Một cách hiểu cơ học, máy móc
“Cần xóa cơ chế Đảng cử dân bầu”, “phải sửa luật bầu cử”, “cần xóa bỏ cơ chế hiệp thương”… đó là những cụm từ xuất hiện trên không ít đài báo hải ngoại, trang mạng xã hội có nội dung chống phá Nhà nước gần đây, nhất là sau thất bại của nhiều “nhà dân chủ” tự ứng cử tại vòng hiệp thương thứ 3 của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Họ hô hào: “Để lập được một quốc hội có năng lực thì trước hết phải kiên quyết bỏ hẳn cách Đảng cử dân bầu, Mặt trận độc quyền giới thiệu. Phải mở rộng đường cho việc tự ứng cử và vận động ứng cử tự do”.
Trước hết, để không sa vào ma trận xuyên tạc, cần khẳng định ngay rằng, cách gọi “Đảng cử dân bầu” có phần nôm na, chưa phản ảnh đúng hoàn toàn nội dung, phương thức Đảng lãnh đạo bầu cử. Trên thực tế, theo Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân hiện hành, số lượng, cơ cấu, thành phần, nhân sự ứng cử, đề cử đại biểu Quốc hội và HĐND được xác lập theo một quy trình chặt chẽ, đúng pháp luật, do các cơ quan bầu cử, tổ chức chính trị, xã hội khác nhau thực hiện, triển khai, hoàn toàn không phải chỉ do “Đảng cử” rồi “dân bầu” như cách hiểu cơ học, máy móc ai đó nêu ra.
Có thể thấy ngay số lượng, cơ cấu, thành phần, nhân sự ứng cử, đề cử đại biểu Quốc hội không phải do Đảng áp đặt, “đạo diễn” như một số trang mạng rêu rao. Chỉ bằng một cú nhấp chuột vào trang web của Quốc hội, sẽ tìm thấy ngay Nghị quyết số 1135/2016/UBTVQH13, ngày 22-1-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XIV, quy định chi tiết phân bổ ứng cử viên tới từng bộ, ngành, địa phương, người trong Đảng và ngoài Đảng.
Một điểm tiến bộ, minh bạch rất rõ của kỳ bầu cử năm nay là việc bầu cử được thực thi theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân mới được Quốc hội thông qua và có hiệu lực. Điều 4 của luật này quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử như: Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện việc dự kiến và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu; xác định cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; tham gia giám sát việc bầu cử… Rõ ràng ở đây, không thấy có quy định nào nêu liên quan đến vai trò của tổ chức đảng hay cho phép Đảng “đạo diễn”, “lũng đoạn” bầu cử.
Đảng lãnh đạo bầu cử như thế nào?
Theo các chuyên gia về nhà nước và pháp luật, cơ chế “Đảng cử dân bầu” thực ra đã và đang được áp dụng ở nhiều nước, kể cả ở các nước tư bản như Anh, Mỹ, các đảng cũng cử ứng viên của mình trước, để dân bầu sau với nhiều thủ đoạn lắt léo trong tranh cử. Bài viết này không phê phán cơ chế bầu cử của nhà nước tư sản mà chỉ nhấn mạnh rằng, không có cuộc bầu cử nào không mang tính giai cấp và không có bóng dáng của các đảng chính trị.
Đối với nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền duy nhất. Vai trò lãnh đạo của Đảng cần được nhìn nhận ở tầm khái quát gắn với một cơ chế tổng hòa để phát huy vai trò Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
Theo GS, TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Đảng ta là Đảng cầm quyền, là Đảng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội nên Đảng không chỉ lãnh đạo Quốc hội mà lãnh đạo cả bộ máy Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo vừa luôn luôn phải tôn trọng và phát huy vai trò của Quốc hội, không xem mình đứng trên Quốc hội, lại vừa phải là lực lượng tiên phong hướng dẫn, định hướng nội dung và phương thức hoạt động của Quốc hội. Đảng lãnh đạo, chứ Đảng không chỉ đạo công việc cụ thể của Quốc hội. Đảng lãnh đạo nhưng phải thực sự tôn trọng Quốc hội với tư cách là cơ quan dân cử, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Bất cứ đảng cầm quyền nào cũng không muốn mất đi quyền lãnh đạo của mình hay rơi vào nguy cơ mất quyền lãnh đạo. Việc mất quyền lãnh đạo có thể xảy ra một khi chính trị không ổn định. Quốc hội là nền tảng chính trị - pháp lý cho một quốc gia nếu không vững chắc chính là nơi nảy sinh mất ổn định. Chính vì vậy, lãnh đạo bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND có thể coi là một trong những nội dung, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với một đảng cầm quyền.
Nhìn nhận dưới góc độ văn hóa chính trị như vậy mới thấy, việc Đảng lãnh đạo bầu cử Quốc hội hiện nay đã và đang giải quyết rất khéo léo yêu cầu của một đảng cầm quyền đối với cơ quan quyền lực cao nhất trong bộ máy Nhà nước.
