Năm 2013, xuất khẩu cao su của Việt Nam tuy tăng về lượng nhưng giảm giá trị kim ngạch. Dự báo thị trường xuất khẩu cao su năm 2014 chưa sáng sủa. Vì vậy, theo Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cao su là tăng tỷ lệ xuất khẩu theo hợp đồng dài hạn, giảm xuất khẩu qua đường tiểu ngạch vào thị trường Trung Quốc và sản xuất đến đâu bán đến đó...
GIÁ GIẢM SÂU, KHÓ DỰ BÁO
Theo số liệu của Bộ Công thương, tháng 11-2013, Việt Nam xuất khẩu cao su đạt 118.576 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 261,526 triệu USD, tăng 6,9% về lượng nhưng giá trị giảm 18,5% so với cùng kỳ năm 2013. Lũy kế xuất khẩu 11 tháng đạt 951.397 tấn, kim ngạch hơn 2,219 tỷ USD, tăng 5% lượng nhưng giảm 13% trị giá so với cùng kỳ năm 2012. Dự kiến, năm 2013 kim ngạch xuất khẩu cao su đạt 2,5 tỷ USD, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm 2012.
Cơ cấu, doanh nghiệp Việt Nam tăng chủng loại mủ cốm SVR 10, 20 theo nhu cầu khách hàng
Giá giảm sâu nhưng thị trường rất khó dự báo sẽ tăng. Đến tháng 11, chỉ riêng Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VGR) đã phải ban hành 55 lượt giá sàn. Năm 2014, kinh tế thế giới đã có nhiều tín hiệu sáng sủa vượt qua giai đoạn khủng hoảng sâu liên tiếp nhiều năm liền nhưng thị trường giá mủ cao su vẫn là “ ẩn số”. Vì thế, trong năm 2013 và định hướng năm 2014 cả nhà vườn và doanh nghiệp đều sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó; nông dân không trữ mủ chờ giá, doanh nghiệp hạn chế tối đa tồn kho. Theo dự báo của Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA) giá mủ cao su đến 9-2014 vẫn giữ mức như năm 2013.
GIẢM XUẤT KHẨU TIỂU NGẠCH
Giá mủ cao su tăng cao ổn định từ năm 2003 đến 2011 nên diện tích và sản lượng cao su Việt Nam tăng vọt nay đã đạt hơn 1 triệu tấn/năm, chiếm 10% sản lượng cao su thiên nhiên xuất khẩu thế giới. Cũng như nhiều nông sản khác, hạn chế của xuất khẩu cao su thiên nhiên Việt Nam là chủ yếu xuất thô, mủ sơ chế nên giá trị chưa cao. Thị phần Trung Quốc chiếm 45% sản lượng cao su thiên nhiên xuất khẩu của Việt Nam; tiếp đến Malaysia 20,9% và Ấn Độ 8%.
Hiện Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới với 8.892.000 tấn (2012). Trong thực tế, xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam qua Trung Quốc theo phương thức tiểu ngạch, mậu biên nên khi thị trường thế giới khó khăn do khủng hoảng kinh tế thì doanh nghiệp (DN) Trung Quốc càng “ đỏng đảnh” với nhiều chiêu đóng cửa tiểu ngạch ở Móng Cái nên phần lớn cao su Việt Nam phải đi qua đường tiểu ngạch Lào Cai hay Hà Giang. Khi hết hàng lại đẩy giá lên để “câu” DN Việt Nam đưa hàng ra nhưng khi đến giảm mạnh ép giá nên DN phải chịu lỗ. Theo số liệu cập nhật của VRG, trong năm 2013 giá cao su trên thị trường mậu biên Móng Cái, Lào Cai liên tục giảm thấp hơn giá sàn tại kho từ 500-1 triệu đồng/tấn, chưa kể phí vận chuyển.
Theo tổng hợp của VRG, hợp đồng mua bán dài hạn chỉ tập trung ở các công ty cao su trực thuộc khu vực Đông Nam, chiếm khoảng 60% sản lượng, trong đó 80% cho xuất khẩu. Các công ty Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung hợp đồng dài hạn chỉ chiếm 40% tổng sản lượng, trong đó xuất khẩu 60%. Phụ thuộc vào thị trường mậu biên tiểu ngạch Trung Quốc nên DN chịu nhiều rủi ro, hiệu quả kinh doanh thấp. Tìm thị trường, khuyến khích DN bán sản phẩm theo hợp đồng dài hạn, giảm xuất khẩu mậu biên tiểu ngạch qua thị trường Trung Quốc cũng là định hướng của VGR nói riêng và cao su Việt Nam nói chung.
