NÔNG THÔN MỚI TRONG TƯ TƯỞNG, TƯ DUY
>> Bài 1: Nhiệm vụ ưu tiên và kế sách “trù phương lược”
BPO - Với vị trí chiến lược trọng điểm, là cửa ngõ giao lưu giữa các tỉnh Đông Nam bộ với Tây nguyên và nước bạn Campuchia, cùng với xác định hướng đi đúng đắn, sáng tạo, mang tính đột phá, giới chuyên gia nhận định, Bình Phước đang mở ra cơ hội rất lớn thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Bình Phước đang từng bước chuyển mình từ vị trí “dự trữ phát triển” thành “động lực phát triển” của vùng Đông Nam bộ và cả nước. Riêng với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), thành tựu của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đã góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông nghiệp, nông thôn và đời sống đồng bào. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển đã và đang đặt ra những thách thức lớn về cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới trong tư duy cũng như công cuộc bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng, vai trò lãnh đạo của Đảng…
Diện mạo mới từ nông thôn mới
Để có tư liệu thực tế cho loạt bài này, nhóm phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước đã thâm nhập, khảo sát tại vùng đồng bào DTTS 2 huyện Bù Đăng và Lộc Ninh. Trước đây, nơi sinh sống của đồng bào ở các buôn, sóc mang tính khu biệt rõ rệt. Ở một số vùng biên giới, bà con vẫn còn tập quán du canh, du cư. Chương trình NTM với quyết tâm chính trị cao, sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị bằng những cách làm sáng tạo, đã tạo nên bước đột phá, thay đổi nhanh chóng diện mạo đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn, nhất là vùng đồng bào DTTS. Ghi nhận từ các cuộc tiếp xúc với đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương, các già làng, chức sắc, chức việc tôn giáo và bà con nông dân cho thấy, đồng bào các DTTS rất phấn khởi, ủng hộ và luôn đồng hành với các dự án, công trình NTM ở địa phương. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng được 6.900km đường giao thông. Riêng giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư với 3.900km đường bê tông, triển khai theo cơ chế "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Nhằm đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả bê tông hóa giao thông nông thôn, nhất là trong vùng đồng bào DTTS, từ năm 2019, Tỉnh ủy đề ra chỉ tiêu mỗi năm xây dựng 1.000km đường nông thôn theo cơ chế đặc thù, gắn liền với mục tiêu giảm 1.000 hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS. Việc ban hành quy định về cơ chế đầu tư đối với công trình đặc thù thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2014-2020 theo Quyết định số 679/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Phước, thể hiện phương pháp tư duy mới, cách làm sáng tạo, nhằm khai thác, phát huy cao nhất tính chủ động, tự chủ của cơ sở và khả năng huy động nguồn lực tại chỗ. Nhờ đó, chúng ta đã đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Cùng với đường giao thông nông thôn, các hạng mục, thiết chế NTM ở các địa phương đều được triển khai đồng bộ. Hệ thống điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt được đảm bảo. Có 99% hộ dân sử dụng điện. Toàn tỉnh có 6 nhà máy thủy điện với 297MW, đang triển khai các dự án điện mặt trời với công suất thiết kế 850MW, cuối năm 2020 sẽ đưa vào hoạt động 1 dự án với công suất khoảng 450MWp và vận hành đường dây 220kV Lộc Ninh - Bình Long 2 để đấu nối các nhà máy điện mặt trời hòa hệ thống điện lưới quốc gia.
Hiệu quả thực hiện chương trình xây dựng NTM ở Bình Phước được Trung ương đánh giá cao, được mạng lưới báo chí - truyền thông từ Trung ương đến địa phương coi là mô hình tiêu biểu của cả nước, có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc. Kết cấu hạ tầng nông thôn như: điện, đường, trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt văn hóa, chợ nông thôn… được đầu tư xây dựng đảm bảo tiêu chí. Đến nay, Bình Phước có 60/90 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 67%; có 5/11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra là 50% xã và 1 huyện. Đây là một thành tựu vượt bậc, khẳng định hướng đi đúng đắn của ý Đảng, lòng dân trên địa bàn Bình Phước. Kết quả xây dựng NTM đã góp phần căn bản làm thay đổi diện mạo nông thôn, nhất là trong vùng đồng bào DTTS. Đời sống người dân được cải thiện, nâng cao, xóa bỏ hoàn toàn tập tục du canh, du cư. Đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,56%, giảm 3,6% so với đầu nhiệm kỳ, huy động được gần 300 tỷ đồng, xây dựng 2.307 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo…
Đổi mới tư duy, củng cố vững chắc trận địa tư tưởng
Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã chỉ ra, thành tựu kinh tế - xã hội quyết định đường lối, chủ trương của Đảng cầm quyền. Từ khía cạnh vật chất, chúng ta thấy rõ, tính Đảng trong vùng đồng bào DTTS đã và đang được tăng cường, củng cố ngày càng vững chắc. Khi diện mạo nông thôn và mức sống của người dân được thay đổi, cải thiện, nâng cao, niềm tin đối với Đảng trong đồng bào không ngừng được củng cố, tăng cường. Khi hạ tầng cơ sở phát triển thì đường lối, chủ trương (thể hiện trong nghị quyết và quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực tế) phải soi rọi, định hướng để đời sống xã hội vận động đúng tôn chỉ. Đây là mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại, ràng buộc lẫn nhau giữa hiện thực đời sống đồng bào và hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và hệ thống chính trị cơ sở. Tư duy biện chứng ấy phải trở thành dòng chủ lưu trong đời sống toàn dân.
