>> Bài 1: Giá mủ cao su thấp, người dân vẫn bám vườn
Bài 2 Mùa của máy “cày” ra tiền
Cái nắng gắt của mùa khô dần dịu khi có những cơn mưa rào đầu mùa. Mùa mưa bắt đầu là thời điểm thích hợp để người dân xuống giống tiêu, cao su, cà phê, lúa... Đây cũng là mùa kiếm tiền của những người chuyên làm nghề cày đất, khoan hố trồng cây, cuốc hố bón phân...
Mỗi ngày “cày” ra tiền triệu
Anh Nguyễn Thành Tiến ở thôn 5, xã Đa Kia (Bù Gia Mập) lái máy cày vào lô cao su để khoan hố bỏ phân cho hộ anh Nguyễn Văn Dũng, thuộc Nông trường 2 (Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng). Anh Tiến cho biết: Tôi làm nghề này đã 4 năm. Ai thuê gì làm nấy (nhận cày đất, khoan hố trồng cây, cuốc hố bỏ phân...). Nếu địa hình bằng phẳng, một ngày cuốc hố được khoảng 22 ha, nếu đất dốc thì chỉ làm được phân nửa. Trừ chi phí có ngày cũng kiếm được gần 2 triệu đồng. Tuy nhiên, nghề này chỉ sống được trong mùa mưa. Hết mùa chúng tôi lại lắp thùng vào chở củ mì, củi thuê.
Một ngày anh Nguyễn Thành Tiến khoan hố bỏ phân được khoảng 22 ha, thu nhập gần 2 triệu đồng
Nhận thấy nhu cầu cày đất của người dân ngày càng cao, nhiều hộ trong xã Đa Kia đã đầu tư mua máy cày. Những hộ có điều kiện đầu tư thêm dàn thùng, dàn khoan. Anh Dương Văn Hợi ở thôn 3, xã Đa Kia cho biết: Ba mẹ mất sớm, năm 1975, anh từ Campuchia về nước và ở cùng chị gái. Hàng ngày để có thêm tiền phụ giúp chị, anh đi lái xe tải thuê. Thấy vất vả mà không đủ ăn, năm 2008, anh vay mượn bạn bè và ngân hàng mua máy cày, dàn thùng, dàn khoan với giá 200 triệu đồng. Anh Hợi nói, trước đây mọi việc đào hố trồng cây, cuốc hố bỏ phân đều làm thủ công, nên công cao hơn so với thuê máy. Từ khi có dàn máy, mình làm ăn cũng khá, xin chị miếng đất, cất nhà ra ở riêng.
Ông Nguyễn Xuân Thủy ở thôn 4 cho biết: “Trước đây, trong xã chưa có máy cày, chúng tôi phải tự cuốc đất, đào hố bằng tay. Nhà nào ít người thì thuê. Một ngày tiền công từ 100 đến 150 ngàn đồng, 1 ha mất từ 2 đến 3 triệu đồng. Sau này thuê máy rẻ hơn. Máy làm một ngày gấp 10 lần người làm thủ công”.
Vượt khó bám nghề
Anh Hợi cho biết: Làm nghề này vất vả lắm. Mùa khô không ai thuê. Mùa mưa thì lịch khoan hố kín mít. Mỗi ngày tôi khoan được khoảng 1.000 hố (2.000 đồng/hố), trừ chi phí thu 1,5 triệu đồng.
Nghề này nếu công việc đều đặn, mỗi tháng kiếm 30-40 triệu đồng là bình thường. Nhưng cái giá phải trả khá đắt. “Ai không có sức khỏe thì chịu thua” - anh Hợi cho biết thêm. Khi vào nghề, thân hình anh khá vạm vỡ. Đến nay, chính nghề này đã khiến anh ngày càng gầy gò, đen sạm, già trước tuổi. Anh Hợi nói: Sức khỏe tôi đã giảm sút. Khi nhận cày đất, khoan hố thuê, gặp mảnh đất nghiêng, nhiều hố, rãnh thì vất vả cả ngày. Thậm chí nhiều mảnh rẫy không có đường vào, tôi phải vừa đi vừa ủi đường. Nhưng đã nhận làm thì dù khó mấy cũng phải gắng.
Nghề cày, khoan hố thuê có nhiều rủi ro, thậm chí có thể đánh đổi tính mạng. Anh Hợi đã gặp nhiều tình huống không xử lý kịp: Hôm nhận khoan hố trồng cao su cho một hộ ở xã Thanh Hòa (Bù Đốp), khi đang cày đất, máy chạy ngon lành. Bất ngờ máy cày sụp xuống hố rồi lật nhào, tôi bị hất văng xuống đất, máy đè lên chân. May chỉ bị thương nhẹ”.
Cách đây hơn chục năm, nghề cày đất, khoan hố ăn nên làm ra vì lúc đó người dân khai phá đất, khoan hố trồng cao su nhiều. Vả lại, thời điểm năm 2003-2004, để có số tiền vài trăm triệu đồng mua một dàn máy cày không phải dễ. Máy cày ít, nhu cầu nhiều nên người làm nghề cày đất, khoan hố rất có giá. Những năm gần đây, kinh tế người dân tăng cao nên nhiều người chọn nghề cày đất, khoan hố để mưu sinh. Nhiều hộ có diện tích lớn cũng đầu tư máy để phục vụ sản xuất. Do đó, máy cày nhiều nhưng nhu cầu lại thu hẹp. Những người sống với nghề cày đất phải cạnh tranh bằng cách: hạ giá, đặc biệt là phải nhiệt tình với khách hàng. Anh Hồ Quang Lê ở ấp 7, xã Tân Khai (Hớn Quản) cho biết: Tôi mới vào nghề cày đất, khoan hố được hơn 1 năm. Để sống với nghề, ngoài việc lấy giá mềm, mỗi khi cày đất, khoan hố... tôi phải làm để vừa ý chủ. Bởi, trên địa bàn xã có khoảng chục người làm nghề này. Nếu không làm tốt sẽ mất mối ngay. Có khi chạy máy gần chục cây số để cày 0,5 ha đất, mất thời gian, lại tốn dầu nhưng cũng phải làm để giữ mối. Tôi còn đóng thêm thùng moóc để chở hàng khi khách yêu cầu.
Thùy Hương
Bài cuối: Thị trường phân bón vẫn ảm đạm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065