Khi Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ phát động khởi nghĩa, Phan Văn Lân là một trong những người nhiệt liệt hưởng ứng đầu tiên. Ông được anh em Tây Sơn tin cậy, giao việc chỉ huy quân đánh giặc. Trong sách “Tây Sơn lương tướng ngoại truyện” có thuật lại một giai thoại về ông xảy ra năm 1778, khá ly kỳ như sau: Bấy giờ, Nguyễn Nhạc mới chiếm được Quy Nhơn. Một nhà sư ở chùa Thiếu Lâm (Phúc Kiến, Trung Quốc) vượt biển đến theo. Nhà sư rất giỏi võ nghệ nên Nguyễn Nhạc lấy làm yêu quý lắm. Nghe tiếng của Phan Văn Lân, nhà sư bèn tìm tới tận dinh trại để xin gặp, nhưng Phan Văn Lân tránh mặt, không chịu ra.
Sau vì quân sĩ thúc giục mãi, Phan Văn Lân mới lặng lẽ đến xem nhà sư dạy võ. Thoáng thấy nhà sư, Phan Văn Lân đã bật cười. Không cần hỏi, nhà sư cũng biết đó chính là Phan Văn Lân và... nhà sư liền thách đấu với Phan Văn Lân. Phan Văn Lân thấy không thể từ chối được, bèn nói rằng: Muốn thử thì phải mời vị trưởng quan tới chứng giám và phải giao ước trước rằng, lỡ có chết cũng không được truy cứu trách nhiệm. Nhà sư đồng ý. Khi vào đấu, Phan Văn Lân rũ áo ngồi yên, còn nhà sư thì lao đến đá tới tấp. Phan Văn Lân chỉ hơi nghiêng mình, đưa tay đẩy nhẹ một cái, nhà sư bị tung lên cao rồi rơi xuống đất, đau đến gần chết.
Cũng trong cuốn sách này còn cho biết thêm một chuyện khác về võ nghệ của Phan Văn Lân như sau: Một lần, các tướng đưa Phan Văn Lân vào thành rồi đóng chặt cửa thành lại và vừa lạy vừa cung kính thưa với ông rằng: Nay cửa thành đã đóng, vào - ra đều không thể được, vậy xin tướng công thử võ cho xem. Bất đắc dĩ, Phan Văn Lân bảo các tướng lấy mấy hòn đá, mỗi hòn nặng đến mấy trăm cân, đem chồng lên nhau rồi nói rằng: Tôi chỉ là kẻ yếu đuối, vô dụng, chỉ xin thử 1 lần cho vui xem có được không. Nói rồi, Phan Văn Lân đưa sống bàn tay phải chém mạnh xuống, cả 3 hòn đá lớn đều bị vỡ làm đôi. Ai trông thấy cũng lấy làm kỳ lạ.
Tài ba, đức độ và sự khiêm tốn của Phan Văn Lân khiến quân sĩ rất thán phục. Thường khi có công lao ông đều quy hết cho người dưới quyền, còn mình chẳng hề màng đến. Đi suốt cuộc trường chinh chống cả thù trong lẫn giặc ngoài, Phan Văn Lân đã có nhiều cống hiến rất xuất sắc. Ông là người liên tục có mặt trong tất cả cuộc tấn công của quân Tây Sơn ra Bắc Hà.
Tháng 4-1788, sau khi giết chết Võ Văn Nhậm, Nguyễn Huệ thành lập một bộ chỉ huy quân đội Tây Sơn ở Bắc Hà, giao cho Ngô Văn Sở đứng đầu. Trong bộ chỉ huy đó có Phan Văn Lân. Với cương vị này, Phan Văn Lân là một trong những tướng lĩnh có công bàn định kế sách đối phó với quân xâm lược Mãn Thanh. Ban đầu, tuy ý kiến của Phan Văn Lân có phần khác hơn nhưng sau đó ông đã bình tĩnh lắng nghe và nhận ra sự đúng đắn của Ngô Thì Nhậm. Với một lòng vì nước, Phan Văn Lân đã ủng hộ một cách mạnh mẽ chủ trương đúng đắn của Bộ chỉ huy quân đội Tây Sơn ở Bắc Hà, tạm lui quân về Tam Điệp để chờ Nguyễn Huệ mang đại quân ra Bắc.
Trong trận quyết chiến chiến lược Ngọc Hồi - Đống Đa, Phan Văn Lân có vinh dự được cùng với các tướng lĩnh cao cấp khác như Ngô Văn Sở, Võ Văn Dũng... sát cánh với Quang Trung - Nguyễn Huệ chỉ huy đạo quân chủ lực đánh vào Hạ Hồi và Ngọc Hồi. Ông đã lập công xuất sắc, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của trận đánh lịch sử này. Nhờ công lao to lớn trong nhiều năm liên tục chiến đấu ngoan cường, Phan Văn Lân được Quang Trung - Nguyễn Huệ phong tới Đô đốc, tước Nội hầu.
Lời bàn:
Từ những sử liệu ít ỏi còn lưu truyền đến ngày nay cho thấy, Phan Văn Lân là người rộng lượng, khảng khái và quý trọng hiếu lễ với mọi người. Ông được cả chủ tướng và binh sĩ dưới quyền yêu mến. Vì thế, sử gia đương thời đã viết về ông như sau: Phan Văn Lân trí dũng hơn người, đánh giặc rất giỏi. Hễ được ban thưởng là đem hết ra để khao quân, không mấy khi nhắc đến việc nhà. Ông ra vào giản dị, chẳng khác người hầu. Quân Thanh khiếp sợ và gọi ông là “Phi tướng quân”, có nghĩa là vị tướng ở trên trời bay xuống. Mặc dù là một người có tài, song Phan Văn Lân luôn khiêm tốn và đây chính là cách thức chờ đợi thời cơ của một vị mãnh tướng.
Suốt sự nghiệp của nhà Tây Sơn từ chống thù trong đến tiêu diệt giặc ngoài, Phan Văn Lân đều trực tiếp tham chiến và có những đóng góp quan trọng, định đoạt một phần lịch sử dân tộc. Trong đó, công lao trước hết thuộc về tài năng và đức độ của Phan Văn Lân, song không thể bỏ qua tấm gương sáng vô cùng quý báu về việc tin cậy và sử dụng nhân tài vì lợi ích quốc gia của hoàng đế Quang Trung. Tiếc rằng, ngay sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã cho truy tận gốc, trốc tận rễ những danh tướng của nhà Tây Sơn. Vì thế, những võ công kiệt xuất cùng sự nghiệp phi thường của họ, trong đó có dũng tướng Phan Văn Lân đã nhanh chóng bị lãng quên.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065