GIÁ CHẠM ĐÁY, NÔNG DÂN QUAY LƯNG VỚI CAO SU
Đầu mùa khai thác mủ năm 2015, ở thủ phủ cao su Bình Phước, nông dân bán được 230 đồng/độ (tương đương 23 triệu đồng/tấn) nhưng cuối quý 3 đến nay giá giảm chỉ còn 190-195 đồng/độ khiến nhà vườn lao đao, chỉ hộ nào lấy công làm lãi (cạo trút) mới mong kiếm được tiền để trang trải cuộc sống qua ngày. Riêng các công ty cao su trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) đứng chân trên địa bàn tỉnh giá bán đã xấp xỉ giá thành sản xuất. Ngoài các công ty ở Đông Nam bộ còn có lãi, các đơn vị khác ở Tây Nguyên, duyên hải miền Trung duy nhất có Công ty cao su Quảng Nam là có lãi. Như vậy, quý 4/2015, giá mủ cao su đã chạm đáy.
Quỹ tiền tệ quốc tế dự báo giá cao su chạm đáy vào quý 4/2015 và sẽ phục hồi trở lại từ năm 2016.
Trong ảnh: Công nhân Nông trường cao su Tân Thành, Công ty cao su Đồng Phú thu gom mủ - Ảnh: SỸ HÒA
Những ngày cuối năm, chúng tôi đến ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh (Lộc Ninh) dù cao su đang trong thời điểm cho mủ nhiều nhất nhưng nhiều hộ đã cắt bỏ, cày xới phơi đất để chuẩn bị cho mùa xuống giống hồ tiêu (tháng 6-2016). Do có nhiều đất mới (đất chưa trồng tiêu) nên Đồi Đá là khu chuyên canh hồ tiêu lớn nhất của xã Lộc Khánh. Chị Nguyễn Thị Loan có 3 ha, kinh tế khá nhờ trồng cao su, tiêu và điều, nay không thương tiếc chặt bỏ vườn cây đang độ sung sức (12 năm tuổi) để chuẩn bị đất cho mùa trồng tiêu. Trên các con đường đất đỏ, đường nhựa của ấp Đồi Đá nhiều vườn cao su vừa cưa bỏ thân cây vẫn còn treo máng cạo rỉ dòng mủ trắng.
Theo tính toán của nhiều hộ, 1 ha cao su được trồng giống tốt, chăm sóc, khai thác theo đúng quy trình kỹ thuật, mỗi lần cạo thu được 60kg mủ nước với giá bán hiện nay khoảng 6.000 đồng/kg, trừ tiền công cạo 160-170 ngàn đồng thì nông dân thu lãi 200 ngàn đồng (chưa tính phân bón, thuốc bảo vệ thực vật). Nếu so sánh thì giá mủ cao su còn thua cả cây điều, trong khi phải thức khuya dậy sớm để cạo mủ. Không có lãi nên nếu nông dân không chuyển đổi cây trồng thì nhiều vườn cây cao su đã ngừng khai thác mủ để đỡ tiền công quản lý, phân bón.
Chị Loan cho biết, thời hoàng kim cao su, đa số hộ trồng xen trong vườn điều cây nhỏ, đến 4 năm tuổi thì cưa điều để cao su lên. Cây giống tận dụng trôi nổi, chăm sóc cầm chừng nên năng suất, sản lượng thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp nhà nước. Trồng dày nên cây nhỏ vì thế nếu bán gỗ cũng giá thấp. Do đó, hộ có 3 ha trở lên, trồng theo đúng quy trình kỹ thuật mới cầm cự giữ vườn cây. Còn lại dưới 1 ha (cao su kiến thiết cơ bản và cao su kinh doanh) nông dân cầm chắc lỗ nên chủ động cưa bỏ chuyển đổi cây trồng.
GIÁ CAO SU CÓ “ẤM” LÊN?
