Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố dự thảo Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông sau năm 2015 để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, ngành và nhân dân trong cả nước. Theo đề án này, chương trình SGK mới sẽ được lần lượt triển khai bắt đầu ở các lớp 1, 6 và 10 từ năm học 2016-2017. đến năm học 2021-2022, các lớp cuối cấp sẽ thực hiện chương trình theo SGK mới. Cũng theo đề án này, SGK mới chỉ được thực hiện ở những trường đã có đủ điều kiện về giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học. Như vậy, đối với các trường chưa đủ điều kiện nêu trên sẽ không áp dụng chương trình SGK mới và đến khi nào có đủ điều kiện mới thực hiện.
NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG ĐỀ ÁN
Dự thảo đề án cho biết, việc tổ chức thực hiện chia làm hai giai đoạn: Từ năm 2014 đến tháng 6-2016 và từ tháng 7-2016 đến năm 2022. Trong giai đoạn đầu, Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thành việc tổ chức nghiên cứu cơ sở khoa học về đổi mới chương trình SGK; đồng thời hoàn thành việc xây dựng chương trình tổng thể và chương trình môn học thử nghiệm. Cũng trong giai đoạn này, việc biên soạn, thẩm định, ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu, tài liệu bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý về thử nghiệm chương trình SGK lớp 1, 6 và lớp 10 sẽ được thực hiện. Sang giai đoạn hai sẽ hoàn thành việc biên soạn SGK thử nghiệm các môn của các lớp học còn lại, gồm: Lớp 2, 3, 4, 5, 8, 9, 11 và 12.
Liệu các trường dân tộc nội trú có đủ điều kiện để học sinh được học chương trình SGK mới theo đề án của Bộ GD-ĐT? Trong ảnh: Học sinh trường DTNT tỉnh và các bộ sách đang được sử dụng - Ảnh: K.B
Theo nội dung dự thảo được công bố, đề án xây dựng, triển khai chương trình và SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015 có nhiều nội dung mới. Trong đó có những nội dung quan trọng, như: Đề án chủ trương xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo hướng định hướng năng lực người học, chú trọng khả năng vận dụng sáng tạo kiến thức, kỹ năng giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống hằng ngày. Thứ hai, đề án chủ trương xây dựng chương trình SGK theo hướng mở, đi theo quan điểm xây dựng chương trình và biên soạn SGK hiện đại. Thứ ba, đề án đã khắc phục được những hạn chế của sự cắt khúc chương trình trong SGK hiện hành, từ đó đưa ra chương trình phù hợp. Thứ tư, mỗi môn học có một tổng chủ biên xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12, nên chương trình có sự thống nhất cao về nội dung...
Tuy mới được công bố, nhưng đề án đã nhận được nhiều ý kiến của các thầy cô giáo và các nhà quản lý giáo dục. Nhiều ý kiến cho rằng, đề án có tính khoa học, thực tiễn cao và đã tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế. Do vậy, đề án có khả năng hội nhập cao và bền vững nhờ có mục tiêu rõ ràng. Đề án còn có các ưu điểm nổi trội và đổi mới so chương trình hiện hành như: Sự đổi mới chương trình dạy và học dựa trên tiếp cận năng lực thay vì dựa trên lô-gic môn học và cách tiếp cận nội dung. Bên cạnh đó, chương trình mới trong đề án không bị cắt khúc mà là một chỉnh thể liên thông và nhất quán, hệ thống môn học bắt buộc ít mà tăng cường các hoạt động giáo dục và tự chọn, giảm gánh nặng học hành cho học sinh. Đồng thời, đề án đã coi trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo nhằm giáo dục phẩm chất và phát triển năng lực của học sinh.
VẪN CÒN NHỮNG BẤT CẬP
Điểm bất cập đầu tiên trong đề án là SGK mới chỉ được thực hiện ở những trường đã có đủ điều kiện về giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học. Các trường chưa đủ điều kiện sẽ không được áp dụng chương trình SGK mới và đến khi nào có đủ điều kiện mới thực hiện. Do đó sẽ xảy ra tình trạng nơi thì học chương trình mới, nơi lại học chương trình cũ và như thế không còn sự thống nhất về chương trình giáo dục phổ thông. Và với sự định hướng này sẽ có bao nhiêu địa phương, bao nhiêu cơ sở giáo dục nằm ngoài công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI)? Không những thế, định hướng này còn dẫn tới sự mâu thuẫn với quan điểm quản lý việc xây dựng và thực hiện chương trình bảo đảm tính khả thi, linh hoạt, phù hợp với địa phương và đối tượng học sinh mà Bộ GD-đT đã nêu trong phần mục tiêu của đề án.
Bất cập thứ hai là ở giai đoạn 2014 đến tháng 6-2016, đề án cần bổ sung thêm ba công việc. Thứ nhất, đổi mới việc kiểm tra đánh giá học sinh và thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng như cách đánh giá kết quả giáo dục của các cơ sở giáo dục sau mỗi năm, mỗi cấp học. Thứ hai, tổ chức tập huấn bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý về nội dung triển khai thực hiện chương trình và SGK mới, đồng thời giải quyết dứt điểm chế độ tiền lương cùng các chế độ tài chính khác để bảo đảm ổn định, phát triển đội ngũ nhà giáo và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Thứ ba, đổi mới cơ chế quản lý, phân cấp quản lý, tạo điều kiện để các cơ sở GD-ĐT được tự chủ trong các hoạt động giáo dục. Khối lượng công việc quá lớn, quá nhiều, trong khi thời gian thực hiện lại quá ngắn. Và nội dung công việc của giai đoạn từ tháng 7-2016 đến năm 2022 ít hơn, nhưng thời gian lại quá dài. Vì vậy, theo ý kiến của cá nhân người viết thì ở giai đoạn đầu cần kéo dài thêm 1 năm và ở giai đoạn từ tháng 7-2016 đến 2022 cần rút ngắn còn 3 năm. Như vậy, cả hai giai đoạn sẽ kết thúc vào năm 2020. Vì nếu kéo dài đến năm 2022 thì e rằng chương trình SGK mới đến khi đó đã có sự lạc hậu.
Một số nhà giáo giàu kinh nghiệm ở TX. Đồng Xoài sau khi xem xong đề án đã cho rằng, trong công cuộc đổi mới hiện nay, yếu tố con người sẽ đóng vai trò quyết định. Vì thế, đối với GD-ĐT dù có chương trình đổi mới, phù hợp và SGK tiên tiến nhưng thiếu một đội ngũ giáo viên có đủ năng lực, biết áp dụng vào điều kiện Việt Nam thì vẫn không thể tạo ra được những kết quả như mong muốn. Vì vậy, đề án cần chú trọng đến việc đào tạo đội ngũ nhà giáo có đủ đức và tài thì mới thực sự tạo ra bước đột phá trong phát triển GD-ĐT.
N.N
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065