BP - Trong rất nhiều trào lưu gần đây của giới trẻ Việt như: đổ nước đá lên đầu, hôn người lạ, chụp ảnh nhái thương hiệu, ghép ảnh xưa - nay, nhắn tin yêu đương... thì trào lưu thách thức đọc sách (Book bucket challenge) đã nhanh chóng lan rộng trong cư dân mạng và thực sự là một trào lưu lành mạnh, đáng tự hào. Tham gia trào lưu Book bucket challenge buộc người chơi phải liệt kê được tên 10 đầu sách gối đầu giường của bản thân. Nếu đưa thêm được lý do vì sao yêu thích những cuốn sách đó lại càng thú vị. Trào lưu thách thức đọc sách đã thu hút cả những người không còn trẻ với những cuốn sách thuộc một thế hệ khác, một tư duy khác.
Từ khi internet trở nên thông dụng, phần lớn người Việt dành thời gian xem tivi, nhất là người trẻ. Theo số liệu từ một cuộc điều tra xã hội học, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người đọc sách thấp thế giới. Trung bình 1 người Việt Nam chỉ đọc 3 cuốn sách 1 năm, trong đó có 2,3 cuốn là sách giáo khoa. Như vậy số lượng sách tự chọn chỉ 0,7 cuốn/người/năm. Trong khi tại Thái Lan tỷ lệ này vào khoảng 5 cuốn/người/năm. Số ít người trẻ có thói quen đọc sách nhưng thường chỉ đọc những cuốn sách mỏng, có hình ảnh với nội dung thiên về giải trí chứ không nhằm bồi bổ kiến thức. Nhiều người trẻ chuộng sách điện tử (ebook). Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể tiếp cận với “kho” ebook khổng lồ chứa hàng trăm quyển sách, báo, tạp chí. Người sử dụng có thể mua các cuốn sách mới, tạp chí mới hay tài liệu tham khảo từ các cửa hàng điện tử để đưa vào lưu trữ trong kho “ebook” của mình. Và cho dù là đọc sách giấy hay sách điện tử, giới trẻ Việt có xu hướng đọc theo cách “mì ăn liền”, đọc nhanh, đọc ngắn, đọc lướt và đọc loại sách không cần suy ngẫm. Vì thế, những cuốn sách kinh điển, gối đầu giường một thuở của biết bao thế hệ thanh niên nửa cuối thế kỷ XIX như Ruồi Trâu, Những người khốn khổ, Sông Đông êm đềm hay Hòn Đất, Rừng xà nu, Lửa rừng... giờ chỉ để... làm đẹp giá sách.
Thói quen đọc, khả năng lựa chọn và cách đọc hợp thành cốt lõi văn hóa đọc. Trong ảnh, đọc sách trong buổi sinh hoạt hè của học sinh Trường THCS Tân Phú (Đồng Xoài) - Ảnh: K.B
Tại sao người trẻ ít đọc sách hoặc chỉ đọc theo kiểu trích đoạn, tóm tắt? Thật đơn giản, lối sống nhanh khiến người trẻ không có đủ thời gian để nghiền ngẫm những cuốn sách dày hàng ngàn trang. Hơn nữa, những người trẻ thường sở hữu trình độ công nghệ thông tin cao, chỉ cần vài phút vào internet đã thu được rất nhiều thông tin, kiến thức, đâu cần phải đọc hàng trăm trang giấy mới có được. Tuy nhiên, khả năng ghi nhớ thông tin trên internet thường thụ động, thiếu độ sâu về cảm xúc nên không giúp được các bạn trẻ sáng tạo.
Ở nước ta, trong tất cả cấp học, từ phổ thông đến đại học, ngành giáo dục - đào tạo chưa nghĩ đến việc hướng dẫn học sinh, sinh viên có thói quen đọc sách, lựa chọn sách và cách đọc sách. Ba yếu tố: thói quen đọc, khả năng lựa chọn và cách đọc hợp thành cốt lõi của cái mà chúng ta gọi là văn hóa đọc. Trong khi đó, ở các nước tiên tiến, người ta dạy trẻ em những điều này từ khi còn nhỏ và cứ liên tục cho đến khi vào đại học. Đối với một con người, sự học không chỉ dừng lại ở trường phổ thông, mà phần rất quan trọng là tự học. Và trong việc tự học thì đọc sách là quan trọng nhất.
Một nguyên nhân nữa khiến người trẻ không mặn mà chuyện đọc sách là bởi chất lượng nội dung sách ngày càng giảm sút, nhất là sách văn học. Nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình ngày càng nhiều, số lượng tác phẩm ngày càng nhiều nhưng những tác phẩm sống được với thời gian thật hiếm. Ngày trước, cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm nhưng ai cũng khát khao đọc sách. Còn bây giờ, sách báo tràn ngập khắp nơi nhưng hình ảnh những hành khách chăm chú vào từng trang sách báo để giết thời gian trên tàu, xe hay những trẻ mục đồng chăm chú đọc sách trên lưng trâu đã trở thành chuyện hiếm!
Từ thực trạng nói trên, trào lưu Book bucket challenge trong giới trẻ càng cần được nhân rộng. Thật đáng mừng là trong năm 2015, cùng với trào lưu thử thách đọc sách lành mạnh, Tập đoàn Trung Nguyên phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã xây dựng Tủ sách đổi đời. Hoạt động này với mục tiêu trao tặng 100 triệu cuốn sách cho 23 triệu thanh niên Việt cùng nhiều tầng lớp khác trong xã hội. Với mong muốn thông qua những cuốn sách quý báu, đúc kết công thức thành công từ kho tàng kiến thức nhân loại để trao tặng các bạn trẻ, Trung Nguyên đã chọn lựa 5 quyển sách đổi đời đưa vào tủ sách gồm Nghĩ giàu làm giàu, Quốc gia khởi nghiệp, Khuyến học, Đắc nhân tâm và Không bao giờ thất bại. Đây đều là những tác phẩm tiêu biểu với những câu chuyện, bài học thực tiễn đã làm thay đổi vận mệnh cho nhiều dân tộc, cá nhân trên thế giới trong nhiều thập kỷ qua. Việc làm ý nghĩa của Tập đoàn Trung Nguyên và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã nhận được sự quan tâm hưởng ứng của nhiều nhà hoạt động văn hóa. Trong Ngày Hội sách Việt Nam 2015, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Thư viện Quốc gia đã thăm nơi trưng bày và tham gia ký tặng những cuốn sách đổi đời của Tập đoàn Trung Nguyên cho những người có nhu cầu. Phó thủ tướng đánh giá cao ý nghĩa xã hội chương trình tặng sách của Trung Nguyên và khẳng định những cuốn sách này rất có ích cho các bạn trẻ Việt Nam. Đây chính là sự lan tỏa của những điều tốt đẹp.
Sách đã có từ hàng ngàn năm và nhân loại được như hôm nay một phần là nhờ ở sách. Cho dù phương tiện truyền thông phát triển đến mức độ nào thì việc đọc sách vẫn là một hành vi văn hóa không thể mất ở con người. Vì vậy, thử thách đọc sách thực sự là một trào lưu lành mạnh, đáng tự hào của giới trẻ.
Thảo Linh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065