>> Hội thảo đẩy mạnh sản xuất, chế biến và xuất khẩu điều Bình Phước
BP - Bức tranh của công nghiệp chế biến, xuất khẩu điều Bình Phước là doanh nghiệp (DN) đông nhưng non trẻ và yếu; công suất chế biến lớn nhưng xuất khẩu (XK) ít, chủ yếu bán thô nên giá trị thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và danh tiếng của hạt điều thơm ngon nhất thế giới. Thị trường hạt điều trên thế giới đang gia tăng nhưng phải là sản phẩm sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Vì thế, DN điều muốn thành công và lớn mạnh chỉ có con đường đầu tư cho chế biến sâu, bảo đảm ATVSTP. Đó cũng chính là trọng tâm của hội thảo “Đẩy mạnh sản xuất, chế biến và XK điều Bình Phước”, diễn ra ngày 28-10.
Đại biểu dự hội thảo đẩy mạnh chế biến sâu, XK hạt điều Bình Phước
XUẤT THÔ LÃI ÍT, RỦI RO NHIỀU
Hiện Bình Phước có 134.127 ha điều. Diện tích tương đối ổn định nhờ giá điều cao trong 3 năm nay và giá cao su giảm sâu nên nông dân ngừng cưa điều để trồng cao su. Năm 2015, sản lượng điều trong cả nước đạt khoảng 344.900 tấn, trong đó riêng Bình Phước gần 200 ngàn tấn (chiếm 57,7%). Bình Phước có khoảng 226 DN và 328 cơ sở chế biến điều với công suất khoảng 500.000 tấn/năm (cả nước có khoảng 1,4 triệu tấn). Đa số DN chế biến điều có quy mô nhỏ, được hình thành từ cơ sở hộ gia đình. Vì vậy, chất lượng sản phẩm chưa cao, sản phẩm không đồng nhất. Các cơ sở chế biến thường chỉ thực hiện một số công đoạn trong chế biến rồi bán lại cho các công ty trung gian ngoài tỉnh, nên chưa quan tâm nhiều đến vấn đề ATVSTP cũng như việc đăng ký chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế... Chỉ có một số DN lớn, đủ năng lực tài chính mới mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, chế biến để có sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO, HACCP, GMP để XK. Do đó, toàn tỉnh chỉ có 34 DN chế biến trực tiếp XK, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong kim ngạch XK điều cả nước. Cụ thể, năm 2015 Bình Phước XK chỉ đạt 293,18 triệu USD trong số 2,5 tỷ USD cả nước; 9 tháng năm 2016, sản lượng XK đạt 39.888 tấn, trị giá 325,37 triệu USD, tăng 44,32% về giá trị so với cùng kỳ.
Sản phẩm hạt điều Bình Phước trưng bày tại hội thảo về công nghiệp chế biến sâu, tổ chức tháng 5-2016
Bình Phước có DN chế biến, XK được bằng thương hiệu, uy tín nhờ đầu tư thiết bị hiện đại, sản xuất bảo đảm ATVSTP, đặc biệt là quản trị DN giỏi. Nhưng những DN như thế ở Bình Phước còn quá ít. Tận dụng tốt thời cơ thì đến năm 2020, với 200.000 ha điều, sản lượng 500.000 tấn, XK của các DN điều Bình Phước đạt trên 1 tỷ USD là trong tầm tay. Chủ tịch Vinacas Nguyễn Đức Thanh |
DN điều Bình Phước cũng yếu về quản trị DN và thiếu hiểu biết về pháp luật nên nhiều trường hợp phải trả giá đắt khi mua nguyên liệu từ đối tác nước ngoài: Đối tác nhận tiền nhưng “xù” không giao hàng, giao hàng không đúng theo hợp đồng cả về chất lượng và số lượng. DN đông, phát triển nóng, nên xảy ra tranh mua, tranh bán nguyên liệu, đẩy giá lên cao, sau đó thua lỗ.
Chủ tịch Vinacas Nguyễn Đức Thanh cho rằng: DN điều Bình Phước rất có ý chí khởi nghiệp. Tuy nhiên, do năng lực tài chính và quản trị DN còn yếu nên không chế biến sản phẩm chất lượng cao để XK. Xuất thô giá trị rất thấp so với chế biến sâu, bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Xuất thô phụ thuộc và rủi ro lớn khi đối tác ngừng mua, không mua hoặc là mua nguyên liệu cao nhưng phải bán giá thấp khi thị trường xoay chiều giảm giá (năm 2011, giá điều thô trong vụ mùa lên đến 42.000 đồng/kg nhưng cuối mùa giảm chỉ còn 25-26.000 đồng/kg).