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An khi bàn về những “tình huống” nảy sinh trong hoạt động của Quốc hội đã chỉ ra 3 nguyên tắc cơ bản mà chúng ta thường vận dụng. Một là, phải căn cứ vào nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng như tinh thần của Hiến pháp đã khẳng định tại Điều 4. Đó vừa là chức năng hiến định, vừa là nguyên tắc Đảng lãnh đạo. Hai là, phải căn cứ vào nguyên tắc pháp luật là tối thượng như nhiều văn kiện của Đảng và pháp luật của Nhà nước đã khẳng định. Ba là, căn cứ nguyên tắc lòng dân là gốc. Lòng dân, ý Đảng và pháp luật phải thống nhất. Quyết định của Đảng không phải là quyết định của các cơ quan nhà nước (lập pháp, hành pháp và tư pháp) nhưng cũng không phải là quyết định suông, mà có quyền lực thật sự, quyền lực chính trị dựa trên sự sáng suốt của đường lối chính trị và năng lực tổ chức, vận động, thuyết phục... của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong hệ thống thiết chế nhà nước và xã hội tạo nên. Đảng lãnh đạo bầu cử nhưng không làm thay, không quyết định thay cử tri và các cơ quan bầu cử. Trên thực tế, ngay trong nhiều hoạt động của Quốc hội đã chứng minh rất rõ điều đó. Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão cho biết thêm một câu chuyện về nhân sự cấp cao. Năm 1988, sau khi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng mất, Đảng giới thiệu đồng chí Đỗ Mười, nhưng khi ra Quốc hội khóa VIII, Quốc hội giới thiệu thêm một ứng cử viên khác. “Đảng cử dân bầu” không phải là sự máy móc, ấn định tuyệt đối.
Mang tầm chiến lược
Một văn bản thể hiện tập trung quan điểm, chủ trương của Đảng lãnh đạo bầu cử phải kể đến việc ngày 4-1-2016, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 51-CT/TW. Xuyên suốt chỉ thị này là những quan điểm, chỉ đạo sao cho cuộc bầu cử đúng pháp luật nhất, hoàn toàn không thấy Đảng ta áp đặt nào cho lợi ích riêng của Đảng. Liên quan đến nhân sự, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, các tổ chức đảng “lãnh đạo tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ; gắn kết quả nhân sự của đại hội Đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự... Không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; đã bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận không trung thực; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra những vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nghiêm trọng. Lãnh đạo bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, đặc biệt coi trọng chất lượng đại biểu. Đồng thời, bảo đảm cơ cấu hợp lý về số đại biểu là người đang công tác ở cơ quan Đảng, Nhà nước, Lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, giảm hợp lý số đại biểu công tác tại cơ quan hành chính; tăng số lượng đại biểu chuyên trách; bảo đảm tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ, người dân tộc thiểu số theo đúng quy định của luật bầu cử; có tỷ lệ hợp lý đại biểu các tôn giáo, đại biểu tái cử, đại biểu trẻ tuổi, đại biểu là các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ, đại biểu xuất thân từ công nhân, nông dân, doanh nhân, đại diện các hiệp hội, nghiệp đoàn về các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh…”.
Có thể nói những định hướng lãnh đạo trên là hết sức tốt đẹp, chuẩn xác, đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn và hợp lòng dân. Về vấn đề này, bà Võ Thị Dung, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong bầu cử thì dù tổ chức đảng, đoàn thể giới thiệu nhưng vẫn phải qua hiệp thương của Mặt trận và việc giới thiệu người ra ứng cử cũng phải trên cơ sở tiêu chuẩn của luật chứ không phải người được giới thiệu thì tiêu chuẩn “nhẹ” hơn so với người tự ứng cử. Và ngay trong lãnh đạo của tổ chức đảng đã có đưa ra tỷ lệ người ngoài Đảng trong cơ quan dân cử. “Nếu Đảng đồng ý nhưng cử tri không đồng ý thì cũng không giới thiệu được người đó ra ứng cử. Tôi cho rằng, đây là một chủ trương hết sức sâu sát, chặt chẽ và mang tính chiến lược. Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định quyền dân chủ của người dân. Cho nên trong chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Đảng đối với các cấp ủy điều số một là công tác bầu cử phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, nhưng phải phát huy quyền làm chủ của người dân”.
Từ vấn đề này, có thể nhìn lại suy diễn của ai đó áp đặt về một số người tự ứng cử gần đây. Những cá nhân ấy có thể rất giỏi, rất nổi trên một vài lĩnh vực, song nếu nhìn trong bức tranh tổng thể, đòi hỏi cơ quan lãnh đạo phải có tầm nhìn chiến lược. Đây cũng là điều được cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã phát biểu ngay từ năm 1976 (khi đó là Chủ tịch Quốc hội) với các đảng viên là đại biểu Quốc hội trong dịp chuẩn bị Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam: “Có người không hiểu rõ tính chất của Quốc hội ta cho nên khi chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội chỉ muốn giới thiệu những nhân sĩ dân chủ, những trí thức có trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật cao, không chú ý giới thiệu anh chị em công nhân và nông dân, quên mất tính chất nhân dân của Quốc hội ta. Trái lại, có người chỉ muốn giới thiệu những đảng viên, những cán bộ lãnh đạo của Đảng, những người thuộc các thành phần cơ bản mà quên mất chính sách mặt trận, chính sách đoàn kết rộng rãi của Đảng và tính chất đại diện toàn dân của Quốc hội. Có người lầm tưởng rằng, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thì có thể không cần sự lãnh đạo của Đảng. Cho nên trong công tác Quốc hội, đã tách rời nhiệm vụ đại biểu Quốc hội với nhiệm vụ đảng viên, không thấy rõ nhiệm vụ đảng viên đại biểu Quốc hội là phải góp phần lãnh đạo Quốc hội đi đúng đường lối của Đảng, bảo đảm cho công tác Quốc hội đạt kết quả tốt”.
Thực tiễn và niềm tin của nhân dân đều chứng minh sự lãnh đạo của Đảng trong bầu cử là nhân tố không thể thiếu, nhân tố quyết định tạo nên thành công của bầu cử, của việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.
Nguồn TTXVN
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065