Chúng tôi đến xã Tân Hiệp khi mặt trời vừa đứng bóng. Nhiều người tranh thủ thời gian nông nhàn đổ về sông Sài Gòn bắt hến kiếm thu nhập. Khúc sông Sài Gòn qua xã dài khoảng 3km, nhộn nhịp người đánh bắt thủy sản với nhiều hình thức. Chỗ nước sâu thì ngư dân đánh lưới, cất vó, nơi cạn hơn thì đặt đú, cào hến...
Chị Nguyễn Thị Dung ở xã Đồng Nơ (Hớn Quản) tranh thủ lúc nông nhàn xuống sông Sài Gòn bắt hến
Với lưu lượng trung bình khoảng 54m3/s, sông Sài Gòn cung cấp một lượng nước lớn cho các tỉnh hạ du và những nguồn lợi kinh tế do dòng sông mang lại. Nguồn lợi thủy sản vô cùng phong phú đã thu hút ngư dân từ các tỉnh miền Tây, Campuchia về đây mưu sinh. Từ tháng 3 đến tháng 6 hằng năm là đỉnh điểm của mùa khô, mực nước trên sông giảm mạnh, là thời điểm thuận lợi nhất để những người dân vạn chài sống dọc dòng sông thu hoạch hến.
Anh Trương Đắc Mới ở ấp 10, xã Tân Hiệp, làm việc tại Khu công nghiệp Mỹ Phước (Bến Cát, Bình Dương) tranh thủ những ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 cùng bạn đến sông Sài Gòn bắt hến. Anh Mới nói: Mùa này hến nhiều, mới bắt vài giờ đã được hơn chục ký. Được tắm sông lại có hến ăn thật thú vị.
Với những người bắt hến “nghiệp dư” như anh Mới, dụng cụ bắt hến chỉ gồm cái chậu và bao tải. Anh Mới ngâm mình dưới nước, dùng tay cào mạnh lớp bùn ở đáy sông rồi lựa lấy hến bỏ vào chậu. Những ngư dân sống bằng nghề bắt hến thì sắm dụng cụ chuyên nghiệp hơn, đó là giã cào. Một chiếc giã cào mỗi ngày có thể kiếm cả tạ hến. Nhưng người kéo giã cào phải có sức khỏe để vừa ngâm mình trong nước vừa kéo.
Người bắt hến bằng tay mỗi ngày cũng có thể kiếm 40-50kg, còn người dùng giã cào có thể bắt hàng tạ. Tuy nhiên, sau mỗi mẻ giã cào hến chết quá nhiều. Các năm trước, mỗi mẻ giã cào hến chết chỉ khoảng 7-10%. Năm nay, số hến chết lên đến phân nửa. Cứ đà này, chỉ sợ hến và các loài thủy sản trên khúc sông này sẽ không còn. Anh Nguyễn Thành Luân ở ấp Bàu Lùng, xã Tân Hiệp |
Cái lợi thấy được là vài chục ký đến hàng tạ hến mỗi ngày nhưng cái mất không phải nhỏ. Cả ngày dầm mình dưới nước, đầu phơi trần trong cái nắng 36-38OC, nguy cơ mắc bệnh là khó tránh khỏi. Anh Nguyễn Thành Luân ở ấp Bàu Lùng, xã Tân Hiệp - người cào hến chuyên nghiệp cho biết: Đây là thời điểm nghề cào hến dễ kiếm ăn nhất, bởi nước sông cạn. Tuy nhiên, giá chỉ 4.000-5.000 đồng/kg. Đánh vật với dòng nước từ sáng sớm tới chiều nhưng thu nhập không đáng kể, rủi ro luôn rình rập, nhẹ thì đứt chân do mảnh sành, mảnh thủy tinh cắt, nặng có thể bỏ mạng do đuối nước. Rõ nhất là các bệnh về da do nguồn nước bị ô nhiễm gây ra.
Theo phản ánh của ngư dân, thời gian gần đây nước sông Sài Gòn khác thường, đặc biệt là mùa khô. Nếu như trước mùa khô, nước trong xanh thì nay chuyển sang màu đục. Thỉnh thoảng lại có một đợt nước màu đen, nổi váng xanh, có mùi rất khó chịu. Người dân nơi đây cho rằng, đó là nước thải của một số trại heo ở khu vực thượng nguồn. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến cá ngày một khan hiếm và hến chết nhiều. Ngay từ bây giờ, chính quyền các cấp và người dân sinh sống hai bên sông Sài Gòn, đặc biệt khu vực thượng nguồn hãy chung tay bảo vệ nguồn nước, bảo vệ sự sống sông Sài Gòn.
Nguyễn Sơn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065