Năm 2016, Việt Nam có 35 học sinh tham gia 44 lượt thi tại các kỳ thi Olympic Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Tiếng Nga, mang về 39 huy chương và bằng khen cho Tổ quốc. Đây là năm đầu tiên, tất cả các đoàn xuất quân đều có huy chương vàng (HCV), trong đó có 1 HCV đã phải chờ đợi hơn 15 năm (kể từ năm 2001) mới có được từ môn Sinh học. Trong số các học sinh đạt thành tích xuất sắc đó, có nhiều em học tại các trường THPT vùng nông thôn, ở những địa phương còn rất nhiều khó khăn cả về điều kiện kinh tế cũng như cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học. Vì vậy, những tấm huy chương lấp lánh của các em càng có giá trị hơn bao giờ hết.
I. Vũ Xuân Trung, chàng trai quê lúa Thái Bình 2 năm liền giành HCV Olympic quốc tế Toán học. Em hiện là sinh viên năm nhất Trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội). Từng là học sinh chuyên toán Trường THPT chuyên Thái Bình, Trung nổi tiếng với tư duy giải toán nhanh và chắc chắn. Nhà nghèo, 4 chị gái trước em đều nghỉ học để đi làm với mong muốn tập trung cho cậu em út ăn học. Dù vậy, Trung vẫn không có điều kiện đi học thêm. Kiến thức em có được đến từ việc học trên lớp, tự mày mò và tìm tòi qua sách vở cùng những đợt bồi dưỡng ngắn ngày trong đội tuyển của trường.
Thủ tướng trao bằng khen tặng các học sinh đoạt huy chương vàng Olympic quốc tế 2016
Nói về 2 tấm HCV của mình, Trung chia sẻ rất giản dị: “Mẹ em là một người hay suy nghĩ. Có quá nhiều điều khiến mẹ em phải trăn trở và phiền muộn. Những thành tích em đạt được ngoài phục vụ tương lai bản thân, còn là món quà giúp mẹ em có thể cười nhiều hơn trong cuộc sống”. Với Trung, gia đình luôn là hậu phương vững chắc, là nguồn động lực thôi thúc bản thân luôn nỗ lực, là bến đỗ an toàn nhất trong cuộc sống. Thầy cô là những người truyền cảm hứng và là những vị quân sư trong quá trình học tập. “Còn bạn bè là những đứa... điên điên khùng khùng, luôn cho em những giây phút sảng khoái nhất, cháy hết mình nhất, làm cho cuộc sống thêm hạnh phúc và thú vị”, Trung tâm sự. Uớc mơ của chàng trai này là trở thành kỹ sư khoa học máy tính.
Còn Nguyễn Thế Quỳnh, người xuất sắc giành HCV Olympic Vật lý khi mới là học sinh lớp 11; hiện là học sinh lớp 12 chuyên Lý - Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp (Đồng Hới, Quảng Bình). Sinh ra trong gia đình có 2 anh em trai, biến cố gia đình ập đến khi bố Quỳnh lâm bệnh nặng và qua đời năm Quỳnh học lớp 8. Suốt 5 năm qua, một tay mẹ Quỳnh quán xuyến sạp thịt heo ngoài chợ Cộn nuôi con ăn học thành tài. Thầy Nguyễn Đình Tấn, giáo viên chủ nhiệm của em cho biết, Quỳnh học Vật lý nhẹ nhàng, kiên nhẫn và bền bỉ. Ngoài giỏi Toán, Lý, Tiếng Anh, Quỳnh còn có tài diễn kịch. Từ bàn đạp đã có, Quỳnh mơ ước được đi du học để ấp ủ trở thành nhà khoa học, hoặc ít nhất là một giảng viên tầm cỡ quốc tế về vật lý thí nghiệm.
Em Đinh Thị Hương Thảo nhận Huân chương Lao động hạng ba - đã đoạt huy chương vàng trong kỳ thi Olympic quốc tế 2015 và 2016
Cùng đoạt HCV Olympic Vật lý quốc tế năm 2016 với Quỳnh là em Đinh Thị Hương Thảo, lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định). Thảo còn được nhận giải đặc biệt “Nữ sinh châu Á đạt kết quả cao nhất” do Hội Vật lý châu Á - Thái Bình dương trao tặng.
II. Tại lễ tuyên dương học sinh đoạt giải Olympic quốc tế 2016 hồi đầu tháng 12-2016. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắn nhủ: “Tổ quốc không chỉ cần những tấm huy chương của các em hôm nay mà hơn thế nữa, chính các em là những người thuộc thế hệ sẽ đưa Việt Nam bước lên đài vinh quang trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Năm 1974, ngay lần đầu tiên học sinh Việt Nam tham dự một kỳ Olympic quốc tế, chúng ta đã đoạt HCV Toán học. Trải qua 42 năm, chúng ta đã liên tục giành huy chương ở tất cả các môn. Những gì các em đạt được hôm nay là sự kế thừa tinh thần hiếu học, không ngừng vươn lên chinh phục đỉnh cao tri thức của rất nhiều thế hệ Việt Nam. Trong đó, nhiều bậc tiền nhân đã làm rạng danh đất nước bằng trí tuệ, bản lĩnh và sự trung thành tuyệt đối với dân tộc, với cội nguồn, với Tổ quốc như Nguyễn Hiền, Mạc Đĩnh Chi, Lê Quý Đôn…
Câu chuyện của anh Phạm Kim Hùng, người từng đoạt HCV Olympic quốc tế Toán học trở thành niềm cảm hứng trong bài phát biểu của Thủ tướng. Tốt nghiệp Đại học Stanford, Phạm Kim Hùng quyết định không ở lại Mỹ mà về Việt Nam khởi nghiệp. “Các em hãy tìm đọc bài về anh Hùng, hãy lắng nghe lời khuyên của người thầy Đại học Stanford dành cho anh Hùng như dành cho chính các em mai sau. Thầy giáo ấy nói không cần em làm điều gì, hãy sống một cuộc sống ý nghĩa, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội từ những điều em học được ở đây”, Thủ tướng chia sẻ.
Đằng sau mỗi tấm huy chương là biết bao thầy cô giáo đã dày công vun đắp tài năng, là biết bao công lao khó nhọc, những hy sinh thầm lặng của những bậc làm cha, làm mẹ, làm ông, làm bà… Những tấm huy chương càng lấp lánh, kỳ vọng của chúng ta vào tương lai của đất nước càng lớn!
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065