Truyền thông Úc hôm qua đưa tin Mỹ đang xem xét sử dụng quần đảo Cocos, lãnh thổ hải ngoại của Canberra trên Ấn Độ Dương, để triển khai máy bay do thám không người lái. Bộ trưởng Quốc phòng Úc Stephen Smith tuyên bố việc sử dụng quần đảo Cocos là lựa chọn lâu dài cho quan hệ quân sự gần gũi hơn giữa 2 nước. Theo giới chức, nơi này được xem là vị trí lý tưởng để triển khai máy bay không người lái giám sát các tuyến đường biển quan trọng trong khu vực, bao gồm cả biển Đông.
|
Bên cạnh đó, đơn vị đầu tiên trong số 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ dự kiến triển khai tại vùng lãnh thổ phía bắc của Úc sẽ đến nơi vào tháng 4, theo AFP. Các tàu sân bay và tàu ngầm tấn công hạt nhân cũng sẽ hiện diện tại Úc trong khuôn khổ kế hoạch tái tập trung nguồn lực quân sự của Mỹ trong khu vực. Ngoài quần đảo Cocos, Mỹ đang đàm phán với Singapore để đưa tàu chiến đến nước này, đồng thời xem xét triển khai thêm quân ở Philippines và Thái Lan. Bên cạnh đó, Washington cũng đang tìm cách tăng cường quan hệ với các nước khác ở Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Brunei...
Trước đó, có tin Mỹ đang đàm phán với Úc, Hàn Quốc và Nhật Bản về kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa tại châu Á, tương tự với hệ thống phòng thủ của nước này tại châu Âu. Phản ứng về việc này, Tân Hoa xã dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi kêu gọi các nước “thận trọng” để duy trì ổn định và tăng cường lòng tin.
Chi tiêu hải quân Ấn Độ tăng 74% Theo trang tin Defense News, trong tài khóa 2012-2013, Ấn Độ sẽ phân bổ 4,77 tỉ USD cho hải quân, tăng 74% so với năm trước. Ngân sách này sẽ được dùng vào việc trang bị tàu chiến, tàu ngầm và kế hoạch đóng tàu sân bay. Trong khi đó, hôm qua chính trường Ấn Độ bị chấn động khi bức thư của Tổng tham mưu trưởng V.K.Singh gửi Thủ tướng Manmohan Singh bị rò rỉ cho giới truyền thông. Trong bức thư đề ngày 12-3, ông Singh cáo buộc tệ tham nhũng và quan liêu trong Bộ Quốc phòng khiến quân đội Ấn Độ suy yếu nghiêm trọng, thiếu đạn dược, vũ khí còn hệ thống phòng không thì lỗi thời. AFP dẫn lời giới quan sát nhận định vụ này là bằng chứng cho thấy mâu thuẫn gay gắt giữa Tổng tham mưu trưởng Singh và các lãnh đạo dân sự trong Bộ Quốc phòng. Phe đối lập đã yêu cầu điều tra các cáo buộc trên lẫn việc tại sao bức thư bị tiết lộ. |
(Theo TNO)