BPO - Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) - cơ quan tiền phương ở miền Nam của Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) chính thức ra đời từ ngày 13-10-1960 (tính từ bản tin đầu tiên), là cơ quan trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam, đến tháng 6-1976 hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang khi sáp nhập với VNTTX thành TTXVN, hãng Thông tấn Quốc gia như ngày nay.
“Cái nôi” TTXGP là nơi thân tình đùm bọc, chở che, nuôi dạy tôi từ bước đi chập chững vào nghề viết lách đến khi trở thành phóng viên tin chuyên nghiệp và trưởng thành về mọi mặt: đạo đức, lối sống, đặc biệt được rèn luyện lòng dũng cảm, đức hy sinh, tình yêu nước, chí căm thù, tinh thần khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ mà ở môi trường, hoàn cảnh khác khó có được.
Chuyện thường ngày ở chiến khu
Cuộc đời tôi gắn bó máu thịt với TTXGP suốt 35 năm (1964 - 1999), qua 5 đời Giám đốc: Lê Thanh Tụng, Võ Nhân Lý, Trần Thanh Xuân, Lê Quang Nghĩa, Lê Đại Nghĩa, trong đó có 11 năm ở chiến khu đấu tranh ác liệt với Mỹ ngụy trên mặt trận chính trị tư tưởng và trên cả chiến trường máu lửa: 2/3 thời gian ưu tiên lo việc “tồn tại”, công tác nghiệp vụ chỉ khoảng 1/3 thời gian còn lại.
Phóng viên thông tấn trên đường hành quân vào chiến trường năm 1973. (Ảnh Tư liệu) |
Phóng viên cũng như tất cả cán bộ công nhân viên, bất luận nam nữ, kể cả lãnh đạo đều phải tham gia đào hầm trú ẩn, đào giao thông hào, cất nhà để ở, đào giếng để có nước ăn uống, sinh hoạt, xây nhà ăn tập thể, xây hội trường để có nơi hội họp; đi tải gạo (có khi tải lúa về phải đóng cối xay xát), tải giấy cho nhà in, trồng rẫy để có rau xanh, tiếp phẩm thức ăn (thường là khô, mắm, bí đỏ, bột ngọt, đường ăn) cùng vài thứ nhu yếu phẩm. Tất cả công việc lao động nặng nhọc đều làm thủ công, trông cậy vào đôi vai và đôi chân vạn dặm. Sau thời gian ổn định, cơ quan tổ chức nuôi heo, gà (không được nuôi gà trống vì có tiếng gáy sợ bị lộ căn cứ), đi tát suối, làm sa, bắt cá, làm bẫy bắt thú rừng để cải thiện bữa ăn và tổ chức liên hoan những ngày lễ, Tết. Còn một việc quan trọng nữa là tổ chức lực lượng tự vệ và đội du kích có vũ trang sẵn sàng chống địch càn bảo vệ căn cứ.
Những lúc địch càn quét kéo dài, không đi tiếp phẩm được, quản trị nhà bếp và chị nuôi có sáng kiến hái trái gùi, trái bứa chín vàng là những nguyên liệu hậu cần tại chỗ và chế biến thành thức ăn: Ruột gùi kho muối thành món mặn, vỏ bứa chua chua xắt ra làm dưa chua, ruột bứa nấu canh ăn đắp đổi được năm bảy ngày. Nếu có đậu phộng (lạc) rang muối gọi là “bom bi” cũng cầm cự được cả tuần lễ.
Cực nhất là những lần dời căn cứ bị xáo trộn mọi sinh hoạt, trừ việc phát tin phải giữ vững mệnh lệnh “Dòng điện không bao giờ tắt” của TTXGP. Suốt thời gian trong chiến khu đã có tám lần dời cứ: Từ chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh) sang Mã Đà (Biên Hòa) rồi trở lại Dương Minh Châu, Cây Dầu Trời đánh, Sáu Cầu, sang Compong chàm, tỉnh biên giới giáp với tỉnh Tây Ninh (Campuchia), cuối cùng về lại Tây Ninh… đất mẹ. Vất vả nhất là anh em B8 điện đài phải khiêng vác máy nổ, lỉnh kỉnh dụng cụ đồ nghề, tất cả đều phải cõng trên đôi vai ngàn cân băng rừng, lội suối bất kể ngày đêm, mưa bão.
