Chỉ còn ít ngày nữa, lễ khai mạc Sea Games 2013 sẽ được diễn ra tại Naypyidaw (thủ đô mới của Myanmar). Hiện các cơ quan báo chí, truyền thông quốc tế, trong đó có Việt Nam đã có mặt tại Myanmar để kịp thời truyền tải những thông tin của Sea Games 2013. Báo Bình Phước xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết của ông Phan Minh Hoàng, Giám đốc Đài PT-TH Bình Phước trong chuyến đi “tiền trạm” mới đây tại nước chủ nhà Sea Games 27.
Nhìn trên bản đồ Đông Nam Á, Myanmar có dáng dấp như một bông hoa xòe. Myanmar nằm về phía đông bắc bán đảo Tây Nam với diện tích 766.581km2, thủ đô cũ là Yongon nằm sát đài hoa và sát biển. Thủ đô mới Naypyidaw hiện nay đã và đang được xây dựng hoàn thiện nằm sâu giữa bông hoa cách thủ đô cũ 460km về phía Bắc. Dân số Myanmar khoảng 60 triệu người với 135 dân tộc, trong đó dân tộc Myanmar chiếm 65% với 80% dân số theo đạo Phật. Ngôn ngữ chính của Myanmar là tiếng Myanmar. Các trung tâm Phật giáo tập trung tại các thành phố lớn như Yongon, Mandalay, Bago.
Thành phố Yogon của Myanmar
Ở đất nước giàu tiềm năng kinh tế nhưng thường xuyên bị cấm vận, tài nguyên khoáng sản chưa được khai thác nên đời sống người dân Myanmar còn khó khăn và cơ cực. Tuy vậy, người Myanmar sống đôn hậu, chân tình và hiếu khách... Họ có thể chấp nhận cái nghèo, cái khó nhưng không thể bỏ được tập tục truyền thống vốn có từ ngàn đời như ăn thẳng, nói thật, lấy tư tưởng Phật giáo làm kim chỉ nam cho mọi hành động, ứng xử trong cuộc sống.
Vì thế, truyền thống văn hóa từ xa xưa vẫn còn hiện hữu ở đất nước Myanmar xinh đẹp này. Trước tiên phải nói đến văn hóa Thanakha trên khắp nẻo đường của đất nước Myanmar. Những chàng trai, cô gái với những vệt trắng thanakha là hình ảnh rất bình thường. Thanakha là loại cây mọc tự nhiên trong rừng, theo người dân Myanmar chất liệu từ loại cây này có tác dụng chống nắng và làm đẹp. Vì thế, khi phát hiện ra loại cây này người dân đã coi đây là một loại thần dược để giữ gìn làn da của mình.
Đặc biệt hơn hết là nền văn hóa Đạo giáo đã đi vào tim, vào óc người dân Myanmar. Người dân có thể nhịn đói, nhịn khát nhưng không thể không đi chùa lễ phật, cúng phật hàng ngày. Ở Myanmar đi từ thành phố đến nông thôn đều thấy sự hiện diện của các sư sãi, chùa chiền. Ở thủ đô và các thành phố lớn chùa chiền được xây dựng quy mô, ở nông thôn thì nhỏ hơn. Có thể nói, phật trời là sư sãi, là đấng linh thiêng luôn ngự trị trong tim người dân Myanmar... Vui buồn, hoan hỉ, làm ăn thành đạt hay không thì chùa chiền luôn là nơi người dân đến tìm sự bình an, thanh thản. Nghèo là thế, miếng ngon, vật lạ, kể cả những đồng tiền ít ỏi cũng dành dụm để đến cúng chùa hoặc sư sãi. Chính từ đức tin này mà hệ thống chùa chiền trải rộng và phát triển khắp đất nước Myanmar.
