BP - Hôm nay (4-7), thí sinh tiếp tục bước vào ngày cuối kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 với 2 môn thi Lịch sử và Sinh học. Theo ghi nhận từ Ban thư ký Hội đồng thi Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, kết thúc 3 ngày thi, Bình Phước có 3 thí sinh vi phạm quy chế thi. Trong đó có 2 trường hợp bị khiển trách vì trao đổi trong phòng thi; 1 trường hợp bị đình chỉ thi vì mang điện thoại vào phòng thi. Thí sinh dự thi đạt trên 98%. 3 môn thi bắt buộc gồm Toán, Văn và Ngoại ngữ có rất nhiều thí sinh vắng mặt. Đặc biệt môn Văn có 101 thí sinh vắng thi, môn Toán vắng 81 em, Ngoại ngữ vắng 40 em. An ninh trật tự tại các điểm thi được đảm bảo, cán bộ coi thi không vi phạm quy chế trong khi làm nhiệm vụ.
Thích thú với đề thi địa lý
Ngày 3-7, thí sinh dự thi 2 môn Địa lý và Hóa học. Kết thúc thời gian làm bài môn Địa lý (buổi sáng), thí sinh rời phòng thi với tâm trạng khá vui vẻ và phấn chấn. Tuy nhiên, buổi chiều thi môn Hóa học, nhiều thí sinh ra về lắc đầu vì đề thi quá khó.
Thi Địa lý, tại điểm Trường cao đẳng Công nghiệp cao su và Trường THPT Hùng Vương (Đồng Xoài) có khá đông thí sinh rời phòng thi sau 2/3 thời gian làm bài. Các em tỏ ra rất thoải mái, vui vẻ cùng nhau bàn luận sôi nổi và cho rằng đề thi môn Địa lý sát thực tế nên không gây khó khăn cho thí sinh.
Nhiều thí sinh đánh giá đề môn Địa lý hay, dễ và rời khỏi phòng thi sau 2/3 thời gian làm bài
Thí sinh Tôn Nữ Bảo Châu, học sinh Trường THPT Đồng Phú (Đồng Phú) nói: “Đề thi năm nay khá dễ và phù hợp với khả năng của học sinh. Nội dung câu hỏi tập trung ở kiến thức lớp 12. Đối chiếu đáp án, em làm đúng khoảng 70%. Điểm mới của đề thi môn Địa lý năm nay là bám sát các vấn đề thời sự như bảo vệ đa dạng sinh học, ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa đến kinh tế - xã hội Việt Nam, các khu kinh tế trọng điểm ven biển miền Trung, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long...”.
Thí sinh Lê Thị Yến Như cho biết: Đề thi có 4 câu. 30% làm bài tập, 20% câu hỏi yêu cầu dựa vào Atlat, 50% câu hỏi còn lại đòi hỏi thí sinh vận dụng kiến thức đã học để giải quyết vấn đề. Bởi vậy, học sinh trung bình vẫn dễ dàng làm được 6-7 điểm.
Nhiều thí sinh đánh giá đề thi môn Địa lý năm nay dễ hơn năm 2015 và có sự phân hóa cao. Câu 4 yêu cầu thí sinh “Phân tích những thế mạnh về nguồn nguyên liệu tại chỗ của ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm ở nước ta. Tại sao một số sản phẩm thuộc ngành này lại trở thành mặt hàng chủ lực của Việt Nam?”. Với câu hỏi này, ngoài kiến thức sách giáo khoa, đòi hỏi thí sinh phải có sự hiểu biết sâu rộng, nắm vững thông tin kinh tế trong nước.
Buổi chiều, thí sinh thi môn Hóa học theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút. Theo đánh giá của các thí sinh, đề thi môn Hóa học năm nay khó, đặc biệt là 20 câu cuối để phân loại thí sinh. Rất nhiều thí sinh ngồi hết giờ nhưng ra về với tâm trạng buồn vì không làm được bài.