Lúc đó lương thực không còn, việc chạy lo cái ăn cho gần năm trăm người nơi xứ lạ rất gay go, tiền bạc lại thiếu. Bộ phận văn phòng cơ quan lại có sáng kiến, thay vì mua 1 kg gạo giá 5 ria (tiền Campuchia) thì mua bắp (ngô) hạt giá 1 ria/kg, số lượng tăng gấp 5 lần mới đủ trang trải. Mọi người hưởng ứng phong trào ăn bắp thay cơm, trừ người đau yếu, đau dạ dày. Mỗi sáng sớm, chị nuôi phát cho mỗi người một khẩu phần bắp hạt nấu chín còn nguyên vỏ đựng trong ca Mỹ. Cánh phóng viên vừa ăn vừa viết tin.
Khoảng tháng sau, cuộc sống cũng được cải thiện. Cơm ăn có độn khoai lang, khoai mì, đậu xanh, tối đỡ xót ruột. Gian khổ như vậy, nhưng Ban Biên tập vẫn họp giao ban tin buổi sáng, chiều sinh hoạt văn nghệ, chủ nhật hàng tuần đi xem văn công biểu diễn ở Hội trường Ấp Bắc. Mọi người luôn làm việc hết mình vì ai cũng nhớ: TTXGP là cơ quan phát ngôn chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. TTXGP là cơ quan đầu tiên đã phát đi toàn bộ văn kiện của Mặt trận, của Chính phủ Cách mạng ra cả nước và thế giới. Bản Tuyên bố 10 điểm của Mặt trận có tác dụng khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước của toàn dân dưới ngọn cờ đại nghĩa của Mặt trận. TTXGP đã phát hành ba loại bản tin: Đỏ (phổ biến), Xanh lá (tham khảo), Nâu (tham khảo đặc biệt) để phục vụ các cấp lãnh đạo. TTXGP được Trung ương cục miền Nam tặng 16 chữ vàng: “Cần Cù Dũng Cảm, Tự Lực Cánh Sinh, Khắc Phục Khó Khăn, Hoàn Thành Nhiệm Vụ”, được tặng thưởng Huân chương Thành Đồng hạng Nhì, Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Võ trang nhân dân - thời kỳ chống Mỹ cứu nước - cùng với TTXVN. 49 cán bộ được nhận Huân chương Độc lập từ hạng Nhất, Nhì, Ba cùng hàng trăm Huân chương Kháng chiến các hạng cho hầu hết cán bộ công chức của cơ quan (sau giải phóng).
Trong lao động, công tác vất vả cũng có mấy mẩu chuyện vui động viên “tinh thần chiến sĩ”. Số là chi đoàn thanh niên kêu gọi các đoàn viên bẻ lá cây trung quân mọc rải rác trong rừng về lợp nhà cho cặp vợ chồng sắp cưới. Có anh chị mới quen thân nhau trong giai đoạn “tìm hiểu” xung phong đi cùng các bạn. Mỗi người tỏa ra đi một hướng để tìm. Có lẽ vì chưa quen, lại đang lúc vừa tâm tình vừa bẻ lá, nên dễ lầm lẫn giữa loại cây trung quân mọc thẳng rất giống cây cù đèn nên bẻ hết cả hai. Về nhà mới ngớ ra trong số lá mình hái có một phần là lá cù đèn, có mùi hôi, giòn, dễ cháy, không dùng được. Anh em đùa vui cho rằng đây là sản phẩm của “mối tình cù đèn”. Và ít năm sau hai anh chị cũng kết thành vợ chồng.
Còn một mối tình nữa gọi là “mối tình cà-rem”. Có anh bạn muốn đi thăm người bạn gái đang nằm ở bệnh xá B14 (mật danh bệnh xá Ban Tuyên huấn) nhưng trong rừng không có gì để làm quà. May là trên đường đi anh gặp người bán cà-rem, anh vội mua mấy que giấu cẩn thận trong lon guigoz đậy kín, tức tốc cuốc bộ ra bịnh viện. Sau hơn tiếng rưỡi đồng hồ mới tới nơi, anh hồ hởi mở nắp lon lấy quà tặng. Hỡi ơi! Chỉ còn mấy que tre và một phần nước đường mát lạnh. Tuy người nhận rất cảm động và hết lời cảm ơn, nhưng anh vẫn thấy thế nào ấy: Một kỷ niệm khó quên trong đời.
