BP - Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC của liên bộ Y tế và Tài chính yêu cầu đặt ra hiện nay là các bệnh viện công phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, thực tế các bệnh viện công trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn cả về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Vì vậy, bên cạnh việc nhanh chóng khắc phục những nguyên nhân chủ quan thì ngành y tế rất cần sự hỗ trợ của chính quyền các cấp.
KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC Ở BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới nhưng Bệnh viện đa khoa tỉnh hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn. Trong đó nan giải nhất là tìm kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
KHÔNG CÒN KINH PHÍ ĐỂ ĐẦU TƯ MỚI
Trung bình mỗi năm, Bệnh viện đa khoa tỉnh được ngân sách cấp gần 32 tỷ đồng (tương đương 600 giường bệnh) để hoạt động. Tuy nhiên số kinh phí này chỉ đáp ứng 75% nhu cầu để trả lương, đóng bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH) cho nhân viên. Trong đó, nguồn kinh phí đầu tư khoảng 4 tỷ đồng/năm chỉ đủ để sửa chữa nhỏ, bảo trì, bảo hành trang thiết bị. Nguồn thu hằng năm của bệnh viện khoảng 120 tỷ đồng, trong đó 70% chi thuốc, hóa chất, dịch truyền, vật tư y tế tiêu hao; phần còn lại trích 35% để tăng lương, 65% cho hoạt động thường xuyên. Do vậy, Bệnh viện đa khoa tỉnh không còn kinh phí để đầu tư mới cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị phục vụ chuyên môn.
Khoa Ngoại, Bệnh viện đa khoa tỉnh luôn trong tình trạng quá tải, phải kê thêm giường khiến phòng chật chội
Thực hiện Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch và Thông tư liên tịch số 10/2014 ngày 26-2-2014 của liên bộ Y tế, Nội vụ, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội về hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg, Bệnh viện đa khoa tỉnh đã chi trả chế độ phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật cho cán bộ, viên chức từ năm 2012-2015 với tổng kinh phí chênh lệch hơn 39 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn ngân sách mới chỉ cấp cho Bệnh viện đa khoa tỉnh hơn 14 tỷ đồng. Số kinh phí đã chi trả cho nhân viên được trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp nên hiện bệnh viện còn nợ các công ty tiền thuốc, hóa chất, vật tư y tế... gây khó khăn trong phục vụ khám chữa bệnh. Ngoài ra, Bệnh viện đa khoa tỉnh phải giảm viện phí cho người nghèo, người sống lang thang cơ nhỡ, đồng bào dân tộc thiểu số, người Campuchia khoảng 500 triệu đồng/năm và không được quyết toán.
Bệnh viện đa khoa tỉnh được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2002 với quy mô 300 giường bệnh. Trang thiết bị bệnh viện được đầu tư từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Đức (năm 2008) với tổng 1,7 triệu Euro. Hiện nay, bệnh viện phải thực hiện nhiệm vụ của bệnh viện 600 giường trên cơ sở hạ tầng cũ. Do vậy, một số khoa xuống cấp trầm trọng, luôn trong tình trạng quá tải nhưng không thể kê thêm giường bệnh như Khoa Lão, Chạy thận nhân tạo. Bên cạnh đó, trang thiết bị y tế cho phòng mổ, hệ thống máy chủ, máy thở tại Khoa Nhi còn thiếu. Hệ thống xử lý nước thải đã xuống cấp, nước thải không đạt tiêu chuẩn nên không đấu nối được vào hệ thống thoát nước khu vực. Do vậy, nước thải sau khi xử lý xả vào hố tự thấm của bệnh viện, về mùa mưa gây ngập úng và ô nhiễm môi trường.
CHƯA THỰC SỰ XEM BỆNH NHÂN LÀ KHÁCH HÀNG
Thực hiện Quyết định số 215/QĐ-BYT ngày 4-6-2015 của Bộ Y tế về việc “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, qua 1 năm triển khai lượng bệnh nhân của bệnh viện tăng đáng kể. Năm 2015, tổng số lần khám bệnh đạt 96,95% kế hoạch, bệnh nhân nội trú đạt 110%, công suất sử dụng giường bệnh 114%. Chất lượng điều trị từng bước được cải thiện, không có biểu hiện lạm dụng thuốc, dịch truyền đắt tiền. Nạn cò xe chuyển viện giảm đáng kể, nhiều kỹ thuật mới triển khai thực hiện có hiệu quả. Các ý kiến phản ánh qua đường dây nóng, thùng thư góp ý, cuộc họp hội đồng người bệnh giảm đáng kể...
Tuy nhiên, bệnh viện vẫn còn tồn tại như: Một số viên chức, người lao động chấp hành ngày, giờ làm việc chưa nghiêm túc; nhiều người vắng mặt tại vị trí công việc không lý do, tình trạng đi muộn, về sớm còn diễn ra, tác phong chậm chạp khi mời hội chẩn. Một số bác sĩ chưa hướng dẫn, giải thích cặn kẽ về tình trạng bệnh khiến bệnh nhân không hài lòng. Trong giao tiếp với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân có một số nhân viên y tế thiếu lịch sự. Mặc dù đã có chế tài nhưng khi vi phạm vẫn chưa bị xử lý nghiêm, dẫn đến tình trạng coi thường, tái phạm của nhân viên. Ngoài ra, bệnh viện vẫn chưa triển khai tập huấn về nâng cao kỹ năng giao tiếp cho nhân viên y tế; chưa thành lập Phòng công tác xã hội, đơn vị chăm sóc khách hàng nên các hoạt động này không hiệu quả tại một số khoa, phòng. Vừa qua, đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đánh giá mức độ “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế” tại Bệnh viện đa khoa tỉnh đạt 81/100 điểm. Trong đó đoàn kiểm tra kiến nghị bệnh viện sớm hoàn thiện các tiêu chí: Tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng giao tiếp cho cán bộ y tế; xây dựng phong cách, thái độ phục vụ văn minh, thân thiện, không có tiêu cực; xây dựng kế hoạch kiểm tra, khen thưởng và xử lý vi phạm việc thực hiện đổi mới phong cách.
Phương Dung
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065