Nguyễn Thanh Nghĩa, thí sinh dự thi tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Du (Đồng Xoài) nói: Đề thi môn Hóa rất khó. 30 câu đầu nhiều học sinh có học lực khá chưa chắc đã làm tốt, chưa nói đến 20 câu hỏi sau mức độ khó tăng dần và dành cho các bạn thi để xét đại học. Em làm đạt khoảng 50% câu hỏi.
Thầy Trần Thế Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, phụ trách cụm thi tại Bình Phước cho biết: Buổi sáng thi Địa lý, Bình Phước có 2.987 thí sinh dự thi, vắng 69 em, đạt 97,74%. Buổi chiều thi môn Hóa, có 4.208 thí sinh dự thi, vắng 39 em, đạt 99,08%. Buổi sáng có 1 thí sinh bị đình chỉ thi vì mang điện thoại vào phòng thi. Theo ghi nhận của phóng viên, đây là hai môn thi tự chọn nên rất nhiều điểm thi đóng cửa vì không có thí sinh dự thi.
Một mình một... phòng thi
Đó là trường hợp của thí sinh Dương Thị Thái, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (Bù Đăng) dự kỳ thi THPT quốc gia 2016 tại điểm thi Trường THPT Hùng Vương.
Thái bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não từ khi em học lớp 1. Di chứng để lại là những vết thương trên đầu; tay phải, chân phải của em bị run và co cứng. Để hỗ trợ thí sinh, hội đồng thi đã bố trí riêng cho Thái một phòng thi đặc biệt có nhiều giám thị hơn và đôi khi giám thị là “trợ lý” giúp em viết bài.
Thầy Hồ Viết Tiến, Trưởng điểm thi số 2 Trường THPT Hùng Vương nói: Tay phải, chân phải của em bị run không thể viết được. Muốn viết phải có người giữ tay. Thế nhưng, phải đến khi chuẩn bị làm thủ tục vào phòng thi môn đầu tiên chúng tôi mới biết trường hợp này và xin ý kiến hội đồng để lập phòng thi riêng. Trường THPT Hùng Vương đã bố trí cho chúng tôi phòng họp của Ban giám hiệu làm phòng thi cho Thái, rất thuận tiện trong việc đi lại của em”.
Tại môn thi đầu tiên (môn Toán), do bị động, không đủ giám thị nên hội đồng thi đã huy động 4 nữ thư ký vừa coi thi vừa thay phiên giữ tay cho Thái viết bài. Các môn thi còn lại, hội đồng thi bố trí 2 giám thị nữ hỗ trợ, gồm 1 giám thị của trường đại học và 1 giáo viên của tỉnh. Riêng môn Văn đòi hỏi phải viết nhiều, để tạo thuận lợi cho thí sinh, hội đồng thi đồng ý cho Thái đọc câu trả lời, các giám thị giúp em viết ra giấy. Để tránh trường hợp giám thị viết thêm, hội đồng thi còn có băng ghi âm đính kèm. Tất cả cán bộ coi thi, giám sát tại phòng thi đặc biệt đều đánh giá cao nghị lực, ý chí vươn lên trong học tập của Thái và luôn hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để em vững tin làm bài.
Trong suốt 3 ngày thi, Dương Thị Thái luôn phải có giám thị ngồi bên giữ tay để em làm bài hoặc đọc để giám thị chép giúp
Một số giám thị cho biết phải giữ chặt tay phải để Thái viết tay trái. Nếu không có người giữ, khi viết, toàn cơ thể của Thái sẽ rung lên, rất khó viết và viết sẽ chậm. Còn những môn thi cần vẽ hình, giám thị vừa phải giữ tay vừa giữ thước để em vẽ.