Shwedagon là một trong những ngôi chùa đầu tiên của nhân loại dù không ai biết niên đại thực sự của chùa. Trước khi ngôi chùa được xây dựng ở đồi Singuttara (thủ đô Yongon), địa điểm này được coi là đất thánh vì lưu giữ thánh tích của 3 vị phật tử. Truyền thuyết kể rằng, đã gần 5.000 năm trôi qua kể từ khi đức Phật xuống trái đất và đồi Singuttara sẽ không còn linh thiêng nếu không có được di vật của một vị phật mới. Để tìm kiếm di vật đó, vua Okkalapa đã dành rất nhiều thời gian để thiền tịnh và cầu nguyện trên đỉnh đồi. Cuối cùng phép màu đã hiện ra: 8 sợi tóc của phật đã xuất hiện tại đây. Để thờ thánh tích này, rất nhiều chùa đồng, bạc, thiếc, đá, sắt và vàng đã được xây dựng chồng lên nhau. Sau nhiều thế kỷ trôi qua, nhiều truyền thuyết và cả sự thật, ngôi chùa ngày nay cao 98m. Chùa Shwedagon được trùng tu nhiều lần sau những trận động đất. Hình dáng chùa hiện nay được xây lại sau trận địa chấn năm 1786. Kiến trúc của Shwedagon rất đẹp, những điểm làm nên sức hấp dẫn của chùa là ánh vàng rực rỡ mà công trình tỏa ra. Tầng dưới của chùa được dát bằng 8.688 lá vàng, tầng trên dát 13.153 lá vàng, trên đỉnh tháp gắn 5.488 viên kim cương, 2.317 viên ngọc ruby, saphire và các loại đá quý khác. Có 1.065 chuông vàng và trên đỉnh là 1 viên kim cương 76 cara. Tháp Shwedagon hàng ngàn năm tuổi, tọa lạc trên đồi Shwedagon toàn thân được dát 500kg vàng nên bất cứ ngày hay đêm, từ vị trí nào trong thành phố cũng có thể nhìn thấy ngọn tháp này tỏa ánh hào quang rực rỡ. Ngôi chùa này xứng đáng là niềm tự hào và trái tim Yongon.
Ngoài chùa Shwedagon ở Yongon, ở quận Thaton, tỉnh Mon còn có chùa Kyaiktiyo (chùa đá vàng) là một trong 3 nơi hành hương nổi tiếng nhất Myanmar, nằm cách Yongon gần 300km, hòn đá vàng nằm ở độ cao 1.100m so với mặt nước biển. Ngôi chùa nhỏ bé Kyaiktiyo tạo nên quần thể di tích vô cùng độc đáo bởi sự chênh vênh, chỉ tiếp xúc với núi vỏn vẹn 78cm và bề mặt được dát vàng. Chùa Kyaiktiyo được xây dựng vào năm 574 trước Công nguyên và được xem như một trong những kỳ quan của vùng Thaton.
Myanmar được chia thành 7 bang và 7 vùng hành chính, Bago cũng là một trong 7 vùng hành chính như vậy, cách Yongon 80km, từng là một kinh đô cổ. Bago cổ trong truyền thuyết kể rằng trước đây nơi này chỉ toàn là nước. Ngày ấy đức Phật cùng các môn đệ của mình bay qua vùng Đông Nam Á, trên hành trình của mình (trên đường về) qua vùng Hanthawaddy ngài thấy hiện ra đôi chim công vàng trên mặt nước khi thủy triều rút xuống, có một mỏm đá nhô lên chỉ đủ chỗ cho đôi chân chim, vì thế con trống phải cõng con mái trên lưng. Trước hiện tượng lạ thường này, đức Phật tiên đoán vùng nước ấy sau này sẽ trở thành vương quốc. Quả nhiên, sau 1.500 năm bùn lầy đã đùn lên thành đất liền và đặt tên cho nó Hanthawaddy mà sau này là Pegu, rồi Bago - đôi chim Hamsh sau được tạc tượng tại nhiều ngôi chùa, đặc biệt là chùa Hinthakon tọa lạc trên đỉnh đồi, chỗ được coi là mỏm đá nhô ra mặt biển làm nơi neo đậu của đôi chim Hamsh. Từ đó hình tượng chim Hamsh mái đậu trên lưng con trống cũng trở thành biểu tượng của Miến Điện (1943-1975). Ngày nay, đôi chim Hamsh được in hình trên quốc kỳ Myanmar.
Đất nước Myanmar tươi đẹp, giàu tài nguyên khoáng sản đang khép mình như một nàng công chúa ngủ trong rừng chờ người đánh thức.
Minh Hoàng
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065