Thế hệ vũ khí hạt nhân hoàn toàn mới
Theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự Nga, bom B61-12 thực sự là dòng vũ khí hạt nhân cấp chiến thuật hoàn toàn mới, chứ không phải chỉ là phiên bản nâng cấp của dòng bom hạt nhân B61 đã tồn tại từ nhiều thập kỷ qua.
“Theo thiết kế, bom B61-12 được trang bị cánh lượn và hệ thống dẫn đường được tối ưu hóa giúp tăng độ chính xác của nó. Những phiên bản trước đây của bom B61 chỉ nhằm mục đích tiêu diệt các mục tiêu nằm trên mặt đất của đối phương với khả năng công phá không quá 9 Megatone (9 triệu tấn thuốc nổ TNT)”, tờ báo Nga Vzglyad dẫn lời các chuyên gia quân sự Nga đăng tải.
Tuy nhiên, với khả năng tấn công các không gian kín như các mục tiêu nằm dưới lòng đất của phiên bản B61-12, sức công phá của phiên bản bom B61 này đã vượt quá ngưỡng 10 Megatone (tăng khoảng 15% so phiên bản gốc). Có thể nói, B61-12 chính là thế hệ bom hạt nhân cấp chiến thuật đầu tiên được thiết kế chuyên biệt tấn công chính xác các mục tiêu nằm trong lòng đất.
Một vụ thử nghiệm bom B61-12 mới.
“Quân đội Mỹ hiện không có loại vũ khí hạt nhân nào có chức năng tương tự”, tờ báo Nga Vzglyad đăng tải.
Ngày 3-8-2016, Cơ quan An ninh hạt nhân quốc gia Mỹ (NNSA) tuyên bố thế hệ bom hạt nhân B61-12 thuộc chương trình kéo dài niên hạn sử dụng (LEP) chính thức được sản xuất hàng loạt và sẽ được trang bị đại trà cho Quân đội Mỹ từ năm 2020. Gói nâng cấp lên chuẩn B61-12, cho phép Quân đội Mỹ tiếp tục sử dụng dòng bom hạt nhân chiến thuật này thêm ít nhất 20 năm.
Theo kế hoạch bom B61-12 sẽ được triển khai tại châu Âu, có thể là tại căn cứ không quân Büchel ở Đức. B61-12 sẽ thay thế hoàn toàn các phiên bản bom B61-3, -4 cấp chiến thuật trang bị cho máy bay F-15E Strike Eagle và F-16C Fighting Falcon; phiên bản B61-7, -10 và -11 cấp chiến lược trang bị trên máy bay ném bom B-2 Spirit và B-52 Stratofortress. Đặc biệt, thiết kế mới giúp giảm kích cỡ của bom B61-12 cho phép nó lắp vừa trong khoang vũ khí kín nằm trong thân máy bay chiến thuật thế hệ thứ 5 như F-22 hay F-35.
Theo đánh giá của giới chức quân sự Nga, việc Mỹ đưa vào trang bị bom hạt nhân B61-12 đi ngược lại với những tuyên bố trước đó của Chính quyền Tổng thống Barack Obama về việc hướng tới một thế giới không còn vũ khí hạt nhân. Những con số thống kê chính thức về kho vũ khí hạt nhân của Mỹ đã thể hiện sự khác biệt từ lời nói tới hành động của Washington trong suốt 8 năm qua. Trong báo cáo Lầu Năm góc công bố hồi tháng 5-2016 nhấn mạnh kho vũ khí hạt nhân của Mỹ dưới thời Tổng thống B. Obama đã giảm mạnh, nhưng thực tế số lượng vũ khí hạt nhân cắt giảm dưới thời ông B. Obama ít hơn nhiều so với các nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ trước đó.
“Câu trả lời hiệu quả” từ Moscow
Ngay sau tuyên bố của NNSA về bom hạt nhân B61-12, nhiều học giả quân sự Nga đã coi hành động trên chính là nhằm vào nước Nga.
Liên quan tới vấn đề này, lãnh đạo Ủy ban An ninh quốc gia và Chống tham nhũng thuộc Duma quốc gia Nga, Dmitry Gorovtsov tuyên bố, hành động của Washington đang đẩy Nga và Mỹ vào một cuộc chạy đua vũ trang mới mà “không có kẻ thắng cuộc”. Mỹ nên dành nguồn lực để đối phó với mối nguy cơ toàn cầu như chủ nghĩa khủng bố hơn là đối phó với Nga.
Trong khi đó, phát biểu với hãng thông tấn Nga RIA Novosti, học giả Igor Korochenko, Tổng biên tập Tạp chí National Defense Nga khẳng định, việc triển khai các đơn vị vũ khí hạt nhân nâng cấp như B61-12 tới sát biên giới Nga chính là hành động nhằm vào Nga.
“Việc Mỹ hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân chiến thuật tại châu Âu có nghĩa là trong tương lai chúng sẽ được triển khai áp sát lãnh thổ nước Nga. Đây là những bước đi mở đầu để chuẩn bị cho việc mở rộng thẩm quyền cho phép các quốc gia thành viên NATO có thể sử dụng loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này chống lại nước Nga”, ông I. Korochenko nói. Theo quan điểm của ông này, hành động của Mỹ dường như đang muốn “chuyển lửa” tới châu Âu bằng kịch bản cuộc chiến tranh hạt nhân hạn chế trên lãnh thổ lục địa già.
Tên lửa Iskander là một trong những đối trọng của Nga với Mỹ và phương Tây tại châu Âu.
Đồng quan điểm với ông I. Korochenko, chuyên gia quân sự Konstantin Sivkov việc Mỹ có thể trang bị bom hạt nhân B61-12 trong vòng 18 tháng tới hoặc có thể sớm hơn sẽ buộc Nga phải trang bị đầu đạn hạt nhân cho các đơn vị tên lửa chiến thuật đất đối đất Iskander-M tại châu Âu.
“Đây là biện pháp đơn giản, nhưng thực sự là hiệu quả”, ông K. Sivkov nói.
Với tầm bắn đạt tới 800km cho phiên bản đạn tên lửa đạn đạo và 2.000km cho phiên bản đạn tên lửa hành trình, các tổ hợp Iskander đặt tại vùng Kaliningrad sẽ đưa tất cả các vị trí đóng quân của Mỹ tại châu Âu trong tầm bắn. Điều này cũng đồng nghĩa với Hiệp ước về xóa bỏ tên lửa tầm ngắn và tầm trung (INF) Nga và Liên Xô ký từ những năm 1980 chính thức đổ vỡ. Kịch bản thay vì Mỹ, châu Âu có thể trở thành bình địa ngay từ giờ phút đầu của cuộc chiến vì tên lửa tầm trung và ngắn hay châu Âu sẽ là chiến trường chính của đại chiến thế giới sẽ buộc giới chức Mỹ và phương Tây phải cân nhắc lại kế hoạch của mình.
Nguồn QĐND
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065