Đây không chỉ là mong đợi của nông dân mà cả với doanh nghiệp trồng kinh doanh cao su thiên nhiên. Trước đó, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, giá cao su thiên nhiên sẽ chạm đáy vào quý 4/2015, trước khi phục hồi trở lại năm 2016. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, giá mủ cao su thiên nhiên sẽ bắt đầu phục hồi đến năm 2025. Theo phân tích của WB, giá mủ RRS3 năm 2015 chạm đáy ở mức 1,5 USD/kg và dần phục hồi 2016, với mức giá bình quân 154 USD/kg, đến năm 2025 là 2,09 USD/kg. WB và IMF cũng nhận định, phân tích giá cao su sẽ dần “ấm” lên nhờ các yếu tố sau:
Nguồn cung giảm dần nhờ chính sách kìm hãm sản lượng của các nước trồng cao su ở Đông Nam Á và Ấn Độ. Hiện khu vực này chiếm 92% sản lượng cao su thiên nhiên (Việt Nam năm 2015 là 11%). Cụ thể, năm 2014 giảm 1,9% so với năm 2013 và năm 2015 giảm 0,9% so với 2014 (do nông dân sản xuất cầm chừng, trong đó nhiều hộ bỏ không khai thác). Năm 2015, El nino hoành hành, hạn hán xảy ra khốc liệt làm năng suất, sản lượng mủ khai thác giảm.
Đang trong mùa thu hoạch mủ nhưng vẫn có nhiều hộ nông dân chặt bỏ cao su để trồng cây khác. Trong ảnh: Gỗ cao su được đưa về các cơ sở chế biến
Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất là do giá mủ liên tục giảm nên nông dân các nước, trong đó có Việt Nam cũng chặt bỏ cao su để chuyển đổi cây trồng, đã góp phần giảm sản lượng cao su toàn cầu. Hiện tồn kho cao su trên thế giới đã giảm, tính đến tháng 10-2015 còn 1,84 triệu tấn (cuối năm 2014 là 2,06 triệu tấn).
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2015 có 6.000 ha cao su bị chặt bỏ để chuyển đổi cây trồng, trong đó Bình Phước và Tây Ninh có diện tích chặt bỏ nhiều nhất với khoảng 1.800 ha/tỉnh (Bình Phước chủ yếu chuyển qua trồng hồ tiêu với trên 1.000 ha). Tuy nhiên, trong thực tế diện tích cao su bị chặt bỏ có thể còn cao hơn con số này. |
Tại phiên họp đặc biệt cấp bộ trưởng của các nước sản xuất cao su thiên nhiên trong năm 2015, đã nhất trí sẽ thành lập nhóm chuyên gia nghiên cứu thị trường để sớm ra giải pháp hiệu quả cân đối cung - cầu nhằm ổn định giá trên thị trường, đồng thời thành lập sàn giao dịch chung quản lý nguồn cung, điều phối thị trường cao su. Hiện ngành công nghiệp sản xuất ôtô của Trung Quốc đang dần phục hồi sẽ có tác động tích cực đến nhu cầu tiêu thụ cao su trên thế giới.
TIẾP TỤC “CHỜ THỜI, CHỜ GIÁ”?
Tuy nhiên, thực tế những tháng cuối năm 2015, giá dầu thô cũng đã rơi xuống đáy ở mức 35-36 USD/thùng do cung vượt xa cầu nhưng các nước khai thác dầu mỏ trong khối Apec vẫn không quan tâm đến sự kìm hãm để giảm sản lượng khai thác. Trong lúc đó, Iran đã được tháo bỏ lệnh cấm vận “thả cửa” khai thác xuất khẩu dầu thô. Mỹ cũng đã cho phép xuất khẩu dầu. Như vậy, bước qua 2016, giá dầu và khủng hoảng kinh tế châu Âu vẫn còn là bức tranh ảm đạm nên giá mủ cao su thiên nhiên vẫn là con số ẩn, dù đã được IMF và WB dự báo sẽ “ấm” lên.
Do đó năm 2016, dự báo sản xuất - kinh doanh cao su sẽ còn khó khăn hơn năm 2015. VRG chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục cắt giảm suất đầu tư là giải pháp sống còn (năm 2015 cắt giảm 30%). VRG đã xây dựng kịch bản giá cho các đơn vị trực thuộc là giá thành 25 triệu đồng/tấn, giá bán 26 triệu đồng/tấn (giảm 5 triệu đồng/tấn so với năm 2015). Như vậy năm 2016, nông dân và doanh nghiệp trồng cao su vẫn phải tiếp tục bài toán “thắt lưng, buộc bụng” để cầm cự “chờ thời, chờ giá”.
Phương Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065