NUÔI CON ĂN HỌC NHỜ LAN RỪNG
Tôi đến thăm vườn lan rừng hơn 1.000 dò đang chuẩn bị phục vụ tết Nguyên đán 2017, ông Danh Xơ Rinh (55 tuổi) ở tổ 4, ấp 4 khoe: “10 năm theo nghề trồng, tái tạo lan rừng đã giúp vợ chồng tôi nuôi 6 con ăn học. Hiện nay, 2 con đã có gia đình riêng, 3 con học đại học ở TP. Hồ Chí Minh, con út học lớp 12, tôi tự hào vì đạt danh hiệu gia đình hiếu học. Chỉ trong tết Nguyên đán năm 2016, giàn lan rừng của gia đình đã thu về hơn 100 triệu đồng. Dù nhà ở trong hẻm nhỏ nhưng có nhiều đại gia từ TP. Hồ Chí Minh, các huyện, thị trong tỉnh tìm đến chọn mua hàng. Chuẩn bị cho tết năm nay, tôi mở rộng diện tích với hơn 500 dò, trong đó nhiều gốc lan to (lan rừng bó vào gốc cây) giá 5-7 triệu đồng đã được khách hàng đặt mua”.
Từ đam mê vẻ đẹp của hoa lan, ông Danh Xơ Rinh kinh doanh thành công lan rừng
10 năm trước, gia đình ông Rinh thuộc diện hộ nghèo do đông con, tài sản chỉ vài trăm mét vuông đất ở. Vợ chồng ông dốc sức làm thuê nhưng cũng không đủ cơm cho các con ăn hằng ngày. Theo gợi ý của già làng Lâm Hớ, ông Rinh bắt đầu tập nuôi lan rừng để đi bán dạo ở thị trấn Lộc Ninh. Cũng như nhiều người Khơme ở ấp 4, từ nhỏ ông Rinh đã có đam mê với lan rừng. Khi bước vào nghề kinh doanh, ông tìm hiểu đặc thù của từng loại lan rừng và phương thức chăm, nuôi, cấy dưỡng.
Ông Rinh cho biết, vào Google tìm kiếm thông tin trên mạng thì danh mục lan rừng có hơn 1.000 loài nên rất khó nắm hết. Tên lan rừng theo danh mục nhưng để dễ nhớ người chơi cũng như người bán nhìn vào hình thù lá, hoa để đặt tên. Nở vào mùa xuân có hàng trăm loài nhưng người chơi lan tuyển chọn nhiều nhất vẫn là ngọc điểm. Ngày xuân có một gốc, một dò ngọc điểm chưng giữa bàn với mùi hương nhẹ nhàng làm tâm hồn con người thêm thư thái, thoải mái sau 1 năm tất bật lao động. Từ tháng 2 đến tháng 6 là thời điểm nhiều loài lan rừng nở như dạ hạt, long tu lào, chúc phật bà, thủy tiên trắng, thủy tiên mỡ gà, thủy tiên tím, sóc Lào...
LÀNG KINH DOANH LAN RỪNG
Già làng Lâm Hớ, Bí thư Chi bộ ấp 4 là người truyền dạy nghề nuôi dưỡng lan rừng cho con cháu. Già cho biết: Để sản xuất ra lan công nghiệp, người kinh doanh ngoài kiến thức còn phải có “vốn khủng” tính bằng triệu USD. Với lan rừng có sức sống mãnh liệt ngoài thiên nhiên thì đơn giản hơn nhiều, “vốn” là sự cần cù, tỉ mỉ, chịu khó và đam mê của người “chăn lan”.
Ở ấp 4, gia đình nào cũng có 1 giàn lan rừng để chơi và kinh doanh. Nguồn nguyên liệu hiện nay chủ yếu ở Campuchia. Ngoài nuôi dưỡng để chơi và kinh doanh, lan rừng ở ấp 4 còn bán ra các tỉnh miền Bắc - Trung - Nam. Nhiều hộ kinh doanh lan rừng có tiếng ở ấp 4 như bà Thị Tuch, Lâm Dong, Lâm Fli tổ 1 có đại lý ở tỉnh Vĩnh Long. Thị Xrai, tổ 2, bán hàng ở Cần Thơ. Lâm Phúc, tổ 1, bán hàng ở Tây Ninh. Lê Quang Tư, tổ 2, bán ở Vũng Tàu. Thị Xteng, tổ 1, bán hàng lâu năm ở Đồng Xoài...
Già làng Lâm Hớ cho biết thêm, mùa khô năm 2015-2016, hạn hán khắc nghiệt khiến điều, lúa mất mùa; cao su giảm sâu, Chi bộ ấp 4 đưa nghề kinh doanh lan rừng vào nghị quyết để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho bà con. Theo đó, đã có thêm khoảng 20 hộ mở rộng giàn lan kinh doanh, trong đó nhiều hộ làm “vệ tinh” cho các hộ kinh doanh lâu năm để bán hàng. Nhờ đó, tết này đồng bào Khơme ở ấp 4, xã Lộc Hưng có thêm nguồn thu để vui xuân thêm trọn vẹn.
P.HÀ
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065