Cần phản ánh sâu hơn về tình hình chất vấn và trả lời chất vấn trong Đảng thời gian qua. Trong ảnh: Các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh, nhiệm kỳ 2015-2020 (ảnh minh họa) - Ảnh: S.H
Về kết cấu báo cáo
Kết cấu như trong dự thảo rất logic, phản ánh rõ nét từng lĩnh vực, từ kết quả thực hiện, nguyên nhân đạt và chưa đạt, cho đến phương hướng nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, với bố cục gồm 3 phần rõ rệt như trong dự thảo (phần thứ nhất: ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI LẦN THỨ IX CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH; phần thứ hai: PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP; phần thứ ba: TỔ CHỨC THỰC HIỆN) cần được xem lại. Vì bản dự thảo là báo cáo, bản chất của báo cáo là đánh giá kết quả đã thực hiện trong một thời gian, một giai đoạn nhất định và đề ra phương hướng, nhiệm vụ thực hiện trong thời gian tới, chứ không có phần tổ chức thực hiện, phân công nhiệm vụ. Việc có một phần “TỔ CHỨC THỰC HIỆN” chỉ có trong nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch... Tại đại hội, một trong những nhiệm vụ quan trọng là trên cơ sở báo cáo chính trị, các đại biểu sẽ thảo luận và thông qua nghị quyết đại hội, là văn bản pháp lý cao nhất của Đảng bộ trong nhiệm kỳ, trong đó có đánh giá khái quát kết quả thực hiện nhiệm kỳ trước, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong nhiệm kỳ tới gắn phân công nhiệm vụ. Do vậy, nên cắt bỏ phần thứ ba “TỔ CHỨC THỰC HIỆN” như trong dự thảo báo cáo chính trị và chỉ nên giữ lại đoạn văn cuối cùng trong phần này để thay cho lời kết của báo cáo chính trị.
Nội dung báo cáo
Trang 5, đoạn thứ 3 viết: “Thực hiện đồng bộ nhiều chính sách giải pháp tạo việc làm, thu nhập cho người lao động...”. Dùng cụm từ “chính sách giải pháp” khiến người đọc khó hiểu. Để rõ ý hơn thì lựa chọn một trong hai “chính sách” hoặc “giải pháp”. Về thực chất, để thực hiện được một chính sách thì buộc phải đề ra các nhiệm vụ, giải pháp.
Trang 6, đoạn thứ hai viết: “Thủ tục hành chính thường xuyên được rà soát, đơn giản hóa theo hướng rút ngắn thời gian giải quyết, công khai, minh bạch...”. Tuy nhiên, đến trang 12, dòng thứ nhất và thứ hai (phần hạn chế, yếu kém) lại phủ nhận điều này, khi đánh giá “Thủ tục hành chính nhiều lĩnh vực còn phiền hà, chưa đảm bảo công khai, minh bạch”. Do đó, cần xem lại phần kết quả đạt được và phần đánh giá ở nội dung này, vì không thể cùng một vấn đề lại có hai sự nhìn nhận trái chiều như thế. Mặt khác, để rõ nghĩa, cần thêm cụm từ “đảm bảo” vào trước cụm từ “công khai, minh bạch”, chứ viết “...rút ngắn thời gian giải quyết, công khai, minh bạch...” ngay cả người trong ngành cũng khó hiểu được.
Trang 8, đoạn thứ 5 viết: “Công tác chất vấn và trả lời chất vấn trong Đảng; việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm theo quy định tại Quyết định số 262-QĐ/TW được thực hiện nghiêm túc, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần củng cố, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng”. Đây là nội dung quan trọng, thể hiện dân chủ trong Đảng được cán bộ, đảng viên đặc biệt quan tâm. Vì vậy, cần phản ánh sâu hơn về tình hình chất vấn và trả lời chất vấn trong Đảng thời gian qua. Để từ đó có cơ sở đưa ra nhận xét còn hạn chế ở trang 12 “tác dụng và hiệu quả của việc chất vấn trong Đảng chưa được phát huy”.