Thái cho biết, từ nhỏ em đã quen với việc luôn có giáo viên ở bên mỗi lần đi thi nên tại kỳ thi quan trọng này, mặc dù giám thị ngồi sát bên nhưng em vẫn khá tự tin và thoải mái làm bài. Đồng thời được thầy cô thăm hỏi thường xuyên và các anh chị tình nguyện viên giúp đỡ, em đã hoàn thành các môn thi tốt hơn nhiều so với dự tính.
Thái nói: Những năm tháng đến trường, các thầy cô luôn gần gũi, quan tâm đã “thắp” lên trong em mơ ước trở thành giáo viên. Em đã đăng ký vào khoa Địa lý, Trường đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Mong ước của em là được trở thành cô giáo dạy những bạn cũng bị khuyết tật như em”.
Thái sinh ra trong gia đình có 3 chị em. Chị gái đầu của Thái đã lập gia đình và có công việc ổn định tại tỉnh Đồng Nai. Năm 2013, cha mẹ Thái ly thân. Hiện nay, ba mẹ con Thái đang ở nhờ nhà ông bà ngoại tại xã Đức Liễu (Bù Đăng). Một mình mẹ Thái làm thuê nuôi hai chị em ăn học nên cuộc sống rất khó khăn. Để mẹ có thời gian đi làm kiếm tiền, Thái xin mẹ được đi thi một mình. “Mặc dù kết quả 12 năm đèn sách không cao nhưng em sẽ luôn nỗ lực học tập để có được công việc phù hợp, không trở thành gánh nặng cho gia đình” - Thái chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Châu phụ trách đội tình nguyện tại điểm thi Trường THPT Hùng Vương cho biết, ngay sau khi biết hoàn cảnh của Thái, đội thanh niên tình nguyện đã hỗ trợ tìm phòng trọ, bố trí người đưa đón trong những ngày em dự thi và dành cho em các suất cơm miễn phí.
Minh Luận
Làm bài thi trên giường
Tại thị xã Đồng Xoài, có một thí sinh được đặc cách “làm bài thi trên giường”. Đó là Phạm Thế Tài, số báo danh KSA006321, dự thi tại điểm Trường THPT Nguyễn Du, đường Lý Thường Kiệt, phường Tân Phú. Sáng 30-6, do quên giấy báo dự thi khi làm thủ tục nên Tài trở về nhà tại xã Tiến Hưng (Đồng Xoài) để lấy. Trên đường về, Tài đã va chạm với một người đi xe máy cùng chiều làm em bị gãy xương đùi. Ngay sau vụ tai nạn, nhóm thanh niên tình nguyện thuộc chương trình “Em tôi đi thi” trên địa bàn thị xã Đồng Xoài đã nhanh chóng hỗ trợ, đưa Tài đến Bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu. Các bác sĩ đã phẫu thuật cho Tài ngay trong ngày.
Tài chia sẻ: “Em đã rất lo sợ, tưởng chừng không thể tham gia kỳ thi nhưng khi các anh chị ở Thị đoàn Đồng Xoài vào động viên, thăm hỏi, đồng thời giúp em làm thủ tục dự thi nên em đã quyết tâm dự kỳ thi này”.
Dù vết thương ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý khi làm bài nhưng Tài vẫn rất lạc quan
Để giúp Tài dự thi, Thị đoàn Đồng Xoài đã liên hệ Bệnh viện đa khoa tỉnh chở em đến tận phòng thi, đồng thời nhờ một y tá thuộc Trung tâm Y tế thị xã túc trực ở ngoài trong thời gian em làm bài. Hội đồng thi tại Trường THPT Nguyễn Du đã phối hợp với Đoàn trường, đội thanh niên tình nguyện tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Du thiết kế cho Tài một bàn thi đặc biệt là chiếc giường xếp gắn thêm một bàn nhựa.
Ông Phạm Văn Tâm (cha của Tài) cảm động chia sẻ: “Nếu không có sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời và tận tình của Thị đoàn Đồng Xoài cũng như đoàn viên thanh niên thì con trai tôi khó có thể tham gia kỳ thi quan trọng này”.
Đức Hinh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065