Tục cà răng: Trước đây, khi trẻ em S’tiêng từ 15 tuổi trở lên là lúc đã mọc hết răng thì bắt đầu tiến hành nghi lễ cà răng. Thời gian cà răng là sự thử thách lớn đối với người thực hiện, nhưng đây cũng là cách đánh dấu sự trưởng thành của người S’tiêng. Người S’tiêng cho rằng, nếu con gái không cà răng thì sẽ không được hạnh phúc trong hôn nhân, gia đình; người con trai trải qua quá trình cà răng thành công sẽ được cộng đồng khen ngợi, đánh giá là dũng cảm và có khả năng bảo vệ thôn làng khi có thú dữ, kẻ thù tấn công.
Tục cà răng, căng tai, ăn trầu còn lưu giữ ở những người S’tiêng lớn tuổi
Tục căng tai: Căng tai chủ yếu thực hiện đối với phụ nữ S’tiêng. Khi đứa trẻ tầm 5 đến 6 tuổi là thời điểm tiến hành căng tai thuận lợi nhất. Sau khi căng tai xong người ta sẽ dùng những sợi chỉ đỏ buộc vào lỗ tai, rồi sau thay bằng cỏ tranh khô, tiếp đến là ống lồ ô hoặc ống tre có kích thước lớn dần. Đến một kích cỡ nhất định, ống tre được thay thế bằng ngà voi có kích cỡ to nhỏ tùy thuộc kinh tế mỗi người và là sự đánh giá mức độ giàu sang của chủ nhân đeo nó.
Người S’tiêng quan niệm, nếu không căng tai về già sẽ không sáng suốt, minh mẫn và căng tai là biểu hiện của cái đẹp. Khi người đeo ngà voi có kích cỡ lớn đến độ làm đứt tai họ sẽ làm lễ ăn mừng, vì đây là điềm lành cho gia đình và cũng thể hiện sự giàu sang của chủ nhân. Lễ ăn mừng được tổ chức theo điều kiện của từng gia đình, có nhà làm trâu ăn mừng suốt mấy ngày đêm; hộ kinh tế không khá bằng thì làm con gà, con heo... để cúng ông bà, trời đất và mời anh em trong dòng tộc.
Tục ăn trầu: Trước đây, trầu được người S’tiêng ăn hằng ngày và trong dịp lễ hội của cộng đồng. Tuy nhiên, cách thức ăn trầu của người S’tiêng có sự khác biệt là lá trầu được ăn với vỏ cây có vị chát cùng cau khô. Trong đời sống hằng ngày, người S’tiêng cũng có phong tục mời trầu khi khách đến nhà chơi hoặc cùng làm việc trên nương, rẫy. Điều này thể hiện cách ứng xử trong giao tiếp, tình cảm của người S’tiêng với dòng họ, cộng đồng bon sóc. Ăn trầu còn giúp đàn ông, phụ nữ làm đẹp, chắc răng.
Tục chia của cho người chết: Theo quan niệm của người S’tiêng, con người chết là chưa hết mà chỉ từ thế giới này sang thế giới khác. Những người chết đi là trở về với giàng, về với thế giới bên kia. Chính vì vậy, các vật dụng của người chết sẽ được chôn cất hoặc hỏa táng theo họ. Nếu là vật dụng nhỏ thì được bỏ ngay vào quan tài trước khi đưa đi chôn; vật dụng lớn thì đem ra phần mộ hỏa táng sau khi chôn cất xong. Chỗ nằm trước đây của người S’tiêng đã mất sẽ được dỡ bỏ phần mái, phần sàn, hoặc phá bỏ luôn cả ngôi nhà. Việc ma chay xong xuôi mới tiến hành dựng mới hoặc sửa lại nhà.
Ngày nay, chúng ta đang xây dựng một xã hội tiến bộ, một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vì vậy các tập tục không phù hợp sẽ bị loại bỏ. Hiện các tập tục như cà răng, căng tai... chỉ còn ở những người lớn tuổi. Họ là nhân chứng cho các luật tục xưa của cộng đồng. Luật tục chia của cho người chết cũng được cộng đồng người S’tiêng Bình Phước lược bỏ các quy định lạc hậu để việc tang ma văn minh hơn.
Đinh Nho Dương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065