Trang 9, mục 1 có tiêu đề “Tốc độ tăng tưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu ngân sách tuy ở mức cao, tích cực nhưng không đạt theo chỉ tiêu đề ra;...”. Kết quả thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhiệm kỳ vừa qua, ngành nông - lâm nghiệp giảm 8,7%, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 5,9% và ngành thương mại - dịch vụ tăng 2,8%. Ngay đoạn thứ nhất của mục 1 này cũng đánh giá “cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm so với mục tiêu đề ra”. Vì vậy, đề nghị sửa lại tên tiêu đề.
Trang 11, mục 4 đánh giá hạn chế, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa - xã hội nhưng không thấy nêu tồn tại của ngành giáo dục. Một trong những nội dung được quan tâm nhất trong lĩnh vực này là giáo dục - đào tạo. Trong 5 năm qua, tỉnh đặc biệt quan tâm đến vấn đề này và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên không thể không còn có những hạn chế, khuyết điểm cần phải chỉ tên để nhiệm kỳ tới tập trung thực hiện tốt hơn. Vì vậy, đề nghị xem xét, bổ sung phần đánh giá của lĩnh vực quan trọng này vào dự thảo báo cáo chính trị.
Trang 13, nguyên nhân hạn chế, yếu kém thứ 5 “Vai trò lãnh đạo của Đảng, nguyên tắc tập trung trong sinh hoạt đảng...”. Để rõ nghĩa, đề nghị ghi rõ là “nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng”.
Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp: Tốc độ tăng tưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2016-2020 là 7,5%/năm. Theo tôi chỉ tiêu này đề ra là thấp. Vì trong nhiệm kỳ qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội do các yếu tố khách quan, song tỉnh ta vẫn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 10,8%/năm. Bình Phước đang trên đà phát triển mạnh, vì vậy, nên xem xét, nâng chỉ tiêu này.
Việc phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng. Tuy nhiên công tác này gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, đề nghị đưa ra chỉ tiêu thực hiện cụ thể gắn với giải pháp để tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền và doanh nghiệp ngay từ đầu nhiệm kỳ.
Trang 19, triển khai chương trình đô thị hóa có đề ra “Xây dựng thị xã Đồng Xoài...; các thị xã Bình Long, Phước Long với vai trò là trung tâm của khu vực tạo thành hệ thống các đô thị có vai trò trung chuyển, hỗ trợ, kéo theo vùng phụ cận phát triển”. Từ thực tế tiềm năng của các huyện, thị, hai huyện Chơn Thành và Đồng Phú đã và đang được tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển trở thành các huyện công nghiệp, nhất là Chơn Thành có vị trí địa lý thuận lợi và nhiều tiềm năng bứt phá về công nghiệp - thương mại - dịch vụ trong nhiệm kỳ tới. Vì vậy, nên xác định đưa huyện Chơn Thành vào chương trình để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.
Về kỹ thuật trình bày
Tên một số mục không nên dùng giới từ “các” ở trước như mục I. CÁC KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC (trang 1), mục II. CÁC HẠN CHẾ, YẾU KÉM (trang 9) vì thừa, mà chỉ cần ghi “KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC”, “HẠN CHẾ, YẾU KÉM” là được, bởi bản thân các cụm từ này đã phản ánh số nhiều.
Trang 8, mục 8 “Công tác dân vận...; dân chủ được phát huy, quyền và nghĩa vụ của công dân được tôn trọng”, nên đưa “dân chủ được phát huy” đứng sau “quyền và nghĩa vụ của công dân được tôn trọng”, bởi thể hiện rõ mối quan hệ nguyên nhân, kết quả.
Trong báo cáo chính trị, có một số kỹ thuật trình bày không thống nhất. Dễ thấy nhất là khi diễn giải, liệt kê, sau dấu “;” có lúc viết chữ in hoa, có lúc viết chữ in thường (ví dụ đoạn văn 1, 3, 4 trang 5) hay cụm từ “nhân dân”, có lúc thì chữ “nhân” viết hoa (Nhân), lúc thì lại viết thường (trang 5, trang 23...).
Nhật Hạ
(Chữ in nghiêng là trích nguyên văn dự thảo)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065