Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trả lời báo chí
Thưa đồng chí, ngày 18-11 hằng năm đã trở thành Ngày Truyền thống của MTTQ Việt Nam. 85 năm qua, trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như xây dựng đất nước, MTTQ Việt Nam đã thể hiện vai trò đoàn kết và tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Từ khi Đảng ra đời đã xác định nhiệm vụ hàng đầu là giải phóng dân tộc. Vì vậy, sau khi thành lập Đảng vào ngày 3-2-1930, hơn 9 tháng sau, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra Chỉ thị về vấn đề thành lập Hội phản đế Đồng minh, hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam. Điều này có nghĩa là ngay từ khi thành lập, Đảng đã thấy rằng, ở một nước thuộc địa với 90% người dân không biết chữ, cuộc sống muôn vàn khó khăn, nếu muốn có một sức mạnh để thắng được chế độ thực dân áp bức, không cách nào khác là tạo lên sức mạnh của tất cả người dân để làm cách mạng. Khi đứng trước thách thức lớn, sức mạnh dân tộc là sức mạnh của hàng chục triệu người liên kết lại vì một mục tiêu: Giải phóng dân tộc.
Bài toán đặt ra trong suốt thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc là huy động mọi lực lượng tham gia. Trong từng giai đoạn lịch sử, bối cảnh của quốc tế có thay đổi, mục tiêu được điều chỉnh, hình thức, tên gọi của Mặt trận cũng có sự thay đổi. Giai đoạn 1936-1939, khi phong trào dân chủ phát triển, Mặt trận có các tên gọi: Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế; Mặt trận Dân chủ Đông Dương; Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế Đông Dương. Khi chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra, Nhật Bản tham chiến, cần có một phương thức tập hợp hướng tới mục tiêu giải phóng dân tộc, năm 1941, Mặt trận Việt Minh ra đời nhằm tập hợp lực lượng tham gia đấu tranh giải phóng dân tộc.
Chính sự chuyển hướng kịp thời, chuẩn bị lực lượng với sự tham gia của nông dân, sinh viên, học sinh, trí thức, những người trong bộ máy chính quyền cũ, các nhà tư sản đã làm lên thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nước ta lại tiếp tục kháng chiến chống Pháp. Năm 1951, sự ra đời của Mặt trận Liên Việt đã góp phần tập trung lực lượng để đi đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.
Mỗi tên gọi khác nhau của Mặt trận đã thể hiện sự huy động lực lượng vào nhiệm vụ cụ thể ở địa bàn cụ thể. Ví dụ như, sau Hiệp định Genève, miền Bắc làm nhiệm vụ xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, MTTQ Việt Nam ra đời (năm 1955) đã góp phần làm sáng tỏ con đường của cách mạng Việt Nam; đến năm 1960, Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam ra đời… Năm 1968, Đảng ta thấy rằng bên cạnh sự tập hợp quần chúng của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam chủ yếu ở vùng nông thôn, ở vùng thành thị, những người trí thức, công chức, các lực lượng yêu nước cần tập hợp lại, vì thế Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam đã ra đời.
Trong chống Mỹ, có 3 hình thức Mặt trận với tên gọi khác nhau nhưng đều hướng tới mục đích cuối cùng là giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Với phương thức đa dạng, tập hợp các tầng lớp nhân dân, Việt Nam đã giành thắng lợi, thống nhất đất nước năm 1975. Hai năm sau (1977), ba tổ chức Mặt trận đã được thống nhất, tổ chức lại thành MTTQ Việt Nam.
Mặt trận chính là sự sáng tạo của Đảng để thực hiện sứ mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây là sứ mạng rất đặc biệt. Sau khi giành thắng lợi, Mặt trận có nhiệm vụ huy động lòng yêu nước của mọi người dân Việt Nam; phát huy sáng kiến của hàng triệu người Việt Nam, tạo sự đồng thuận về con đường phát triển đất nước. Lòng yêu nước là nền tảng chung, đồng thuận phát triển là yếu tố gắn bó nhưng việc phát huy, tập hợp sáng kiến của hàng triệu người tạo nên sức mạnh mới của dân tộc. Đây là bài học còn có giá trị lâu dài.
