Phát huy nội lực của ngành, kêu gọi sự vào cuộc, phối hợp của các ban, ngành địa phương để nỗ lực phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, đến nay 6/6 xã, phường của thị xã Bình Long đã có kết quả. Năm học 2012-2013, thị xã đạt 4/6 phường, năm học 2013-2014 chỉ tiêu còn lại là 2 xã Thanh Phú, Thanh Lương cũng đã cán đích. Tín hiệu vui về vị trí thứ 2 toàn tỉnh đạt phổ cập giáo dục mầm non đã chuẩn bị thuộc về thị xã Bình Long.
NHIỀU CÁCH LÀM HAY
Năm 2011, khi đã trở thành thị xã, địa bàn thu gọn gồm 4 phường, 2 xã, Bình Long vẫn chưa đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi. Đa số trẻ là đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình ở xa trường lớp và điều kiện kinh tế khó khăn. Năm học 2012-2013 và 2013-2014 tỉnh đã giao thị xã Bình Long phải hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ dưới 5 tuổi tại các xã, phường. Cô Trần Thị Mỹ Thành, Trưởng phòng Giáo dục thị xã phấn khởi cho biết: Năm 2014 toàn thị xã Bình Long sẽ cán đích kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi.
Cô và trò tại điểm trường mượn của trường Tiểu học Thanh Bình với 100% học sinh là đồng bào Xêtiêng
Thời gian qua để có điểm trường cho các em học tập, Phòng Giáo dục thị xã Bình Long đã phát triển 7 điểm lẻ tại 2 xã Thanh Lương, Thanh Phú bằng cách tận dụng trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hóa và dồn lớp tại các trường tiểu học để có phòng phổ cập giáo dục mầm non. Tại các phường, địa bàn giáp ranh được chia sẻ, linh hoạt và tạo điều kiện thuận lợi nhất để trẻ được ra lớp. Mỗi lớp có sĩ số từ 10-15 học sinh và giáo viên được điều động vào tận điểm lẻ. Cô Dư Thị Hồng, giáo viên trường Mầm non An Phú tại điểm trường Tiểu học Thanh Bình cho biết: Thời điểm trước, mỗi sáng mình gom hết học phẩm vào trong bao, chở vào điểm trường và dạy các em, trưa lại chở ra, mỗi ngày một loại học phẩm. Dạy điểm lẻ đi xa hơn, nói nhiều hơn và vất vả hơn. Nhưng lòng yêu nghề và thương các em ở vùng sâu chịu nhiều thiệt thòi nên mình tự động viên phải cố gắng. Bù lại, các em rất ngoan.
Lớp của cô Hồng có 16 em dân tộc Xêtiêng theo học. Sau 2 tháng làm quen, cô trò mới xóa được khoảng cách ngôn ngữ. Sang tháng thứ năm, các em đã đi học đều hơn, thích thú với các bài học, đã biết hát, đọc thơ và nhận mặt chữ cái. Cô Nguyễn Hiền Trần Thị Thu Thảo, Hiệu trưởng trường Mầm non An Phú cho biết thêm: 2 năm phổ cập giáo dục tại điểm trường này, sĩ số học sinh tăng dần cho thấy phụ huynh đã bắt đầu quan tâm đến việc học của con em.
Quyết tâm đạt phổ cập mầm non đã khiến những người làm quản lý và trực tiếp giảng dạy không nản chí. Họ đã tìm cách vận động nhà hảo tâm ủng hộ tập vở và quần áo, chăn màn cho các em ra lớp đầy đủ. Vận dụng nguồn quỹ phụ huynh học sinh ít ỏi của từng trường, họ chia sẻ cùng các em những tập tô màu, đất sét, cây bút chì... để các em có thêm kiến thức, vững bước vào lớp 1. Bằng tấm lòng, các thầy cô dạy phổ cập đã cùng ban ấp đến từng nhà động viên phụ huynh tạo điều kiện để các em ra lớp. Đến cuối năm 2013 trẻ em các phường, xã đã được huy động ra lớp đúng số lượng phổ cập giáo dục mầm non dưới 5 tuổi.
NỖ LỰC ĐẦU TƯ CƠ SỞ VẬT CHẤT
Từ năm 2011 đến 2013, Phòng Giáo dục thị xã Bình Long đã tham mưu UBND thị xã đầu tư xây dựng 3 trường mầm non, hỗ trợ xây dựng 1 trường tư thục. Sự có mặt kịp thời của các trường Vành Khuyên, Sơn Ca, Họa Mi và Hoa Hướng Dương đã góp phần rất lớn vào thành công của công tác phổ cập giáo dục mầm non ở thị xã Bình Long. Hiện toàn thị xã có 8 trường mầm non (6 công lập và 2 tư thục), cơ bản đáp ứng tốt việc duy trì đạt phổ cập trong tương lai. Tuy nhiên quyết tâm tiếp theo của Phòng Giáo dục thị xã là tham mưu UBND thị xã đầu tư thêm 2 trường mầm non tại 2 phường Phú Đức và Hưng Chiến, đáp ứng nhu cầu bán trú cho trẻ tại chỗ và giảm số lượng nhóm trẻ.
Cô Trần Thị Mỹ Thành cho biết: Là lãnh đạo đầu ngành và là đại biểu HĐND thị xã nên gần đến cuối mỗi năm học tôi đều mời lãnh đạo thị xã đi khảo sát nắm thực trạng các trường cần sửa chữa và nâng cấp. Bản thân tôi bị thúc giục bởi niềm đam mê với giáo dục, lấy tấm lòng của người thầy, trách nhiệm của phụ huynh làm động lực. Từ đó tự mình đi vận động mạnh thường quân bán rẻ đất để có nơi xây trường cho học sinh, các nhà hảo tâm tặng quà cho học sinh nghèo và động viên học trò cũ đã thành danh mở trường cùng địa phương gánh vác sự nghiệp trồng người.
Nếu những năm 2012 về trước thực trạng thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non ở thị xã Bình Long là trăn trở lớn của những người làm công tác giáo dục thì đến nay, vấn đề này đã cơ bản được giải quyết. Hơn 50 nhóm trẻ gia đình tự phát đã giảm còn một nửa. Tuy nhiên vẫn chưa bằng lòng với thực tại, Phòng Giáo dục thị xã Bình Long đang xin kinh phí đầu tư xây mới trường Mầm non An Phú vì hiện tại quy mô quá nhỏ (chỉ có 3 lớp) và đã xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu bán trú của học sinh.
Phương Dung
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065