Đông đảo du khách tìm đến Tà Cú ngày xuân để hành hương và cổ động cho hội thi leo núi huyện Hàm Thuận Nam được tổ chức thường niên
Không gian trong lành, khoáng đạt
Ngày 7-2-2016, chúng tôi theo đoàn điền kinh Bình Phước về với Tà Cú tham gia hội thi leo núi do huyện Hàm Thuận Nam tổ chức. Đài Khí tượng thủy văn Trung ương đã cảnh báo mùa khô 2016 rất khốc liệt, sẽ kéo dài tới tháng 6. 6 giờ chúng tôi đến Bình Thuận, gió vẫn thổi hơi mát từ biển về; 9 giờ đến Hàm Thuận Nam, nắng bắt đầu đổ lửa. Những vườn thanh long xanh thẫm oằn lên trên nền trắng của cát. 6 giờ ngày 8-2, chúng tôi từ trung tâm hành chính huyện di chuyển lên núi trước đoàn điền kinh, đứng cắm chốt ở các điểm dốc trên đoạn đường đất dài 2.300m để đón và cổ vũ tinh thần cho đội. Từ chân núi Tà Cú, bên cạnh du khách chọn ngồi xe điện để đi cáp treo, có không ít người hành hương và khách nước ngoài chọn đi bộ lên núi. Con đường đất không quá dốc nên đích đến của hội thi (tại sân chùa tổ) chỉ ở độ cao 400m so mặt nước biển nhưng khách du lịch phải mất 2 tiếng đồng hồ mới lên đến nơi. Tôi là dân miền núi, thuở nhỏ thường tình nguyện vác cát lên tu bổ chùa Thiên Tượng (Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) nên leo chỉ mất khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ. Càng leo tôi thấy núi càng nhiều sương, mang theo hơi lạnh luồn vào trong người.
Chúng tôi cứ leo, sương càng nhiều. Lẻn trong bạt ngàn tầng cây cao thấp có âm thanh của chim muông. Cô Hiền (một du khách cùng gia đình đến từ Tây Ninh), nói: “Tiếng chim muông nghe thảnh thơi, bình yên lạ”. Tôi cũng nghe đâu đó âm thanh róc rách mát rượi của những hang nước nhỏ, ngửi thấy thoang thoảng trong sương, mùi hương hoa rừng và cây cỏ. Và tôi như hòa vào thiên nhiên với mùi hoa và sương đậu lên vai, lên tay len lỏi, thấm vào người. Leo thêm đoạn nữa, chúng tôi gặp đôi người già bán hàng lưu niệm, đôi cô thôn nữ bán “của nhà trồng được” - trôm rừng và xoài muối. Ai nấy mừng vui, “như thế là gần đến chùa trên rồi!”.
Leo thêm 100 bậc tam cấp, chúng tôi dừng tại vạch đích tìm chỗ thuận lợi để ghi hình. Du khách đã mặc áo khoác, đứng chật chân sau vạch đích. Trọng tài ngoài chờ vận động viên chạy về còn tranh thủ nhắc nhở mọi người không đứng kín lối lên chùa Tổ và khu vực sơ cứu vận động viên. Đứng nép mình như nhiều phóng viên khác ở bên bậc tam cấp, cái khó vì phải đứng chênh vênh, tay cầm máy, tay ôm chặt cột inox cũng không khiến tôi khó chịu. Tranh thủ ngắm nhìn núi rừng Tà Cú, tôi thấy chùa tuy có nhiều công trình mới, hiện đại nhưng cảnh trí vẫn nguyên sơ khi giữa chùa và núi đã có sự hòa hợp. Những mái ngói cong cong mang nét thanh tịnh, yên bình. Bầu không khí trong lành, mát mẻ do nắng nóng giữa mùa khô đã chuyển dần sang se lạnh vì địa hình thay đổi. Leo lên tới chùa trên, ai cũng thấy người khỏe khoắn, sảng khoái. Theo các vị lãnh đạo huyện Hàm Thuận Nam, nhiệt độ trên núi luôn duy trì ở mức 18-22oC, mặc dù dưới chân núi gần 40oC.