DN PHẢI “LỚN LÊN”
Tại hội thảo, nhiều DN thành công trên thương trường đã chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng, phát triển công ty, trong đó đầu tư bài bản về nhân lực, trang thiết bị máy móc để giữ uy tín sản phẩm đã được cấp các chứng chỉ ISO, HACCP, bảo đảm ATVSTP.
Ông Tạ Quang Huyên cho rằng: Tại các hội nghị DN điều đa phần kiến nghị về vốn cho sản xuất. Đây cũng là vấn đề muôn thuở, khó giải quyết. Bởi chính quyền không thể đứng ra bảo lãnh cho DN. DN phải “lớn lên”, sản xuất, XK uy tín thì ngân hàng sẵn sàng cho vay.
Ông Lê Quang Luyến, Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Giám đốc điều hành Công ty TNHH sản xuất - thương mại Phúc An (phường Phước Bình, TX. Phước Long) cho biết: Nếu so với các DN điều khác thì Phúc An ra đời sau (2004). Lúc mới thành lập chỉ có 50 người, nay tăng lên 300 người. Doanh thu năm đầu 25 tỷ đồng, năm 2015 đạt 640 tỷ đồng. Công ty chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại, dây chuyền sản xuất khép kín, bảo đảm ATVSTP, đào tạo nhân lực. Phúc An có 1 giáo sư tư vấn kinh doanh quốc tế, 1 thạc sĩ kinh doanh quốc tế, 7 kỹ sư công nghệ thực phẩm quản lý chất lượng...
Giám đốc Công ty cổ phần hạt điều Gia Bảo Trần Văn Sơn (phường Tân Phú, TX. Đồng Xoài) ước mơ: “Bước chân vào siêu thị ở Bắc Kinh, Đài Loan là nhìn thấy hạt điều Gia Bảo và khi bước ra thấy sản phẩm nằm trong giỏ hàng của người mua”. Ông Sơn khẳng định thị trường châu Á là tiềm năng lớn với các DN điều Việt Nam...
Hạt điều Gia Bảo hiện bán trong các siêu thị ở Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và 1 tháng xuất ra thị trường trong nước 1.000 thùng. 1kg điều xuất thô giá chỉ bằng 35 gram bán lẻ của Gia Bảo. 1 gói bán lẻ có giá thành sản xuất 1.600 đồng, giá bán tới tay người tiêu dùng 3.500 đồng. Tại bàn ăn, nếu khách hàng xé 1 gói điều (35 gram) thì Gia Bảo lời 500 đồng. Giám đốc Công ty cổ phần hạt điều Gia Bảo Trần Văn Sơn |
Chủ tịch Vinacas Nguyễn Đức Thanh trả lời phỏng vấn của các nhà báo về xây dựng thương hiệu hạt điều: “Nói đến hạt điều là nghĩ đến Bình Phước, nghĩ đến Việt Nam. Đó cũng chính là thương hiệu hạt điều mà DN chế biến, XK của Việt Nam đã xây dựng được trên thị trường quốc tế. DN điều Bình Phước đã và đang có nhiều thuận lợi lớn. Đó là chế biến XK điều Việt Nam chưa có đối thủ cạnh tranh, thị trường lớn với 150 quốc gia, lãnh thổ. Tiêu dùng hạt điều gia tăng nhanh với 5%/năm”.
Hiện tỉnh Bình Phước đã đưa cây điều và công nghiệp chế biến, XK điều là mũi nhọn phát triển kinh tế, ổn định trật tự xã hội khi 30% số dân Bình Phước sống nhờ vào cây điều. Bình Phước đã được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch vùng nguyên liệu chính với 200.000 ha điều vào năm 2020. Hạt điều Bình Phước được chọn xây dựng thành thương hiệu quốc gia...
Để ngành điều Bình Phước phát triển bền vững, gia tăng giá trị từ công nghiệp chế biến, XK, Chủ tịch Vinacas Nguyễn Đức Thanh đề xuất 5 vấn đề: Thứ nhất, Bình Phước phải bảo vệ và nhân rộng nguồn gen giống điều tốt địa phương để tăng năng suất, sản lượng. Thứ hai, để bảo vệ danh tiếng của hạt điều Việt Nam và hạt điều Bình Phước thì DN phải tuân thủ luật chơi của kinh tế thị trường, không chế biến và XK bằng mọi giá. Thứ ba, DN lớn phải chuyển giao công nghệ chế biến theo tiêu chuẩn ISO, HACCP cho DN nhỏ và vừa. Thứ tư, không chạy theo sản lượng mà phải tận dụng lợi thế của nguyên liệu tốt tại chỗ để tập trung chế biến sâu; trong đó DN lớn phải phân chia rành rọt 2 dòng sản phẩm là sản phẩm Bình Phước và sản phẩm nguyên liệu nhập từ châu Phi. Thứ năm, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng ngân sách hỗ trợ phát triển cây điều Bình Phước thông qua các chương trình khuyến nông.
Phương Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065