MÙA LÀM THÊM CỦA TRẺ EM NÔNG THÔN
BPO - Hè là thời gian nghỉ ngơi, vui chơi của học sinh sau một năm học căng thẳng. Nhưng đối với những trẻ em nghèo nông thôn, ngày hè gắn với việc phải đi làm cỏ thuê, chẻ hạt điều phụ giúp cha mẹ kiếm thêm thu nhập để dành mua sách vở, đóng học phí đầu năm học mới. Một chuyến đi chơi xa hay tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí là ước mơ khó thực hiện.
Ngay sau khi tổng kết năm học, em Nguyễn Quốc Anh (10 tuổi), ở thôn 2, xã Long Tân (Bù Gia Mập) đã phải theo mẹ đi chẻ hạt điều. Ngày nào cũng vậy, từ 6 giờ sáng và kết thúc vào 17 giờ chiều. Như bao bạn nhỏ khác trong xóm, Quốc Anh không biết nghỉ hè là gì. “Số tiền kiếm được trong hè em sẽ để dành mua chiếc xe đạp và đóng học phí đầu năm học mới” - Quốc Anh thỏ thẻ.
Chia sẻ khó khăn cùng cha mẹ
Xưởng điều của gia đình chị Nguyễn Thị Mai ở thôn 2, xã Long Tân rất đông nhân công “nhí” trong những ngày hè. Năm nào cũng vậy, cứ đến hè là xưởng điều nhà chị lại rôm rả hẳn. Có em lần đầu làm quen với máy chẻ, đưa hạt điều vào máy còn vụng về, nhưng cũng có em gắn bó với xưởng 4 năm, một ngày kiếm được 50 - 100 ngàn đồng.
Gia đình khó khăn lại đông em nên Điểu Long phải nghỉ học ở nhà chăn bò thuê khi vừa học xong lớp 4
Xen lẫn tiếng máy chẻ dập điều là những câu chuyện tếu táo ở trường, lớp hay xung quanh cuộc sống của các em. Các em vui vì được lao động, chia sẻ phần nào khó khăn với cha mẹ. Chẻ hạt điều ở đây đã 3 mùa hè nên em Phạm Thị Hoài (14 tuổi) nhanh nhẹn hơn các bạn mới vào làm.“Từ hôm nghỉ học ở trường đến đây làm, em đã được trả hơn 1,5 triệu đồng tiền công. Số tiền đó em đưa cho mẹ giữ để đầu năm học mua đồ dùng học tập và may quần áo mới. Anh trai em năm nay lên lớp 9 cũng làm tại đây. Sau 3 tháng hè, số tiền mà hai anh em kiếm được sẽ dùng để trang trải trong suốt năm học” - Hoài chia sẻ.
Lao động từ sớm nên em Trinh Viết Thu Thảo, học sinh lớp 41, Trường tiểu học An Lộc A (Bình Long) có thể tự nuôi sống bản thân và phụ giúp phần nào gánh nặng cho mẹ. Cha bị bệnh ung thư qua đời khi Thảo còn rất nhỏ. Không lâu sau mẹ cũng mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. 9 tuổi, Thảo đã thay mẹ làm việc nhà, buổi đi học buổi tranh thủ nhận hạt điều về cạo vỏ lụa. “Không đi làm thì lấy tiền đâu nuôi mẹ, mua sách vở, quần áo và đóng học phí đầu năm học mới. Có lúc em muốn nghỉ học để đi làm nhưng nghĩ đến mẹ lại tiếp tục cố gắng”. Hoàn cảnh là vậy nhưng 4 năm liền Thảo đều giữ vững danh hiệu học sinh giỏi. Vừa qua, Thảo còn vinh dự nhận giấy khen tại Đại hội cháu ngoan Bác Hồ thị xã Bình Long.
Khi được hỏi đi làm có vất vả không, các em đều vui vẻ cho biết: Công việc nhẹ nhàng, được gặp nhiều bạn, vừa kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình, không lãng phí thời gian vào những trò vô bổ.
Những sân chơi bất đắc dĩ
Chúng tôi đến thôn Bù Ka 1, xã Long Hà (Bù Gia Mập) vào buổi trưa nắng gắt, cái nắng làm cho tóc em nào cũng đỏ hoe, vàng cháy. Là thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, lại xa trung tâm xã nên để có sân chơi đúng nghĩa cho các em là rất khó. Vì vậy, xung quanh nơi các em ở, đâu cũng có thể là sân chơi.
Sân chơi của trẻ em nông thôn là những bãi đất trống dưới cái nắng gay gắt của mùa hè
Sau buổi chẻ điều, Thị Loan tham gia ngay trò chơi ném lon cùng các bạn trong xóm. Gia đình khó khăn nhưng 5 năm liền Loan đạt học sinh khá, giỏi cùng nhiều giải cao tại giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” cấp huyện và là đại biểu cháu ngoan Bác Hồ cấp huyện. Nhà nghèo lại đông em nên Loan luôn có ý thức tự học, biết lao động từ sớm. Đây là mùa hè thứ hai Loan đi chẻ điều phụ giúp mẹ có thêm tiền mua gạo nuôi em. Năm học vừa qua, anh trai Loan là Điểu Long phải rời ghế nhà trường khi mới học xong lớp 4. “Tiền làm thuê của bố không đủ nuôi cả gia đình nên em phải nghỉ học đi chăn bò thuê kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ và nuôi các em” - Điểu Long chia sẻ. Mỗi ngày, Điểu Long phải lùa đàn bò ra bưng cách nhà 2km để chăn rồi chiều lại lùa về. Khi được hỏi có muốn đi học không, Điểu Long cúi mặt, mắt đỏ hoe: “Con muốn đi học nhưng nhà nghèo, không có tiền”.
Ở thôn nghèo như Bù Ka 1, một đứa trẻ nhà nghèo, ham học chữ như Điểu Long không nhiều. Gánh nặng cơm áo đè lên vai Long quá sớm khiến em ít nói và trầm tính hơn các bạn đồng trang lứa. Ngồi nép mình dưới cái nắng, ánh mắt Long nhìn về phía xa xăm, dù không nói ra nhưng chúng tôi hiểu em đang suy nghĩ gì về tương lai của mình.
Ngân Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065