Nhìn lại lịch sử, đến năm 1977 khi hợp nhất ba tổ chức Mặt trận, mới có Mặt trận Tổ quốc ở cấp xã, trước đó tổ chức Mặt trận chỉ có ở Trung ương, tỉnh và huyện. Năm 1983, Mặt trận phát triển các Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư. Tính chất vận động và phương thức hoạt động của Mặt trận được thay đổi để càng ngày càng sát với nhân dân, phù hợp với điều kiện hòa bình. MTTQ Việt Nam chính là sự sáng tạo của thể chế chính trị nước ta, giúp kinh tế thị trường hoạt động hoàn thiện hơn, góp phần phát huy thế mạnh của kinh tế thị trường, đồng thời khắc phục những hạn chế, bởi MTTQ không hoạt động theo nguyên tắc thị trường. MTTQ hoạt động theo nguyên tắc: Phát huy lòng yêu nước, tạo sự đồng thuận đường lối phát triển, phát huy sáng kiến của hàng chục triệu người xây dựng đất nước đi lên…
Ngày Truyền thống của Mặt trận giờ đã trở thành Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở hơn 100.000 khu dân cư trên cả nước. Đồng chí có thể cho biết cảm xúc của mình khi được dự Ngày hội đặc biệt này?
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Hiện nay cả nước có hơn 100.000 khu dân cư, hoạt động định kỳ “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” vào ngày 18-11 hằng năm là hoạt động đặc thù. Đây là dịp để người dân ở khu dân cư gặp nhau để trao đổi, ôn lại và khẳng định sự quan trọng, tự hào với truyền thống đoàn kết yêu nước của người Việt Nam. Cùng với đó đánh giá những mặt làm được sau một năm và đề ra những việc cần làm tốt hơn trong thời gian tới. Cùng với đó là biểu dương những cá nhân, tập thể đóng góp vào công tác Mặt trận ở khu dân cư, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ…
Chúng tôi có lần dự ngày hội đại đoàn kết tại một thôn ở tỉnh Tuyên Quang. Chúng tôi thấy nhiều người lâu không gặp nhau đã thăm hỏi nhau, những cựu chiến binh ôn lại những chuyện ngày xưa và cùng ăn một bữa cơm rất ấm cúng. Theo tôi những hoạt động đó nên tiếp tục, là dịp để khẳng định vị trí của khối đại đoàn kết.
Đặc biệt, nhiều năm nay các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các địa phương đi dự ngày hội đại đoàn kết, đi thăm các hộ dân ở các địa phương để biết những người làm ăn tốt nhất họ làm như thế nào, họ sống ra sao, vì sao họ làm ăn được hay những người mới thoát nghèo họ sống như thế nào, còn băn khoăn điều gì, những hộ khó khăn đang vướng gì?
Theo tôi, trong ngày hội đại đoàn kết, ngoài 4 cấu phần lễ hội thì nên đẩy mạnh hơn cấu phần thứ 5 là các đồng chí lãnh đạo Nhà nước, địa phương trực tiếp gặp các hộ dân, trao đổi, lắng nghe ý kiến người dân. Tôi mong muốn các địa phương phát huy sáng kiến hơn nữa để ngày hội đại đoàn kết thật sự trở thành ngày mong đợi của người dân.
Phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân, hàng chục năm qua, MTTQ Việt Nam đã triển khai nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước một cách toàn dân, toàn diện và có sức sống lâu bền. Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng, đặc biệt là chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, những cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước này có vai trò như thế nào trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Chúng ta biết yêu nước thì cuối cùng phải hành động để góp phần phát triển đất nước. Mỗi thời kỳ, MTTQ Việt Nam có những cuộc vận động khác nhau. Đó là những cuộc vận động của Mặt trận, các phong trào thi đua của các tổ chức thành viên. Trong giai đoạn 20 năm gần đây, Mặt trận tập hợp nhân dân qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Ngày vì người nghèo”.
Từ thành quả của các cuộc vận động này, cần phải tiếp tục tổ chức cuộc vận động hiệu quả hơn nữa theo hướng Mặt trận phối hợp với các tổ chức thành viên, ít số lượng các cuộc vận động nhưng có sức sống lâu bền hơn. Hiện chúng tôi đã bàn và Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có kết luận trên cơ sở tổng kết cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, sự tham gia của Mặt trận vào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Từ năm 2016 sẽ thực hiện cuộc vận động mới: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” để tích hợp tất cả các nội dung đã làm lâu nay với phong trào mà Chính phủ phát động thành cuộc vận động mới để phát huy từng đoàn thể nhận từng nhiệm vụ, tiêu chí cụ thể trong nông thôn mới, đô thị văn minh. Đây sẽ là cuộc vận động trung tâm trong thời gian sắp tới.
Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sâu sắc hơn, phù hợp hơn với giai đoạn hội nhập ngày càng cao.
Bên cạnh đó là chọn ra những hoạt động cụ thể, thiết thực trong thực tiễn cuộc sống để vận động. Ví dụ, qua trao đổi, Mặt trận thấy rất cần hình thành đội ngũ những doanh nhân trẻ. Trong phát triển kinh tế, chúng ta có đường lối, chính sách, cơ chế nhưng chỉ có doanh nhân mới đứng ra tập hợp làm kinh tế. Với quy mô 100 triệu dân chúng ta phải có một triệu doanh nghiệp thì mới tương xứng để dẫn dắt đất nước tiến lên, trong khi hiện nay chúng ta mới có trên dưới 500.000 doanh nghiệp. Do đó, chúng tôi đang cùng với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Doanh nghiệp trẻ xem xét để có một cuộc vận động hỗ trợ, động viên hình thành nửa triệu doanh nghiệp mới trong 10-15 năm tới để đưa đất nước phát triển.
Vấn đề nữa là hiện nay Việt Nam đang có một lợi thế rất quan trọng là nguồn nhân lực dồi dào. Chúng ta đang ở thời kỳ dân số vàng, tức là lực lượng lao động đủ sức gánh vác trong vòng 20 năm nữa. Nhưng nếu chúng ta không vận động tốt để người Việt Nam thấy lớn lên cần lập gia đình, vừa vì mình vừa vì đất nước thì có thể rơi vào xu hướng của các nước là càng giàu càng ít con. Nếu không đủ 2 con/hộ, về lâu dài đất nước sẽ rơi vào khó khăn vì thiếu lao động… Đất nước muốn phát triển bền vững, ngoài đường lối chính sách chung thì phải bền vững về con người, trong đó bền vững về nhân lực, về tái tạo sức lao động, văn hóa cũng cần vận động… Hiện nay cả nước là trên dưới 2 con trong một gia đình nhưng ở các đô thị là trên dưới 1,7 con. Tình trạng này kéo dài sẽ đẩy Việt Nam rơi vào tình trạng không bền vững về lao động, dân số… Sắp tới cần có một cuộc vận động toàn xã hội xây dựng gia đình hạnh phúc, mỗi gia đình nên có hai con vì mình và vì đất nước thì chúng ta sẽ phát triển bền vững lâu dài. Vấn đề này phải làm, nếu không đất nước sẽ không ổn định được.
Phải có cuộc vận động khuyến khích người Việt Nam có khả năng sáng tạo thì sáng tạo thực sự và để cho mỗi sản phẩm sáng tạo đi vào cuộc sống. Hướng tới là người Việt Nam sáng tạo vì quê hương Việt Nam 2045. Chúng ta chỉ có 30 năm nữa là kỷ niệm 100 năm thành lập nước. 30 năm nữa là 30 năm phải tăng tốc để đất nước phát triển hiệu quả, trong đó sáng tạo là yếu tố quyết định. Chúng tôi rất mong tất cả các tổ chức thành viên của Mặt trận, mỗi người dân, mỗi người Việt Nam ở nước ngoài suy nghĩ để sức sáng tạo của 55 triệu người lao động hiện nay là sức mạnh quan trọng nhất để phát triển đất nước…
Trong thời gian tới, bên cạnh các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thì cần vận động phát triển doanh nhân, phát triển nhân lực bền vững, phát triển sáng tạo để sức khỏe, trí tuệ, tâm hồn của người Việt Nam đi về một hướng, đất nước phát triển bền vững.
Một trong những mục tiêu trong Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII của Đảng là phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng chí có thể cho biết, trong thời gian tới MTTQ Việt Nam sẽ có định hướng gì để phát huy hơn nữa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc?
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Đại đoàn kết dựa trên 3 yếu tố là lòng yêu nước, đồng thuận về mục tiêu đường hướng phát triển và huy động sức sáng tạo của mọi người dân để tạo nên sức mạnh của cộng đồng.
