Mùa kiếm cơm...
Hiện cây điều góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 50 ngàn lao động, từ đó cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, xa, dân tộc thiểu số. Hơn thế, vào mỗi dịp điều thu hoạch rộ, khắp nơi trong tỉnh lại sẵn sàng đón hàng ngàn nhân công từ nhiều tỉnh, thành về hái điều thuê.
Đây là năm thứ 5 chị Thạch Thị Reo ở huyện Cồn An, tỉnh Trà Vinh về Bình Phước lượm điều thuê. Mới đầu chị được hàng xóm giới thiệu đi làm thử. Thấy phù hợp nên năm sau chị tự liên hệ với chủ vườn ở xã Phú Trung, huyện Phú Riềng để lượm điều. Chị Reo cho biết: “Công việc không cần phải học, không đòi hỏi tay nghề mà đem lại thu nhập khá nên hằng năm vợ chồng tôi đều đặn lên đây lượm điều thuê. So với công việc làm thuê ở Trà Vinh thì lượm điều mỗi ngày cho công cao gấp đôi. Chịu khó ít tháng mà thu cao”.
Nhiều hộ dân ngoại tỉnh ổn định cuộc sống từ lượm điều thuê
Tại vườn điều của gia đình chị Lưu Thị Lý ở thôn 3, xã Đồng Nai (Bù Đăng) hiện có 5 hộ thuộc các tỉnh miền Tây là Trà Vinh, An Giang, Đồng Tháp... đến làm thuê. Họ căng bạt dựng lều, nấu ăn, sinh hoạt ngay tại vườn để tiện cho việc lượm điều. Chị Lý cho biết: “Các hộ đến đây lượm điều thuê chủ yếu đi cả gia đình. Họ sống tạm chừng 2 tháng thì về. Tôi bao điện, nước còn họ tự nấu cơm ăn. Họ sống rất thật thà, chịu khó nên tôi thường xuyên thuê lượm điều trong nhiều năm qua. Tôi không tính tiền công theo ngày mà theo ký (3.200 đồng/ký) để kích thích sự siêng năng. Nếu chịu khó như hôm qua, gia đình anh Thạch Là đã thu được 1,2 triệu đồng công lượm đấy!”.
Thấy Thạch Quốc Bảo vóc dáng mảnh khảnh, bé nhỏ đang khệ nệ xách 2 tay 2 giỏ hạt điều từ dưới thung lũng lên, tôi lân la hỏi chuyện: “Con bao nhiêu tuổi, học lớp mấy rồi?”; “Con 13 tuổi, học hết lớp 3 thì nghỉ theo ba mẹ đi lượm điều đã 4 năm”; “Lượm điều vất vả không? Con không nhớ các bạn sao mà lại bỏ học?”; “Con đi lượm điều để có tiền phụ giúp ba mẹ”... Vừa nói Bảo vừa gò mình xách 2 giỏ hạt điều đến đặt lên bàn cân để sẵn trong vòm tôn kế vườn điều. Cầm số tiền hơn 60 ngàn đồng từ 21kg hạt điều nhặt được, Bảo nhảy chân sáo trở lại vườn, nơi thấp thoáng bóng ba mẹ em đang lượm điều.
Trong khi đó, anh Trần Văn Bù (42 tuổi) ăn vội chén cơm mới xới, lúc đó đã hơn 13 giờ. Anh cho biết: “Nghề này sướng hơn làm thuê ở Chợ Mới, An Giang quê tôi. Ở quê làm nghề đánh bắt cá, vất vả mà thu nhập chẳng đáng là bao. Lượm điều thuê tuy có đau lưng nhưng công việc không tốn sức nhiều lại mát mẻ. Nếu siêng năng mỗi ngày tôi kiếm được khoảng 300 ngàn đồng”.
Và những đổi thay nhờ nghề lượm điều thuê
Với những người có thâm niên lượm điều thuê thì đây đã thành nghề chính, đem lại thu nhập đáng kể. Anh Thạch Là ở Trà Vinh đến xã Đồng Nai lượm điều thuê đã 8 năm chia sẻ: “Chủ nhà tôi lượm thuê có tới 40 ha điều nên ngoài cả gia đình trụ ở đây, tôi còn rủ thêm hàng xóm cùng lượm cho vui và sống quây quần hỗ trợ nhau. Năm nay điều thất thu hơn những năm trước nhưng vì diện tích của chủ vườn lớn nên công việc vẫn có làm đều đều, không lo thất nghiệp”.
