Thưa tiến sĩ, một số doanh nghiệp chế biến hạt điều ở Bình Phước đang kêu vì lỗ, mạnh ai nấy làm... Vậy thực trạng sản xuất, chế biến hạt điều hiện nay của các doanh nghiệp ở Bình Phước như thế nào?
Bình Phước hiện có khoảng 157 ngàn ha điều, chiếm hơn 45% diện tích điều cả nước và chiếm trên 40% sản lượng điều thô toàn quốc. Những năm qua, cây điều được đánh giá là một trong những cây chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao, giải quyết việc làm ở tỉnh ta.
Sản xuất hạt điều ở Bình Phước đang mạnh ai nấy làm
Hiện toàn tỉnh có trên 30 nhà máy chế biến với tổng công suất 100 ngàn tấn hạt điều/năm. Tuy vậy, hầu hết các nhà máy này đều đang phải giảm công suất chế biến vì thiếu vốn. Bù lại, tình hình sản xuất, chế biến và kinh doanh hạt điều ở Bình Phước hiện đang chuyển rất nhanh và mạnh sang khu vực hộ gia đình với hàng ngàn cơ sở nhỏ, lò chẻ tư nhân, bóc tách tự phát... Điều này dẫn đến một nghịch lý là các nhà máy cỡ lớn và trung bình luôn bị nhiều ngành “quan tâm” và kiểm soát chặt chẽ, còn hàng ngàn hộ tự chế biến thì không ai để ý tới và cũng không phải nộp thuế vì không thuộc đối tượng ngành thuế quản lý. Chính vì vậy, đã và đang xảy ra một tồn tại là giá điều nguyên liệu tăng lên mỗi ngày, hiện đã ở mức 28 ngàn đồng/kg (cao hơn 3.000-5.000 đồng/kg), nhưng giá hạt điều thành phẩm chỉ tăng khoảng 1.000 đồng/kg so năm 2013, tương đương mức giá nguyên liệu khoảng 23 ngàn đồng. Với mức giá 28 ngàn đồng/kg nguyên liệu thì không một nhà máy nào có thể cân đối để có lợi nhuận.
Nhưng tại sao lại có những nghịch lý trên? Đó là do cơ cấu giá thành của các hộ gia đình, lò chẻ tư nhân, hộ chế biến cá thể thấp hơn nhiều so các nhà máy, các doanh nghiệp đã đăng ký với cơ quan cấp phép. Các cơ sở nhỏ lẻ đều không bị ràng buộc bởi các ngành quản lý, không phải nộp thuế và nhiều khoản phí, lệ phí, mức khấu hao do đầu tư dây chuyền, công nghệ, xử lý môi trường... rất thấp, lấy công làm lãi. Còn doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh, để làm ra một hạt điều thành phẩm thì quá nhiều khâu đầu tư, chi phí nhân công, bảo hộ lao động, bảo hiểm con người, y tế, ăn trưa, đóng góp xã hội... đồng thời có quá nhiều ngành quản lý dẫn tới chi phí sản xuất cao. Dù vậy, các doanh nghiệp chế biến, sản xuất hạt điều, vì việc làm của người lao động; thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp và là sản phẩm đặc thù của tỉnh... nên vẫn phải cố tồn tại.
Ông có thể chia sẻ nỗi niềm chung của các doanh nghiệp chế biến hạt điều khi có ý kiến cho rằng: Hiện có quá nhiều ngành đang tham gia quản lý hạt điều, nhưng chủ yếu “hành là chính”?
Hiện có khoảng 9-10 ngành đang quản lý một hạt điều là sự thật mà không phải bây giờ mới xảy ra và rất khó giải quyết vì cơ chế đã trao quyền cho họ.
