BP - Theo Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền công dân, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền lợi của công dân đã nêu rõ, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được pháp luật bảo vệ. Nếu những quyền này bị xâm phạm thì công dân có quyền yêu cầu tòa án đòi lại công bằng. Trong Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành cũng quy định rõ, mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Cụ thể, tại Điều 14 của Hiến pháp năm 2013 quy định như sau: Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Và quy định về nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự, tại Điều 9 của Bộ luật Dân sự 2015 có quy định cụ thể như sau: Tất cả các quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Khi quyền dân sự của một chủ thể bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của bộ luật này hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền: Công nhận quyền dân sự của mình; Buộc chấm dứt hành vi vi phạm; Buộc xin lỗi, cải chính công khai; Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; Buộc bồi thường thiệt hại. Quy định về quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tại Điều 4, Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành quy định cụ thể như sau: Cơ quan, tổ chức, cá nhân... có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng...
Như vậy, từ Hiến pháp cho đến các bộ luật chuyên ngành đều quy định rất rõ quyền công dân, trong đó có quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi công dân. Thế nhưng quyền này đã và đang bị hạn chế bởi quy định về việc hủy kết quả bán đấu giá tài sản trong Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014. Cụ thể, tại Điều 102 của luật này quy định như sau: Việc hủy kết quả bán đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản; trường hợp kết quả bán đấu giá tài sản bị hủy thì việc xử lý tài sản để thi hành án được thực hiện theo quy định của luật này. Người mua được tài sản bán đấu giá, Chấp hành viên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, nếu có căn cứ chứng minh có vi phạm trong quá trình bán đấu giá tài sản. Việc xử lý hậu quả và bồi thường thiệt hại do kết quả bán đấu giá tài sản bị hủy được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 25-11-2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2015. Mặc dù được áp dụng vào thực tế cuộc sống nhưng nội dung của luật này đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, thậm chí có quy định trong Bộ luật Dân sự 2015, đặc biệt là với Hiến pháp năm 2013. Nội dung của bài viết dưới đây sẽ chứng minh cho điều này. |
Theo quy định nêu trên thì chỉ có người mua được tài sản bán đấu giá, chấp hành viên là có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, nếu có căn cứ chứng minh có vi phạm trong quá trình bán đấu giá tài sản. Trong khi đó, thực tế cuộc sống cho thấy, khi thi hành án dân sự về tài sản bị kê biên để bán đấu giá thì người phải thi hành án cũng có quyền và lợi ích trong tài sản bị thanh lý. Do đó, người phải thi hành án cũng phải có quyền khởi kiện kết quả bán đấu giá khi có đầy đủ cơ sở cho rằng việc bán đấu giá là trái pháp luật. Thế nhưng, trong nội dung Điều 102, Luật Thi hành án dân sự năm 2014 chỉ quy định người mua được tài sản bán đấu giá và chấp hành viên mới có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản.
Như vậy, điều luật trên vô tình đã tước bỏ quyền, lợi ích hợp pháp của người phải thi hành án dân sự, làm hạn chế quyền công dân. Rất mong cơ quan chức năng sớm có đề xuất giải pháp khắc phục hạn chế nêu trên nhằm đảm bảo tất cả quy định trong Hiến pháp và các luật chuyên ngành được thực thi nghiêm túc, chính xác, hiệu quả.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065