Bài 1 Giá mủ cao su thấp, người dân vẫn bám vườn
Sau khi thu hoạch điều, tiêu, nông dân lại tất bật chuẩn bị cho mùa khai thác cao su. Dù năm nay giá mủ thấp hơn những năm trước nhưng đâu đâu cũng thấy mọi người chuẩn bị: Mua thêm tô đựng mủ, làm lại máng che mưa, buộc lại kiềng, thuê người cạo... Với những vườn cao su sắp thanh lý, không có công cạo, nông dân bán cả vườn cây.
Bám vườn mưu sinh
Dù giá mủ cao su xuống thấp nhưng nhiều hộ vẫn bám vườn. Để có nhiều mủ, nông dân phải bón phân khi lá non vừa ra nhằm cung cấp dinh dưỡng cho cây. Khi những tán lá cao su phát triển sum suê, có màu xanh thẫm cũng là lúc bước vào mùa cạo mới.
Người dân cột kiềng chuẩn bị cho mùa cạo mới
Công việc chuẩn bị cho mùa cạo mủ không vất vả nhưng mất nhiều thời gian. Vì vậy, để kịp mùa thu hoạch, nông dân phải chuẩn bị trước cả tuần, nhà nào nhiều cao su thì phải chuẩn bị cả tháng. Có mặt tại thôn 4, xã Đa Kia (Bù Gia Mập), chúng tôi chứng kiến cảnh người dân tất bật với công việc quen thuộc. Người rải tô đựng mủ, nhà thì xả miệng cạo, buộc kiềng, mài dao cạo... Bà Lê Thị Thơm cho biết: Nhà có hơn 4 ha cao su. Gia đình đông con nên năm nào cũng tự mua kiềng về cột khoảng một tuần là xong, không phải thuê người làm. Dù giá mủ năm nay thấp so mọi năm, nhưng gia đình vẫn cạo vì sống nhờ vào vườn cây nên chúng tôi phải bám vườn.
Khác với nhà bà Thơm, hộ anh Phạm Xuân Hùng có hơn 1 ha cao su, nhưng năm nào cũng phải thuê người làm, tiền công 150 ngàn đồng/ngày/người. Chị Thương - vợ anh Hùng cho biết: Hơn 1 ha cao su, tính ra một năm thuê công hết gần chục triệu đồng. Nhưng vì không có người làm, lại kinh doanh cửa sắt, con nhỏ nên mình phải thuê. Nay giá mủ cao su thấp thuê sẽ không có lời nên chưa muốn cạo.
Cho thuê vườn
sắp thanh lý
Theo ghi nhận của chúng tôi, giá mủ cao su đầu mùa chỉ dao động từ 280 đến dưới 300 đồng/độ, tương đương khoảng 9.000 đồng/kg mủ nước. Đây là mức giá thấp nhất trong 6 năm trở lại đây.
Giá mủ thấp, nhiều hộ có vườn cao su chuẩn bị thanh lý đã bán đứt cho những người cạo thuê với thời gian từ 1 đến 2 năm. Giữa người cho thuê và người thuê cạo chỉ ràng buộc nhau ở giá cho thuê vườn cây. Sau khi thống nhất giá, người thuê cạo có toàn quyền sử dụng vườn cây trong thời gian đã thỏa thuận...
Bà Hồ Thị Hoa ở ấp 2, xã Đồng Nơ (Hớn Quản) cho biết: “Gia đình tôi có hơn 5 ha cao su, đã cạo được gần 10 năm, khoảng 2 năm nữa là thanh lý. Trung bình 1 ha cao su nếu chăm sóc kỹ một vụ phải bỏ 20 triệu đồng mua phân bón, thuê công cạo gần 30 triệu đồng. Giá mủ năm 2013 khoảng 12 ngàn đồng/kg mủ nước, trừ chi phí, 1 ha cao su thu về từ 40 đến 50 triệu đồng”. Bà Hoa cho biết thêm: Năm nay giá mủ cao su đầu mùa thấp. gia đình không có người làm nên tôi bán 3,7 ha cao su trong 2 năm với giá 300 triệu đồng. Nếu để lại và thuê người cạo thì mình phải giám sát, đầu tư phân bón... tính ra lời lãi chẳng bao nhiêu.
Trong các khâu chuẩn bị cho mùa cạo mới thì việc làm máng che mưa mất nhiều thời gian nhất. Máng che mưa có tác dụng che không cho nước mưa theo thân cây chảy xuống làm ướt và thúi miệng cạo. Để gắn máng che mưa vào thân cây cao su phải dùng dao cạo lớp vỏ chết bên ngoài. Sau đó, dùng ghim bấm máng vào thân cây và dùng nhựa đường để bịt kín phần tiếp giáp giữa thân cây cao su với máng che mưa.
|
Gia đình chị Hồ Thị Hoan ở ấp 2, xã Đồng Nơ cũng bán hơn 1 ha cao su sắp thanh lý với giá 45 triệu đồng/năm cho anh Nguyễn Văn Còn cùng ấp. Sau 2 năm sẽ lấy lại vườn bán thanh lý cây và xuống giống mới.
Mặc dù giá cao su đang xuống thấp nhưng một số hộ vẫn mua lại vườn cao su già sắp thanh lý. Tìm đến nhà anh Còn đúng lúc vợ chồng anh đang chuẩn bị vào vườn đặt tô và kiềng để thu hoạch mủ. Anh Còn cho biết: Gia đình có 5 người, kinh tế khó khăn. Ngoài thời gian cạo 1 ha cao su của nhà, anh chị còn đi làm thuê cho các hộ trong thôn để kiếm thêm thu nhập. Hết mùa cạo lại đi lượm điều, hái tiêu thuê. Khi nghe tin chị Hoan bán vườn cao su cạo trong 2 năm, gia đình tôi đã mua lại.
Để tận thu mủ, những người mua vườn thường mở nhiều miệng cạo trên một cây và thường xuyên bôi thuốc kích thích mủ. Anh Còn cho biết: Đây là vườn cao su già nên chúng tôi không cần cạo đúng kỹ thuật. Đối với cây có thân gỗ lớn, nhiều cành, chúng tôi mở 2-3 miệng cạo để tận thu mủ.
“Nước nổi thì bèo nổi”
Mặc dù giá cao su xuống thấp nhưng những điểm thu mua mủ vẫn không ngừng mọc lên, bởi việc mua bán vẫn có lời. Tại xã Đồng Nơ, hàng ngày các điểm thu mua mủ vẫn khá nhộn nhịp. Do hiện mới đầu mùa cạo nên các điểm chỉ mua được một vài tấn mủ/ngày.
Chị Vân, một thương lái thu mua mủ nhiều năm tại xã Đồng Nơ cho biết, năm nay giá thấp nhưng chúng tôi vẫn thu mua bình thường. Những năm trước giá mủ cao tôi cho nông dân ứng tiền trước để bón phân cho vườn cây, còn năm nay thì hạn chế cho ứng. Giá mủ cao su thấp hay cao đối với người mua mủ như chúng tôi không ảnh hưởng, chỉ khổ người trồng thôi.
Thùy Hương
Bài 2: Mùa của máy “cày tiền”
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065