Dân cần là có, dân khó cùng “gỡ”
Thời gian qua, các cấp hội, đoàn thể thuộc UBMTTQVN tỉnh đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, kịp thời khắc phục hạn chế nên vai trò của MTTQ các cấp ngày càng được khẳng định. Các cuộc vận động, phong trào thi đua thiết thực hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng rõ hơn.
Song song đó, UBMTTQ các cấp đã đồng bộ công tác giám sát, phản biện từ tỉnh đến cơ sở, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và phối hợp các tổ chức thành viên đưa văn bản của Trung ương, tỉnh đến cán bộ, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân. Nội dung giám sát luôn được chọn lọc phù hợp thực tiễn, thời điểm, mang tính thời sự. Những vấn đề thực hiện thường xuyên gồm: giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn; đầu tư của cộng đồng; giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư... Đồng thời có văn bản đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan thông báo, gửi văn bản, chương trình, dự án, đề án cần phản biện xã hội để xây dựng chương trình, kế hoạch.
Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh cũng xây dựng và ban hành quy chế phối hợp với Thường trực HĐND, UBND trong công tác giám sát và phản biện xã hội. Vì thế, hoạt động giám sát, phản biện xã hội có nhiều đổi mới rõ nét, nổi bật. 5 năm qua, UBMTTQ các cấp tổ chức 396 cuộc giám sát; tham gia với thường trực HĐND, các ban của HĐND các cấp 1.631 cuộc; phối hợp viện kiểm sát nhân dân 2 cấp và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp giám sát 272 cuộc; ban thanh tra nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức 1.656 đợt giám sát, phát hiện và kiến nghị xử lý 91 vụ việc sai phạm; ban giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát 2.134 đợt/1.392 công trình, phát hiện và kiến nghị xử lý 214 công trình có sai phạm... UBMTTQ các cấp trong tỉnh cũng tổ chức phản biện xã hội 103 văn bản dự thảo (chủ yếu cấp tỉnh, huyện). Các kiến nghị, phản biện xã hội được dư luận đánh giá cao, nhiều nội dung phản biện được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu và có ý kiến phản hồi tích cực.
Nhìn thẳng mặt trái, tiêu cực
Bên cạnh những mặt đạt được, phải thừa nhận rằng: MTTQ ở một số nơi thiếu chủ động tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức bộ máy, cán bộ và hoạt động; nhiều tổ chức thành viên, ủy viên các cấp chưa chủ động phối hợp thống nhất hành động hằng năm và phát huy vai trò, vị trí tập hợp đoàn viên, hội viên, nhân dân tham gia phong trào ở cơ sở... Ngoài ra, phương thức vận động, tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc chưa theo kịp những yêu cầu mới trong xã hội. Việc phối hợp nắm bắt thông tin, phản ánh tình hình, tâm tư nguyện vọng của nhân dân có lúc, có nơi chưa thường xuyên, kịp thời, đầy đủ và chính xác. Một bộ phận cán bộ của MTTQ và đoàn thể chưa thật sự tâm huyết, thiếu tinh thần trách nhiệm và kỹ năng vận động, tập hợp nhân dân dẫn đến việc thực hiện cuộc vận động, phong trào thi đua chưa tạo được sự chuyển biến tích cực. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ở một số xã, phường còn hình thức, chất lượng chưa cao.
Kỳ vọng mới trong giám sát, phản biện
Để thực hiện tốt Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội, Nghị quyết liên tịch số 403/2017 ngày 15-6-2017, Ban Thường trực UBMTTQVN nhiệm kỳ mới cần tiếp tục đổi mới, làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân về hoạt động giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Đồng thời, cả hệ thống chính trị trong tỉnh cùng tham gia thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, trách nhiệm trong giám sát và phản biện xã hội.
Bên cạnh đó, chính quyền các cấp tăng cường công tác phối hợp và tạo điều kiện cho MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội hoạt động trong lĩnh vực này. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cần bám sát tình hình thực tế xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội phù hợp, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và nhân dân, cộng đồng xã hội đang quan tâm. Tiếp tục phát huy vai trò giám sát của ban thanh tra nhân dân và nhân dân - kênh quan trọng trong giám sát xã hội.
Nâng cao hơn nữa vị thế giám sát, phản biện xã hội của MTTQ không thể thiếu việc thường xuyên nâng cao nhận thức, hiểu biết; trao đổi, chia sẻ, kinh nghiệm thực tiễn công tác; nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt, đẩy mạnh tuyên truyền hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Đó là các giải pháp hay để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng gần dân, do dân, vì dân, lấy dân làm chủ.
Ngọc Tú
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065