Tôi không nói về ngành nông nghiệp quản lý người trồng điều từ đất đai, phân bón, giống như thế nào, nhưng sau khi hạt điều từ tay người nông dân đi vào cửa doanh nghiệp sản xuất và xuất ra thị trường thì quá nhiều ngành cùng quản lý. Tôi không phân tích sự cần và không cần, đúng và không đúng của các ngành quản lý hạt điều trong quá trình kinh doanh, chế biến và tiêu thụ như thế nào, nhưng tôi vẫn muốn nói rằng, các cơ quan này đã và đang “giẫm chân lên nhau” ở các doanh nghiệp. Ví dụ như, có đến 4 cơ quan, ban, ngành quản lý việc chăm lo sức khỏe cho người lao động. Đó là, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Quản lý an toàn thực phẩm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Trung tâm An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế). Họ đòi hỏi hồ sơ sức khỏe công nhân, hợp đồng lao động, giấy khám sức khỏe. Thế là, mỗi người tốn mất 50 ngàn đồng để có bộ hồ sơ mà chẳng để làm gì. Khi xảy ra sự cố, làm gì có “ông bà y tế” nào đến lo cho họ đâu, chỉ có người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận với nhau trên cơ sở của hợp đồng lao động mà hai bên đã ký trước đó. Rồi ông môi trường, sức khỏe cộng đồng đến, rút cái máy gì đó bấm nút, xem độ ô nhiễm không khí, ánh sáng, tiếng ồn... Hay ông quản lý môi trường đến kiểm tra nước thải. Rồi ông phòng cháy chữa cháy, ông vệ sinh an toàn thực phẩm... Cứ mỗi lần như thế, họ xuất cái hóa đơn tính tiền hàng triệu đồng cho vài phút “công tác”. điều “không thể hiểu” là nhà máy chế biến nông sản thực phẩm hạt điều theo công nghệ như chúng tôi, có chi phí hàng trăm triệu đồng để được cấp Chứng chỉ ISO và HACCP - những chứng chỉ vô cùng quan trọng để khẳng định tính an toàn và hợp chuẩn theo quy chuẩn quốc gia về quản lý lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường rồi thì lấy đâu ra nước thải, khí thải, con người... không đạt chuẩn? Ớn nhất là ngành thuế, một nhân viên thuế bình thường cũng có thể đóng cửa một doanh nghiệp có vốn điều lệ khoảng 20 tỷ đồng bằng cách tung lên hai chữ “nợ thuế”. Như vậy, đơn vị nợ thuế đương nhiên “sập tiệm” do bạn hàng cắt hợp đồng, ngân hàng không cho vay tiền... Trong khi đó, doanh nghiệp làm ăn chân chính không bao giờ muốn chây ỳ các khoản nợ, nhất là nợ thuế. Nhưng vì lý do bất khả kháng nào đó mới có chuyện nợ thuế. Các ngành nên đồng hành với doanh nghiệp hơn nữa để gỡ khó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục sống, làm ăn, kiếm tiền trả nợ!
Tôi cho rằng, có tới 9-10 cơ quan, ban, ngành quản lý hạt điều và vì thế nó trở nên vô cùng bát nháo. Do vậy, tôi mong các ngành quản lý nhanh chóng tìm ra một giải pháp là tất cả các ngành nên quy về một đầu mối ở Hội Điều Bình Phước. Các cơ quan, ban, ngành muốn thanh, kiểm tra... phải thông qua hội, có sự đồng ý của hội, cùng hội thực hiện kiểm tra.
Bình Phước đã có Hội điều từ mấy năm nay nhưng hoạt động không hiệu quả. Nguyên nhân từ đâu, thưa tiến sĩ?
Đúng như vậy. Nguyên nhân là do việc quy về một đầu mối quản lý không thể thực hiện vì tổ chức này đang thiếu một bộ máy và những người am hiểu lĩnh vực này.
Với tư cách là một trong hai người đầu tiên nêu ý tưởng sáng lập Hội Điều Bình Phước, là người viết điều lệ hoạt động của tổ chức này và là người đề xuất nhân sự lãnh đạo điều hành đầu tiên của hội, tôi và nhiều hội viên rất mong Sở Nội vụ tham mưu cấp có thẩm quyền sớm tổ chức đại hội để đưa tổ chức này thật sự trở thành mái nhà chung của các doanh nhân, doanh nghiệp điều ở Bình Phước.
Hạt điều Bình Phước hiện có nhiều điều phải tháo gỡ. Theo tiến sĩ, đâu là nút thắt đầu tiên phải gỡ để ngành điều Bình Phước trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh và vươn xa trên thị trường quốc tế?
Trước hết, cá nhân tôi và doanh nghiệp điều Bình Phước rất mong củng cố lại tổ chức, chọn đúng người có đủ đức, đủ tài và đặc biệt phải am hiểu về cơ chế, sản xuất - kinh doanh, chế biến và thị trường hạt điều để lãnh đạo, điều hành hội. Thứ hai, dù việc thanh, kiểm tra doanh nghiệp là việc tất yếu phải làm quản lý nhà nước, nhưng lúc này - thời điểm các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến hạt điều đang vô cùng khó khăn thì nên hạn chế đến mức thấp nhất các chương trình kế hoạch thanh, kiểm tra của tất cả các sở, ban, ngành trong 2 năm để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Ngoài ra, các yếu tố như thương hiệu sản phẩm, sự liên kết giữa bốn nhà, chính sách đối xử... cũng cần được triển khai quyết liệt theo hướng tạo ra sân chơi bình đẳng và thông thoáng cho tất cả doanh nhân, doanh nghiệp.
Xin cảm ơn tiến sĩ!
Tấn Phong (thực hiện)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065