>> Bài 1: Giá mủ cao su thấp, người dân vẫn bám vườn
>> Bài 2: Mùa của máy “cày” ra tiền
Bài cuối Thị trường phân bón vẫn ảm đạm
BP - Vào đầu mùa mưa, nông dân tập trung bón phân cho các vườn cây, đặc biệt là cao su. Do đó, thị trường phân bón sẽ sôi động. Tuy nhiên, ở nhiều đại lý, đầu mùa mưa năm nay sức tiêu thụ phân bón giảm khoảng 20-30% so cùng kỳ năm 2013. Thị trường phân bón đang rất dồi dào về chủng loại, nguồn cung, giá cả có sự cạnh tranh giữa các thương hiệu. Để bán hàng, nhiều nhà sản xuất và đầu mối cung cấp phân bón đã hạ giá. Với xu hướng này, dự đoán giá nhiều loại phân bón còn giảm trong thời gian tới, nhất là các loại phân đơn như: Urê, kali, lân...
Nguồn cung dồi dào...
Từ nhu cầu của người dân, trước khi vào mùa mưa, các cửa hàng chuyên cung cấp phân bón trên địa bàn tỉnh đã chủ động nhập hàng. Chúng tôi có mặt tại đại lý phân bón - vật tư xây dựng Hưởng Tiệp xã Đồng Nơ (Hớn Quản), đúng lúc đại lý đang nhập phân bón từ TP. Hồ Chí Minh về. Anh Hoàng Văn Tiệp, chủ cửa hàng cho biết: Hiện chúng tôi nhập về hơn 500 tấn phân bón các loại như: Đạm Phú Mỹ, Bo thai, Đầu trâu... Đây là những loại phân chuyên bón cho cao su, tiêu, điều... Trung bình một bao 50kg có giá 200-700 ngàn đồng tùy loại và chất lượng phân.
Cửa hàng phân bón - vật liệu xây dựng Hưởng Tiệp, đầu mùa mưa năm 2013 nhập khoảng 2.000 tấn thì năm 2014 mới chỉ nhập 500 tấn phân bón các loại
Ngoài phân hóa học, các đại lý còn nhập phân hữu cơ (phân bò, gà...) hay vi sinh. Đây là các loại phân được người dân ưa dùng vì giúp các loại sinh vật có lợi cho đất và cây trồng phát triển.
...Nhưng sức tiêu thụ giảm
Năm 2013, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra 975 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng trong toàn tỉnh. Qua kiểm tra phát hiện 27 trường hợp vi phạm do: Không đủ điều kiện kinh doanh, chất lượng phân bón kém, thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo chất lượng; đã xử phạt hành chính 26 trường hợp với số tiền trên 63 triệu đồng. Riêng phân bón, kiểm tra 400 cơ sở, phát hiện 5 trường hợp vi phạm, xử phạt 4 trường hợp với số tiền 18,8 triệu đồng. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã lấy 20 mẫu phân bón kiểm tra chất lượng, phát hiện 2 mẫu không đảm bảo chất lượng. |
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện giá một số loại phân bón giảm so cùng kỳ 2013. Nguyên nhân do gần đây giá phân bón trên thế giới liên tục giảm, mặt khác giá nông sản năm nay cũng giảm mạnh, đặc biệt là mủ cao su. Do đó, nông dân bón phân ít. “Mùa mưa là thời điểm các nông hộ mua phân về bón cho cao su nên lượng phân bón bán ra gấp 10 lần so mùa khô. Năm 2013, vào ngày cao điểm cửa hàng bán khoảng 10 tấn. Nhưng năm nay, lượng phân bán ra rất chậm. Vì vậy cửa hàng cũng nhập cầm chừng. Mùa mưa 2013, cửa hàng nhập khoảng 2.000 tấn, năm nay mới chỉ nhập 500 tấn” - anh Tiệp cho biết thêm.
Anh Đặng Thanh Bình, chuyên viên phụ trách thị trường khu vực Bình Phước - Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất dầu khí Đông Nam bộ cho biết: So thời điểm này năm 2013, số lượng phân bón công ty bán tại thị trường Bình Phước giảm tới 30-40%. Công ty đã có nhiều giải pháp kích cầu như: Hạ giá thành khoảng 10%; mở các lớp tập huấn, hội thảo giúp nông dân sử dụng phân bón hiệu quả song tình hình vẫn không khả quan hơn.
Hàng năm, ông Vũ Bá Trung ở xã Thuận Phú (Đồng Phú) mua khoảng 2 tấn phân hóa học và hàng trăm bao phân bò để bón cho 3 ha cao su năm thứ 7. Ông Trung cho biết: Năm nay, giá mủ cao su quá thấp, nếu bón như năm trước thì chỉ đủ tiền phân. Năm nay, tôi không bón phân đợt một mà tùy tình hình giá cao su mới quyết định bón phân và liều lượng bón.
Cần quản lý chặt
thị trường phân bón
Nguồn cung ứng dồi dào, giá có chiều hướng giảm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiết kiệm chi phí đầu tư. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo là thời gian gần đây, chất lượng của một số loại phân bón cung ứng ra thị trường không đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng theo quy định. Thậm chí, một số đại lý kinh doanh phân bón còn sang chiết, pha trộn để thu lợi.
Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, Bình Phước có 432.357 ha đất trồng các loại cây công nghiệp, hoa màu, cây ăn trái. Trong đó, 231.134 ha trồng cao su; 10.731 ha hồ tiêu, 134.966 ha điều và 15.547 ha cà phê. Hàng năm, để cây sinh trưởng, phát triển và cho sản lượng cao cần bón trên 300 ngàn tấn phân kali, urê và lân.
|
Tháng 11-2013, người dân thôn Bàu Đỉa, xã Phước Tân (Bù Gia Mập) mua hơn 10 tấn phân NPK của đại lý Hoàng Xuân ở xã Thuận Lợi (Đồng Phú) theo hình thức trả chậm. Nhưng bước vào vụ điều 2013-2014, 13 hộ không dám bón vì nghi ngờ phân giả. Khi đem 1kg phân ngâm nước, thấy lắng đọng 400g cát mịn. Sau khi nông dân phản ánh, đại lý cung cấp đã xin chở số phân nói trên về. Ở xã Nghĩa Bình (Bù Đăng), nông dân mua phân về bón sau gần 2 tháng mưa nhiều mà phân vẫn không tan hết, dưới gốc cà phê còn trơ lại nhiều hạt trắng giống đất sét.
Do đó, để kiểm tra việc kinh doanh và chất lượng các loại phân bón, cơ quan chức năng cần quản lý chặt từ các nguồn cung. Tuy nhiên, từ đầu năm đến hết tháng 4-2014, Phòng thanh tra Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh mới tiến hành 2 đợt kiểm tra điều kiện kinh doanh của 175/400 cơ sở phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng. Qua kiểm tra chưa phát hiện dấu hiệu vi phạm. Ông Nguyễn Bá Tùng, cán bộ Phòng thanh tra cho biết: Đầu tháng 6 chi cục sẽ lấy mẫu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật về kiểm tra chất lượng. Khi có kết quả kiểm tra mới đánh giá được chất lượng các loại phân bón trên thị trường.
Thùy Hương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065