưởng
Bên cạnh những mô hình được xây dựng, phát triển từ chủ trương của Đảng bộ tỉnh và sự năng động, sâu sát của cấp ủy, chính quyền cơ sở, Bình Phước còn có lợi thế từ sự phối hợp, liên kết, hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Hiệu quả nổi bật phải kể đến các mô hình công tác dân vận, kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân khu 7 và Bộ đội biên phòng. Sự phối hợp hoạt động hiệu quả của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778, Quân khu 7 trên địa bàn huyện Bù Gia Mập đã góp phần quan trọng củng cố hệ thống chính trị, thúc đẩy hiệu quả xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho hàng ngàn hộ dân đồng bào DTTS.
Từ năm 2017 đến nay, Bộ tư lệnh Quân khu 7 phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước triển khai mô hình xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân, đồn biên phòng biên giới. Sự ra đời các điểm dân cư trên tuyến biên giới thuộc địa bàn các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập vừa góp phần xóa “điểm trắng” dân cư địa bàn biên giới, củng cố vững chắc khu vực phòng thủ, vừa tạo điểm sáng văn hóa, hình thành các mô hình kinh tế mới trong vùng đồng bào DTTS. Từ thành công của những mô hình thí điểm, Bộ tư lệnh Quân khu 7 phối hợp với tỉnh tiếp tục triển khai, nhân rộng các điểm dân cư, tiến tới hình thành các ấp, làng phát triển bền vững dọc tuyến biên giới.
Các mô hình của Bộ đội biên phòng triển khai theo chủ trương phối hợp giữa Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng với tỉnh Bình Phước cũng đã và đang phát huy hiệu quả rất tốt trong vùng đồng bào DTTS. Điển hình là hoạt động phối hợp giữa các đồn biên phòng với các xã, thôn, ấp địa bàn biên giới thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” và mô hình tăng cường cán bộ biên phòng tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Hoạt động của các mô hình này đã kéo theo sự vào cuộc đầy nhiệt huyết của cấp ủy, chính quyền cơ sở, hội đồng già làng và đông đảo hộ dân trên tuyến biên giới. Hiệu quả hoạt động đã góp phần quan trọng giúp Bình Phước trở thành tỉnh đầu tiên trong các tỉnh có đường biên giới với nước bạn Campuchia hoàn thành sớm việc phân giới, cắm mốc trên toàn tuyến, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.
Những mô hình từ sự phối hợp nói trên đã tạo môi trường liên kết, cộng hưởng, lan tỏa mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí vượt khó, sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong vùng đồng bào DTTS. Sức sống của các mô hình cũng chính là cơ sở, điều kiện để củng cố hơn nữa niềm tin của nhân dân, đồng bào các DTTS vào Đảng, vào chế độ, củng cố các giá trị bản sắc truyền thống, tiếp thu cái mới, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và tiện ích công nghệ thông tin thúc đẩy phát triển. Vì vậy, củng cố, bồi đắp niềm tin với Đảng là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng trong vùng đồng bào DTTS. Rất cần có giải pháp bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển Đảng một cách căn cơ, bài bản và trách nhiệm, không để việc “già hóa” đội ngũ đảng viên và nguy cơ “vùng trắng” đảng viên trong vùng đồng bào DTTS.
Với tinh thần quyết liệt đổi mới để phát triển, ý chí của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần này phải được chuyển hóa thành chương trình, quyết tâm hành động của mọi tổ chức trong hệ thống chính trị toàn tỉnh. Với đặc thù của vùng đồng bào DTTS, cấp ủy cơ sở ở các địa phương và các đơn vị liên quan cần phối hợp rà soát, đúc kết kinh nghiệm từ các mô hình kinh tế - xã hội để lồng ghép, triển khai có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
(Còn nữa)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065