NHỮNG “VUA” TRỒNG TIÊU
Buổi sáng tháng 4, dưới cái nắng gắt của mùa khô, trên những con đường ở biên giới Lộc An gió khẽ đưa thoang thoảng hương thơm của hoa cà phê trộn lẫn mùi nồng cay của tiêu đang vào mùa chính vụ.
Thời điểm này Lộc An đang thu hoạch giống tiêu Trung (tiêu Lộc Ninh, là giống chiếm hơn 70% diện tích ở Lộc An). Anh Điểu Thương cho biết: Ấp 54 có 70% số hộ là người Xêtiêng và chiếm hơn 30% diện tích tiêu của xã với hơn 300 ha, năng suất bình quân khoảng 3 tấn/ha, thấp hơn nhiều nơi khác do nhiều diện tích tiêu già và chủ yếu là giống tiêu Trung (cho năng suất thấp hơn giống tiêu Vĩnh Linh hay Ấn Độ).
Bỏ tiền, công chăm sóc cả năm nên ông Kiều Bá Gia chọn hái những chuỗi tiêu già để giá bán cao (ảnh lớn). Giống tiêu Vĩnh Linh vỏ mỏng, hạt chắc và năng suất cao nên được nhiều hộ ở Lộc An trồng (ảnh nhỏ)
Chúng tôi đến thăm vườn tiêu 5.500 nọc, 15 năm tuổi của gia đình anh Kiều Bá Gia đang vào mùa thu hoạch chính ở tổ 7. Anh Gia là một trong những người “chung thủy” với giống tiêu Trung. Anh vui vẻ lý giải sản lượng không cao bằng giống Vĩnh Linh nhưng trước đây người trồng thích giống tiêu Trung bởi năng suất đều và bền. Vườn tiêu của anh Gia mới hái 2 tuần, thu 5 tấn và chưa biết tổng sản lượng, bởi còn rất nhiều trụ chưa hái. Năm 1998, do ảnh hưởng khô hạn kéo dài, sản lượng tiêu thế giới giảm nên giá tiêu lên đỉnh điểm với 5kg tiêu mua được 1 chỉ vàng. Sức hấp dẫn lợi nhuận của tiêu đã thu hút nhiều người bỏ buôn bán dịch vụ ở thị trấn Lộc Ninh như anh Gia vào vùng sâu, xa học nghề trồng tiêu. Nhưng ngay sau đó, họ phải vượt qua 7 năm giá rớt (2000-2007) để lại được giá trong những năm gần đây và trở thành những người trồng tiêu giỏi.
Khuôn mặt tròn, trắng trẻo, luôn nở nụ cười tươi, không ai nghĩ anh Lê Văn Nam (35 tuổi) ở tổ 5 đã gắn bó với tiêu gần 20 năm. Hiện ba chị em anh Nam có khoảng 5 ha tiêu 8-15 năm tuổi và là những vườn tiêu giống Vĩnh Linh đẹp nhất ở Lộc An. Anh Nam phấn khởi: Giống Ấn Độ, Vĩnh Linh năng suất cao nhưng năm được năm mất. Riêng gia đình chưa có năm nào mất mùa mà chỉ kém khoảng 20% so với năm được mùa. Nhiều người cho rằng, chị em tôi may mắn chọn được giống tiêu đẹp, chuỗi dài, sây, lá nhỏ nhưng theo tôi, quan trọng nhờ công chăm sóc nên hái được “trái thơm”.
Chị em anh Nam “mê” tiêu giống Vĩnh Linh bởi hạt to, vỏ mỏng, dung lượng luôn đạt trên 550g/lít, giá cao. Thời điểm này, tiêu Vĩnh Linh đã hái xả, bình quân sản lượng giảm 40% so với năm 2014, nhưng vườn của chị em anh Nam vẫn còn hơn 50% sản lượng, năng suất ước đạt 4kg/nọc (gấp 2 lần so với tiêu Trung).
Anh Điểu Thương phấn khởi: Trời cho Lộc An có diện tích đất đỏ bazan phong phú, có nguồn nước hợp với cây tiêu, nhưng “vốn” quý nhất của những người trồng tiêu giỏi ở đây là tấm lòng “chung thủy” để chắt lọc kinh nghiệm giữ vườn tiêu xanh ngắt, trải dài trên biên giới. Ở Lộc An có hàng trăm người trồng tiêu giỏi như anh Gia, chị em anh Nam. Kinh nghiệm quý nhất để giữ tuổi thọ tiêu cao là hữu cơ hóa vườn tiêu bằng bón phân chuồng, không sử dụng các hoạt chất độc hại bị cấm để xịt vườn, diệt cỏ.
NÔNG DÂN THỜI @
Tại vườn tiêu của gia đình, anh Gia và anh Nam đều cho thấy nguyên tắc thu hoạch là hái chọn những chuỗi tiêu già, căng tròn có lốm đốm nhiều trái chín đỏ. Bởi bỏ tiền, tốn công chăm sóc cả năm để thu tiêu vài tháng, nếu hái cả chùm non sẽ cho dung lượng nhẹ, giá giảm. Anh Gia và anh Nam đều là thành viên Câu lạc bộ phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững ấp 54. Ở Lộc An hiện có 3 câu lạc bộ (cả tỉnh có 24 câu lạc bộ), 60 thành viên, tổng diện tích 87 ha. Là khuyến nông viên, anh Điểu Thương được giao nhiệm vụ theo dõi 3 câu lạc bộ. Sản phẩm tiêu ở Lộc Ninh và đặc biệt là của thành viên các câu lạc bộ ở Lộc An được Công ty chế biến gia vị Nedspice Việt Nam đánh giá cao, mua giá cao hơn.
Tiêu giống Vĩnh Linh vỏ mỏng, hạt chắc và năng suất cao nên được nhiều hộ ở Lộc An trồng
10 giờ sáng, những bao tiêu cũng đã được chủ vườn thu gom về phơi. Anh Gia và anh Nam đều cho biết, tiêu hái được đều phơi 2-2,5 nắng, sàng sảy sạch và cất vào kho đợi 2-3 tháng sau mới xuất kho bán dần khi được giá. Bởi vào mùa nếu ồ ạt bán tiêu sẽ làm thị trường dội và nhà nhập khẩu có cơ hội ép giá nông dân.
Anh Nam cho rằng, đầu tư cho tiêu lớn hơn rất nhiều so với các nông sản khác. Người trồng tiêu muốn bán được giá phải biết tham khảo thị trường ở nhiều kênh và phải biết nhận định, đánh giá mất mùa hay được mùa để nắm bắt cung cầu và bán sản phẩm thời điểm nào có lợi. Mùa thu hoạch tiêu, anh Nam và hàng trăm hộ trồng tiêu ở Lộc An thường xuyên vào internet để tham khảo sản lượng các nước trồng tiêu trọng điểm, qua khuyến cáo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, các nhà khoa học để nhận định thị trường, đồng thời theo dõi diễn biến giá cả trên internet và qua tổng đài của Gia Lai, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu để xuất kho bán.
Sản xuất tiêu sạch theo hướng bền vững, người trồng tiêu Lộc An góp phần xây dựng, quảng bá thương hiệu hồ tiêu Lộc Ninh. Không bán tiêu ồ ạt để điều tiết thị trường, những nông dân thời @ ở Lộc An cũng góp phần làm cho Việt Nam cầm trịch trên thị trường hồ tiêu thế giới.
P.Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065