Mùa xuân là mùa khởi đầu một năm, mùa sinh sôi nảy nở của vạn vật, cỏ cây. Mùa xuân là dịp tổng kết một năm cũ, bắt đầu một năm mới với bao điều ước mong. Giữa tiết trời ấm áp của mùa xuân, trên khắp mọi miền quê, người ta lại rủ nhau đi hội, hành hương về cội nguồn, vui chơi và cầu mong mùa màng tốt tươi, con người hạnh phúc. Đến với lễ hội, con người như tìm về cội nguồn, nhớ đến tổ tiên, nhắc nhở về lịch sử và truyền thống hào hùng của dân tộc qua những hình thức của các sinh hoạt văn hóa dân gian.
Múa cồng chiêng trong lễ hội Đâm trâu của đồng bào Xêtiêng
VÀI NÉT VỀ LỄ HỘI
Lễ hội ở nước ta rất đa dạng và phong phú. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Việt Nam có gần 8.000 lễ hội lớn, nhỏ khắp đất nước, trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Mỗi lễ hội mang một nét đẹp văn hóa tiêu biểu và giá trị riêng, nhưng bao giờ cũng hướng tới một đối tượng linh thiêng được suy tôn như những vị anh hùng chống giặc ngoại xâm, những người có công dạy dỗ, truyền nghề, chống thiên tai, diệt trừ ác thú, cứu nhân độ thế... Chỉ tính trong tháng Giêng cũng đã có khá nhiều lễ hội tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc, những người có công chống giặc ngoại xâm như: Hội Đống Đa, kỷ niệm chiến thắng của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ và tưởng niệm các chiến sĩ vong trận trong đại chiến thắng Đống Đa vào ngày 5-1; hội đền An Dương Vương (Cổ Loa - Hà Nội) ngày 6-1 tưởng niệm Thục Phán - người có công dựng lên nước Âu Lạc, xây thành Cổ Loa; hội đền Cửa Suốt (Quảng Ninh) tưởng niệm Trần Quốc Toản có công đánh đuổi giặc Nguyên; hội đền Hạ Lôi (Mê Linh) tưởng niệm Hai Bà Trưng; hội “Cơm hòm” ở Phổ Yên, Thái Nguyên ngày 6 tháng Giêng kỷ niệm người đàn bà vô danh thời Hậu Lê có công bày mưu đánh giặc Minh...
Cũng vào thời điểm này, du khách bốn phương về hội Hoa Vị Khê (Nam Định) từ ngày 20 đến ngày 30 tháng Giêng để chiêm ngưỡng hoa, cây cảnh của làng nghề truyền thống Vị Khê. Hội du xuân lễ bái cầu mong một năm mới thịnh vượng ở núi Bà Đen (Tây Ninh). Đặc biệt vào mùa này, du khách đổ lên núi Yên Tử dự lễ hội chùa, vãn cảnh hùng vĩ của đất nước. Đến Hòa Bình chúng ta được xem hội Chơi hang, hội Xên bản, Xên mường của người Thái; lên Sơn La cùng thả hồn vào những cánh rừng hoa ban trắng trong ngày hội Hoa ban; đến Bắc Cạn đi chơi núi, du thuyền độc mộc trên thắng cảnh hồ Ba Bể. Ngoài ra, người Tày, Nùng Tây bắc còn có hội Lồng tồng, người Dao có hội Tết nhảy, người Mông có hội Sắc bùa, Chơi núi chơi xuân...
LỄ HỘI Ở BÌNH PHƯỚC
Là một tỉnh ở miền Đông Nam bộ, cư dân Bình Phước ngày nay đã khá đông đúc và là nơi tụ hội của người Việt khắp mọi miền đất nước. Tuy vậy, lễ hội ở Bình Phước không nhiều và phần lớn là của đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là lễ hội Cầu mưa, một lễ hội có tầm quan trọng nhất đối với cuộc sống của người dân tộc Xêtiêng. Tết Mừng lúa mới của người Mơnông diễn ra vào đầu vụ thu hoạch cuối tháng 7 đầu tháng 8 âm lịch. Lễ tết Chôl Chnăm Thmây diễn ra từ ngày 13 đến 15 tháng 3 âm lịch, là lễ hội đón tết cổ truyền của đồng bào Khơme. Lễ hội Quay đầu trâu, Mừng lúa mới là lễ hội cổ truyền của đồng bào Xêtiêng có từ lâu đời diễn ra hàng năm vào thời điểm thu hoạch mùa màng xong (từ tháng 10 đến tháng 12). Ngoài ra ở Bình Phước còn có các lễ hội khác như: Bỏ mả, Phật đản (rằm tháng 4 âm lịch), cúng ông bà hay còn gọi là lễ Sel Dolta (cúng lúa mới), Dâng y Katina (rằm tháng 10), Dâng y Phật, Vu lan báo hiếu (tháng 7), Hoa đăng.
Đặc biệt, có hai lễ hội rất quan trọng, đó là: Lễ hội miếu Bà Rá tưởng niệm các tù chính trị và các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất Bà Rá - Phước Long. Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương tổ chức vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm tại đền thờ ở xã Phú Riềng, huyện Bù Gia Mập nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, biết ơn các vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ con cháu các dân tộc sinh sống trên mảnh đất Bình Phước hôm nay và mai sau.
Đức Hồng
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065