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM VÀ VƯỜN CÂY TƯ NHÂN
Đó cũng là chiến lược phát triển bền vững của cao su Việt Nam. Trong thực tế năm 2013, giá cao su giảm, thị trường bế tắc nhiều DN khó bán được sản phẩm nhưng các công ty cao su trực thuộc VRG ở Đông Nam bộ vẫn giữ chân được khách hàng ký hợp đồng dài hạn với lượng lớn nhờ chất lượng ổn định có uy tín, có thương hiệu và quan hệ tốt với khách hàng.
Mủ tờ, sản phẩm “ độc” có thương hiệu của cao su Lộc Ninh
Hiện Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về sản lượng cao su thiên nhiên, xuất khẩu đứng thứ 4. Theo đánh giá của Tổ chức nghiên cứu cao su Thế giới (IRSG) và Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA), cao su Việt Nam đang tồn tại hạn chế chất lượng chưa đồng đều giữa các DN Nhà nước và cao su tiểu điền. Khắc phục, nhiều năm qua VGR đã chỉ đạo các đơn vị thành viên đứng chân trên địa bàn các tỉnh đẩy mạnh công tác khuyến nông cho nông dân. Bước đầu, vườn ươm các công ty đã trở thành địa chỉ cung cấp giống chủ lực cho tái canh trồng mới của mình và các dự án cao su tư nhân, nông dân để khắc phục cây giống trôi nổi, không thuần giống. Ở Bình Phước, các trung tâm dạy nghề nông thôn, các hội đoàn thể phối hợp mời cán bộ kỹ thuật nông trường tham gia dạy các lớp cạo mủ cho nông dân.
Các chuyên gia kinh tế nghiên cứu phát triển cao su thế giới cho rằng, trong chế biến các nhà máy có sản phẩm cao su đạt tiêu chuẩn quốc gia mới được phép sử dụng nhãn hiệu cao su tiêu chuẩn VN SVR hoặc nhãn của thương hiệu cao su Việt Nam. Nếu nhà máy không đủ tiêu chí chỉ sử dụng nhãn của nhà máy đó. Nhà nước phải quy hoạch lại vùng nguyên liệu và đóng cửa các nhà máy nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường và không đạt chuẩn. Đồng thời các công ty cao su cũng phải chuyển hướng tăng dần chủng loại mủ sơ chế theo nhu cầu khách hàng. Như vậy, cao su Việt Nam mới thuận lợi thị trường trong và ngoài nước. Với nhà vườn, ngoài nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây, cạo mủ đúng quy trình (hiện đa số nhà vườn đang cạo D2 chứ không cạo D3), phải nâng cao nhận thức cương quyết không sử dụng hóa chất bảo quản có hại hoặc bị cấm trong quy trình bảo quản, chế biến mủ cao su.
Từ năm 2010 giá mủ cao su tăng cao, thị trường mủ hỗn loạn với xảy ra tình trạng tiểu thương Trung Quốc xúi giục nông dân pha tạp chất mủ nước. VGR đã chỉ đạo các công ty tăng cường công tác thu mua mủ cho nông dân, bảo đảm quyền lợi giá và góp phần giữ uy tín cho thương hiệu cao su Việt Nam. Hiện nay, mủ thu mua của các công ty trực thuộc VRG bằng khoảng 30% tổng sản lượng khai thác. Điển hình, công ty cao su Lộc Ninh thành lập Ban thu mua với sản lượng lớn bằng 50% sản lượng khai thác của đơn vị (năm 2012) và năm 2013 tăng lên 9.500 tấn, năm 2014 phấn đấu thu mua 10.000 tấn (sản lượng hàng năm của công ty là 12000 tấn). Đây cũng là mô hình điểm cao su Lộc Ninh cho các đơn vị bạn học tập.
Theo ông Lê Minh Châu, Phó tổng giám đốc VRG thu mua mủ cao su tiểu điền, các công ty góp phần lành mạnh, minh bạch thị trường. Nhờ đó, nông dân không bị ép giá, nhà máy đủ nguyên liệu theo công suất, công nhân có việc làm và DN có thêm doanh thu trong hoàn cảnh sản xuất - kinh doanh ngày càng khó khăn.
P.HÀ
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065