“Nghề này nói không vất vả nhưng thực ra lê la cả ngày trong vườn cũng oải lắm. Nhiều lúc đau ê ẩm toàn thân, tối về đặt lưng xuống là ngủ liền. Được cái phụ nữ, trẻ em đều làm được. Dù thời tiết nắng nóng đến mấy thì lượm điều dưới tán cây cũng mát mẻ, dễ chịu hơn làm nhiều nghề khác. Chịu khó chút cũng để dành được khoản thu kha khá về sinh sống ở dưới quê” - chị Thạch Thị Lan ở tỉnh Sóc Trăng đến thôn 9, xã Đồng Nai lượm điều thuê nhận xét.
Chính vì có việc làm ổn định từ lượm điều trong 5 năm qua mà gia đình chị Lan đã mua được xe máy, tủ lạnh, cuộc sống bớt đi phần cơ cực. Còn gia đình anh Thạch Là sau khi tích lũy từ lượm điều thuê qua 4 năm cũng đã dành dụm sửa được căn nhà khang trang hơn, không còn lo dột vào mùa mưa. Chính vì công việc đem lại thu nhập cao và không phải biền biệt xa quê cả năm như nhiều nghề khác nên làm gì thì làm, đến mùa điều là chị Lan, anh Là, chị Reo cùng nhiều nông dân ở các tỉnh miền Tây lại rồng rắn lên Bình Phước lượm điều.
Chị Huỳnh Thị Ninh (1972), quê Châu Đốc (An Giang) gắn bó với nghề lượm điều thuê được 9 năm. Cũng chừng đó năm chị làm công cho một chủ vườn điều ở xã Thống Nhất (Bù Đăng). Mỗi năm, đến vụ điều là chủ vườn điện chị lên. Làm công được bao ăn, ở nên tiền công chị dành được một khoản kha khá. Qua nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, chị chia sẻ: “Tôi theo nghề này vì thu nhập khá, chịu khó mỗi ngày cũng kiếm được 300-350 ngàn đồng. Được bao ăn, ở nên cuối mùa tích cóp được khoảng 20 triệu đồng, đủ để lo cho con cái ăn học cả năm. Đó là khoản thu không nhỏ với gia đình tôi”.
Chính vì lượm điều đòi hỏi tỉ mẩn, chịu khó nên đa số người làm công là nữ nếu không đi cùng gia đình. Ai cũng cần mẫn làm việc với hy vọng đem lại cuộc sống no đủ hơn cho gia đình ở quê nhà. Tuy nhiên, người làm công đổ về nhiều, lại tập trung ở khu vực vùng sâu, xa nên chính quyền cơ sở cũng cần sâu sát, phối hợp lực lượng công an quản lý nhân khẩu đăng ký hộ khẩu tạm trú đầy đủ để tránh kẻ xấu lợi dụng trà trộn gây mất an ninh trật tự trong mùa vụ thu hoạch điều. Bên cạnh đó, vận động các hộ không nên vì lợi nhuận mà bắt con bỏ học. Song song đó, hệ thống chính quyền trong tỉnh cùng các đơn vị chức năng tiếp tục tích cực đồng hành với người trồng điều như thời gian qua để cây điều có cơ hội phát triển mạnh. Qua đó mỗi năm lại tạo thêm cơ hội cho người dân ở nhiều tỉnh, thành kiếm thêm thu nhập nuôi con ăn học, phục vụ đời sống, để tỉnh mãi tự hào về một loại cây chủ lực mang thương hiệu Bình Phước.
Bình Phước hiện có hơn 134.000 ha điều (chiếm gần 50% diện tích ngành điều cả nước), trong đó khoảng 132.000 ha đang cho thu hoạch. Bình Phước đã được Chính phủ và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn quy hoạch thành vùng nguyên liệu chính của cả nước với 200.000 ha vào năm 2020 song song với việc xây dựng thương hiệu quốc gia. Với những lợi thế đó, hạt điều Bình Phước đang mở ra nhiều cơ hội mới để loại cây chủ lực này phát triển mạnh hơn nữa.
Ngọc Tú
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065