Ở Bình Phước, lá dừa nước hiện được người dân mua từ các tỉnh miền Tây về bán lại cho ai có nhu cầu lợp nhà. Lá dừa sau khi được chặt xuống chẻ làm đôi và phơi khô, vận chuyển lên Bình Phước bằng đường bộ.
Anh Chiến đang giao lá dừa nước cho vựa
Anh Chiến, chủ vựa phân, tro Chiến Tuyết (thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh) cho biết: “Trước đây, tôi chỉ chở phân, tro, xơ dừa ở miền Tây về Lộc Ninh bán. Do nhu cầu sử dụng lá dừa nước ngày một nhiều nên tôi mua thêm về bán buôn và bán lẻ. Trung bình mỗi tháng, cửa hàng tiêu thụ 10 thiên lá dừa (khoảng 10.000 tàu dừa)”. Anh Đào Công Chiến ở phường Tân Xuân (TX. Đồng Xoài), chủ vựa lá dừa kiêm nghề làm nhà chòi, nhà tạm bằng lá dừa nói: “Khi khai thác phải để lại lá đọt và 2 lá kế nhằm giữ cho mùa sau. Người chặt lá phải có kinh nghiệm, hiểu về đặc tính của cây dừa nước để thu gom những tàu lá vừa đủ độ già lại không bị sâu mọt. Nếu khai thác không đúng thời kỳ, sâu hại sẽ làm tổ kén dưới lá dừa thì độ bền không cao, lại bị hiện tượng bụi làm cho công trình nhanh xuống cấp”.
Tại các tỉnh miền Tây, thời điểm nước mặn xâm nhập vào đất liền khoảng tháng 11 âm lịch. Những phần đất không bị nhiễm mặn, dừa nước vẫn phát triển bình thường. Còn nơi nào xâm thực nặng thì lá dừa bị muối phá thành lỗ thủng, không sử dụng được. Do vậy, người dân thường chặt lá dừa nước trong các bờ đê là chính.
Hiện nhà tạm, công trình phụ, nhà chòi, mái che bằng lá dừa có ở hầu hết các nhà hàng, quán cà phê. Tại thị xã Đồng Xoài, cứ 10 quán nhậu, cà phê thì 7-8 quán có nhà, chòi được lợp bằng lá dừa nước bởi giá thành rẻ lại có ưu điểm khắc phục thời tiết.
Đồng hành với lá dừa nước là cây tầm vông. Tầm vông có giá thành rẻ lại bền và dễ kiếm. Để tránh mối mọt, tầm vông được ngâm dưới nước ít nhất 6 tháng sau đó đem lên phơi khô và làm sạch rồi phủ lên bề mặt một lớp dầu điều. Tầm vông được dùng làm cột, kèo, đòn tay để lợp lá dừa. |
Từ nhu cầu này, nghề lợp và trang trí nhà bằng lá dừa nước cũng phát triển khá mạnh. Anh Nguyễn Thành Hùng (Sáu Đèo) ở tổ 1, khu phố Phú Cường, phường Tân Phú (TX. Đồng Xoài) đã có hơn 10 năm làm nhà lá chia sẻ: Làm nghề này phải có duyên. Bởi hầu hết “công trình” được lợp bằng lá dừa nước đều là nhà hàng, quán cà phê... Nếu khi gia chủ khai trương mà ăn nên làm ra thì sẽ giới thiệu rộng ra và mình có nhiều việc để làm. Tuy nhiên, để sống được với nghề, người thợ phải có sự sáng tạo về kiểu dáng, chất lượng công trình. Hiện nay, kiểu nhà rông của đồng bào ở Tây Nguyên, nhà chòi cà phê và nhà lục giác sang trọng đang được nhiều người ưa chuộng. Một căn chòi cà phê rộng 4m2 có giá 2 triệu đồng đối với cột sắt và 1,8 triệu đồng đối với cột gỗ tạp. Riêng loại nhà lá theo kiểu nhà rông cũng có giá từ 280 đến gần 350 ngàn đồng/m2 tùy từng loại vật liệu, độ dài của mái, độ dày của lá...
Anh Sáu Đèo nói: “Với giá thành như vậy, thu nhập của thợ phụ khoảng 200 ngàn đồng/ngày, thợ chính là 260 ngàn đồng/ngày. Hiện nay, nhu cầu sử dụng lá dừa nước đang dần phổ biến ở nhiều nơi nên chúng tôi chưa lo thất nghiệp. Khi chưa có công trình thì chúng tôi tranh thủ đúc cột bê tông, xử lý tầm vông, lá dừa nước... Nghề này trước chỉ làm chơi nhưng bây giờ là ăn thiệt”.
Nhất Sơn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065