Trong mỗi giai đoạn lịch sử chúng ta hướng vào một mục tiêu nhất định. Hiện nay, Mặt trận hướng nhân dân vào việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phát triển kinh tế. Thứ hai là vận động người sản xuất phải làm hàng cho tốt, cạnh tranh cho tốt và vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam để góp phần thêm thu nhập cho đất nước. Thứ ba là cần hun đúc lòng yêu nước, đem tâm huyết, sáng kiến để sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc trong bất kỳ tình huống nào, đảm bảo hòa bình, độc lập chủ quyền của đất nước.
Còn cụ thể hơn là huy động sức mạnh của người dân qua Mặt trận và các tổ chức thành viên để chăm lo xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh để khuyến khích đất nước phát triển, hội nhập một cách toàn diện.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của MTTQ Việt Nam là thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội. Xin đồng chí cho biết, MTTQ Việt Nam sẽ làm gì để phát huy tốt nhất vai trò này trong thời gian tới?
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Việc giám sát, Hiến pháp 2013 đã quy định, đây vừa là trách nhiệm, vừa là quyền và vinh dự của MTTQ Việt Nam. Đây là nhiệm vụ mới nhưng chúng ta có cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ và giám sát. Việc giám sát phải có một cơ chế và dần dần phải được luật pháp hóa. Hiện nay, Đảng đã có văn bản quy định công tác giám sát nhưng văn bản Nhà nước thì chưa có, cho nên năm 2014-2015 chúng tôi sẽ tổng kết những hoạt động giám sát bước đầu của Mặt trận để khái quát, hình thành bước đầu những quy định phối hợp giữa Đảng, chính quyền, Mặt trận trong công tác giám sát.
Năm 2014-2015, MTTQ Việt Nam đã triển khai 8 chương trình phối hợp giám sát: Giám sát việc thực hiện chính sách đối với người có công; giám sát việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại các doanh nghiệp; giám sát tuân thủ pháp luật trong cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân; tuân thủ pháp luật ở các cơ sở y tế tư nhân; giải quyết khiếu nại tố cáo của nhân dân; giám sát ngành thuế, hải quan cải cách thủ tục hành chính để hội nhập rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp; giám sát đánh giá sự hài lòng của nhân dân với 6 dịch vụ công ở 20 tỉnh, thành phố cả nước; giám sát việc thực hiện Luật Khoa học và công nghệ. Những chương trình giám sát này được tổng kết để rút ra bài học và hình thành cơ chế, chuyển giao cho cơ sở và các địa phương để trong năm tới, các địa phương sẽ giám sát quyết liệt hơn nữa trên các lĩnh vực, trong đó có những nội dung giám sát mà chính quyền thấy thật sự cần thiết, để có kinh phí triển khai.
Cùng với đó, Mặt trận tiếp tục chọn vấn đề giám sát ở cấp quốc gia, xuất phát từ nhu cầu quan tâm lớn của nhân dân để giám sát. Cụ thể như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông. Sắp tới, Mặt trận cùng các tổ chức thành viên suy nghĩ kỹ để giám sát các lĩnh vực này.
Hay như vấn đề ô nhiễm môi trường cũng có rất nhiều bức xúc. Nhiều địa phương cũng triển khai giám sát rồi, sắp tới cũng cần tổng kết. Giữa tháng 11-2015, lần đầu tiên sẽ có một Hội nghị của 14 tôn giáo lớn nhất được công nhận, bàn về việc các tôn giáo vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đối khí hậu, trong đó nhân dân vừa làm, vừa giám sát.
Về vấn đề phản biện, vừa qua, Mặt trận tổ chức góp ý cho văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Đây chính là nhiệm vụ phản biện tập trung nhất của năm 2015. Trên cơ sở ý kiến của Mặt trận, các giới, các địa phương, trong tháng 11 và tháng 12, Bộ Chính trị sẽ nghe tập hợp ý kiến chính thức của tất cả người dân cho văn kiện Đại hội Đảng để đưa ra Hội nghị Trung ương trong tháng 12-2015.
Từ nay đến Đại hội lần thứ XII của Đảng, sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến xây dựng Đại hội. Sau Đại hội, Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các cấp sẽ triển khai các chương trình 5 năm kèm theo chính sách. Đây cũng là thời cơ và trách nhiệm để Mặt trận góp phần xây dựng chương trình đó hiệu quả nhất. Đây là cũng là nhiệm vụ rất lớn của Mặt trận trong năm 2016.
Trân trọng cảm ơn đồng chí.
Nguồn Chinhphu.vn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065