Đậm nét giá trị lịch sử, văn hóa
Trên núi Tà Cú có 2 ngôi chùa lớn là Linh Sơn Trường Thọ (chùa trên, nằm ở độ cao 400m) và Linh Đoàn (chùa dưới, nằm bên mạn sườn trái chùa trên) được các nhà sư tu hành tạo dựng từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Linh Sơn Trường Thọ do nhà sư Nguyễn Hữu Đức (1812-1887), pháp danh Thông Ân, pháp hiệu Hữu Đức, tạo dựng sau khi ông có nhiều công lao trong Phật sự đối với các ngôi chùa Linh Sơn (huyện Tuy Phong), Phước Hưng (Phan Thiết)... của Bình Thuận. Chùa Linh Đoàn được sư Tâm Hiền, hiệu Viên Minh tạo dựng sau khi tổ Hữu Đức mất. Sự hình thành ngôi chùa gắn liền với vai trò và quá trình tu hành của các vị sư đức hạnh nên ngày càng thu hút đông đảo du khách tham quan viếng cảnh, nhất là vào những ngày lễ, tết, rằm tháng giêng, tháng bảy và giỗ Tổ sư (ngày 5-10 âm lịch).
Tương truyền về sự ra đời tên gọi Linh Sơn Trường Thọ góp phần đem lại giá trị lịch sử, văn hóa cho chùa trên núi Tà Cú. Theo câu chuyện người dân huyện Hàm Thuận Nam kể lại, năm 1880, hoàng thái hậu vua Tự Đức bệnh nặng. Nhà vua sai các chư hầu đến Tà Cú đón sư Hữu Đức về chữa bệnh cho mẹ (bởi sư Hữu Đức có tài bốc thuốc chữa bệnh). Tuy nhiên, từ khi lên núi, nhà sư không còn xuống núi nên chỉ bốc thuốc cho người mang về. Sau khi hoàng thái hậu khỏi bệnh, vua Tự Đức gọi ông là Đại lão hòa thượng - ông sư sống lâu đắc đạo và ban sắc phong cho chùa - nơi sư Hữu Đức tu hành là Linh Sơn Trường Thọ, với ý muốn ngôi chùa luôn vững chãi, bền lâu. Từ sự công nhận của nhà vua về đức hạnh và tài năng y học của sư Hữu Đức đã khiến bao khách thập phương tìm về Tà Cú.
Chùa trên được xây dựng từ những năm 1870-1880 đã trải qua nhiều lần tu tạo. Tuy nhiên, ngôi chùa vẫn giữ được nét cổ kính, tôn nghiêm với mái cong lợp ngói, lưỡng long chầu nguyệt nhuốm màu thời gian tại chùa Tổ và trên 100 bậc đá tam cấp ngược dốc từ cổng tam quan cũng nhiều lớp rêu phong. Chùa trên có hệ thống tượng phật vừa được xây mới, chùa dưới có lối kiến trúc pha chút phong cách hiện đại với mái chùa hình tháp, mái ngói âm dương cũng không làm mất đi nét cổ kính mà còn tăng thêm sự thanh thoát, hùng vĩ cho chùa. Dọc dài từ đoạn đường sau chùa Tổ ngược lên là hệ thống những pho tượng đồ sộ. Lần lượt, tượng sư tổ Hữu Đức, đá ông Địa, 3 pho tượng: Phật Di Đà cao 7m, Quan Thế Âm và Đại Thế Chí cao 6,5m (sư trụ trì Thích Vĩnh Thọ phác thảo năm 1960) và pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni nằm nghiêng, xây dựng năm 1962, dài 47m đều có màu vôi trắng nổi bật giữa bát ngát sắc xanh của cây rừng, khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. 6 pho tượng hùng vĩ với các tư thế đứng và nằm trải dài không chỉ tạo thế vững chắc cho chùa Tổ mà còn tạo dựng niềm tin trong du khách. Cả chùa và các pho tượng đều ngoảnh mặt hướng Đông Nam khiến ai nhìn ngắm cũng có cảm giác mình đang được che chở. Bởi ngày ngày đức Phật, thần linh đều đem nét tươi mới, nguyên sơ của khí trời, của hương biển, của ánh nắng mặt trời từ lúc ban mai đến cho cuộc sống muôn dân được ấm no, hạnh phúc.
11 giờ, đội điền kinh Bình Phước hoàn thành các mục tiêu đề ra. Mọi người được miễn phí đi cáp treo xuống núi. Từ cáp treo dài 1,6km, với độ cao 505m, chúng tôi không khỏi choáng ngợp khi thấy mình lướt trên bao ngọn cây cổ thụ xanh um và thi thoảng những chú chim yến liệng qua khiến mọi người ồ lên thích thú. Xuống chân núi, cành - lá - hoa của bao cây xòe tán che bóng mát dọc đường đi, nắng lọt qua lớp lá, buông xuống tạo thành những mảnh vàng to nhỏ.
Cẩm Thơ
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065