Chiến trường là nơi rèn tâm trí
Đi chiến trường là công tác độc lập, tức không có lãnh đạo chỉ dẫn, không có đồng đội giúp đỡ kịp thời như ở cơ quan. Tôi có ba lần công tác độc lập, lại là phụ trách Tổ công tác, mọi sự thành bại đều do mình quyết định. Tổ trưởng Tổ tin, ảnh, báo vụ của TTXGP đi chiến dịch Đông Xuân 1965 - 1966 với Công trường (sư đoàn) 5 hoạt động vùng Bà Rịa, Bình Thuận. Tin thắng trận Võ Xu (Bình Thuận), Tầm Bó (Bà Rịa) được Tổ đưa nhanh, đài Giải phóng phát khi bộ đội còn chưa về đến căn cứ đóng quân. Cán bộ chiến sĩ rất quý, mời tổ TTX ăn Tết, liên hoan với bộ đội. Tổ điểm báo Sài Gòn đã điểm tin phục vụ công tác tuyên truyền ủng hộ phong trào sinh viên, học sinh và công nhân lao động Sài Gòn bị địch đàn áp, thiệt hại nặng nề sau chiến dịch tổng tấn công Tết Mậu Thân của ta. Tôi lại được phân công phụ trách tổ phóng viên tin, ảnh, báo vụ, kỹ thuật viên sửa chữa, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh về giải phóng Sài gòn - là Tổ đầu tiên của TTXGP xuất phát từ đầu tháng 4-1975. Chiều 30-4, Tổ có mặt tại Sài Gòn, tối đó điện tin đầu tiên “Sài gòn sau vài giờ giải phóng”. Sáng hôm sau, điện tiếp bài “Sài Gòn, 1 tháng 5” (báo Nhân dân có đăng lại với tít “1 tháng 5 Sài Gòn”). Sau đó, tôi đưa tiếp một số bài về Sài Gòn sau những ngày đầu giải phóng, v.v…
Rất may, sau ba lần phụ trách các Tổ đi chiến trường, tôi luôn vận động anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ, tuyệt đối bảo đảm an toàn tính mạng của anh em.
Sau giải phóng, dù phụ trách Phân xã Sài Gòn, dù làm phóng viên Tổ chuyên đề, làm Trưởng phân xã Sông Bé hay làm Trưởng phòng quản lý phân xã B2 kiêm trợ lý nghiệp vụ cho Giám đốc cơ quan đại diện TTXVN tại TP.HCM, dù ở đâu làm công tác gì tôi cũng hết lòng, nghĩ ra sáng kiến để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tự hào TTXGP
Chính nhờ làm phóng viên mà tôi được đau nỗi đau của bà mẹ Việt Nam anh hùng có 8 người con liệt sĩ, hiểu được sức chịu đựng bền bỉ, bất khuất của người tù chính trị chấp nhận hy sinh thân mình để bảo vệ lý tưởng của Đảng, thấy đức hy sinh cao cả của người chiến sĩ dồn căm thù lên họng súng lưỡi lê quyết sống mái với quân thù, nhất là các chiến sĩ biên cương hải đảo âm thầm ngày đêm lấy máu mình bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng. Xót xa biết mấy, sau 40 năm giải phóng, hiện còn hàng vạn liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, 30% danh sách liệt sĩ ở nghĩa trang các tỉnh, thành miền Nam là quê miền Bắc - trong đó có 33 liệt sĩ của TTXGP góp phần. Thấm thía được sự mất mát đau thương to lớn của cuộc đấu tranh giải phóng cả dân tộc mới thấy giá trị vô giá của độc lập tự do hôm nay. Tôi tự hào vì TTXGP đã có mặt trong giai đoạn lịch sử hào hùng vừa qua.
Nguồn TTXVN
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065