Nêu vấn đề như vậy để thấy rõ hơn những thách thức. Khi chúng ta càng phát triển thì những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch càng gay gắt, toàn diện, tinh vi. Mặc dù địa bàn Bình Phước chưa phải là “điểm nóng” về các vấn đề dân tộc, tôn giáo như một số vùng ở Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ…, nhưng các nguy cơ tiềm ẩn thì luôn hiện hữu. Bình Phước là cầu nối giữa Tây nguyên và Nam bộ. Những vụ việc lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo gây mất ổn định chính trị, có bàn tay đạo diễn của các thế lực thù địch từ bên ngoài biên giới quốc gia ở một số địa phương Tây nguyên trong những năm qua, đều ảnh hưởng trực tiếp và liên quan mật thiết đến môi trường chính trị - xã hội ở Bình Phước.
Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nêu rõ: “Tình hình suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong nội bộ và một số hạn chế trong hệ thống chính trị chậm được khắc phục là nguy cơ gây mất đoàn kết nội bộ, kìm hãm sự phát triển. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp, có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của tỉnh...”. Nhận định này vừa mang tính đúc kết, vừa mang tính dự báo.
Làm một con đường bê tông chỉ mất vài ngày, nhưng để thay đổi một nếp nghĩ đã lỗi thời, lạc hậu, hình thành một kiểu tư duy mới, có khi phải mất vài năm, thậm chí còn lâu hơn. Tư duy đã thế, tư tưởng còn khó hơn nhiều, bởi trận địa tư tưởng chính trị trong đời sống của đồng bào là sự cộng hưởng của niềm tin, tinh thần yêu nước, lòng trung thành với Đảng và trong tình hình hiện nay, đó còn là khả năng đề kháng, tự miễn nhiễm với các luận điệu xuyên tạc, thù địch. Khó khăn đối với vấn đề này chính là xuất phát điểm về trình độ văn hóa, mặt bằng dân trí và mức sống của một bộ phận lớn đồng bào DTTS trong tỉnh còn thấp. Nhưng chúng ta có được thuận lợi to lớn đó là truyền thống đấu tranh đánh giặc giữ nước của đồng bào vô cùng vẻ vang, oanh liệt. Thuận lợi – khó khăn, thời cơ - thách thức luôn đan xen. Với tinh thần “lấy xây để chống”, chúng ta phải xây dựng, củng cố mối quan hệ đoàn kết, thống nhất giữa Đảng với đồng bào để biến thách thức thành thời cơ, biến khó khăn thành cơ hội. Sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa củng cố, bồi đắp tính Đảng và đấu tranh chống lại sự xâm nhập của các trào lưu tư tưởng cực đoan, phản động từ bên ngoài, luôn là cuộc đấu tranh cam go, phức tạp.
Giải quyết vấn đề này vừa là yêu cầu cấp bách, vừa là kế sách lâu dài. Trong tình hình hiện nay, cần phải tạo ra một cuộc “nông thôn mới” của tư duy, tư tưởng trong vùng đồng bào DTTS. Cần có sự chuyển động đồng bộ của các chủ trương, giải pháp từ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đến cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các huyện, thành phố, thị xã, đến các xã, thị trấn, thôn, ấp và đặc biệt là vai trò chủ động, nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên ngay từ cơ sở.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, tiến tới Đại hội XIII của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, là một “Hội nghị Diên Hồng” của thời đại mới trên quê hương Bình Phước. Hướng tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, các ban, ngành chức năng đã triển khai đồng loạt các chương trình hành động, tạo nên bầu không khí thi đua sôi nổi. Nhiều công trình kinh tế - xã hội trọng điểm đã kịp hoàn thành. Nhiều dự án đầu tư quy mô lớn đã khởi động, tăng tốc. Có thể nói, chưa bao giờ lãnh đạo tỉnh nêu quyết tâm, đặt kỳ vọng lớn vào sự đột phá phát triển của Bình Phước như hiện nay. Đây chính là nhân tố nòng cốt, là trụ cột vững chắc, là cơ hội để cấp ủy các cấp ở cơ sở nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 vào cuộc sống, tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “nhạt đảng, khô đoàn” ở địa phương.
Sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Tuyên truyền phải miệng nói tay làm, phải tùy hoàn cảnh mà tổ chức giúp đỡ nhân dân thật sự, không phải chỉ dân vận bằng diễn thuyết”. Khi chỉ đạo chuẩn bị và tiến hành đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu: “Phải phát huy dân chủ, tập hợp được trí tuệ của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc; trân trọng tiếp thu những ý kiến xác đáng, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất giữa ý Đảng với lòng dân”.
Khi ý Đảng, lòng dân kết thành một khối thống nhất, chúng ta sẽ tạo nên bức tường thành vững chắc cho trận địa tư tưởng chính trị của Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, góp phần đấu tranh làm thất bại âm mưu chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
(Còn nữa)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065