BP - Vườn quốc gia Bù Gia Mập có tổng diện tích trên 26.000 ha, trong đó 21.376 ha rừng tự nhiên. Đây cũng là khu vực có diện tích và tài nguyên rừng lớn nhất tỉnh. Tuy nhiên, do diện tích rừng tự nhiên chủ yếu ở các xã đặc biệt khó khăn của huyện biên giới Bù Gia Mập, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên việc xâm lấn đất rừng vẫn còn xảy ra. Đồng thời, việc người dân xâm canh trong lâm phần kéo dài nhiều năm với diện tích rất lớn, khiến việc thu hồi đất rừng bị xâm canh để tái sinh rừng và trồng mới gặp nhiều khó khăn.
Trước thực tế nêu trên, Ban quản lý Vườn quốc gia đã cùng chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục người dân nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ rừng; chỉ đạo lực lượng kiểm lâm thường xuyên tổ chức tuần tra, truy quét nạn phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Tuy nhiên, tình trạng xâm canh, lấn chiếm đất rừng trái phép vẫn xảy ra và ngày càng phức tạp.
Bên cạnh đó, Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã thực hiện giải pháp hoán đổi cho 130 hộ với diện tích trên 160 ha đất xâm canh trong vùng lõi của vườn quốc gia ra vùng dự án theo Quyết định số 3070, ngày 30-10-2009 của Chủ tịch UBND tỉnh về phê duyệt dự án đầu tư di dời và ổn định dân xâm canh trong lâm phần Vườn quốc gia Bù Gia Mập ra khu vực định canh, định cư giai đoạn I, năm 2010-2011. Tuy quá trình thực hiện chưa theo đúng lộ trình đề ra nhưng đến nay toàn bộ diện tích đất cấp mới được đo giải thửa và các hộ dân cũng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để ổn định lâu dài nên người dân vui vẻ giao trả đất cho vườn quốc gia để thực hiện giai đoạn II của dự án. Cho thấy, bất cứ vấn đề gì, nếu bảo đảm tốt lợi ích của người dân và Nhà nước thì quá trình thực hiện diễn ra nhanh chóng. Từ dự án mang tính nhân văn sâu sắc này tiếp tục khẳng định, khi ý Đảng hợp lòng dân thì mọi việc đều được giải quyết tốt đẹp.
Dự án đã bước đầu thành công nhưng vẫn còn không ít khó khăn phía trước, nếu không được quan tâm giải quyết triệt để thì tình trạng tái lấn chiếm rất dễ xảy ra. Do số hộ xâm canh phần lớn là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, đời sống còn nhiều khó khăn, thậm chí là rất khó khăn nên sau khi giao trả đất cho Nhà nước trồng rừng để về nơi ở mới, sẽ kéo theo những hệ lụy, như: Khó khăn về nơi ăn ở, điện nước phục vụ sinh hoạt; không biết trồng cây gì, nuôi con gì có nguồn thu sớm; nguồn vốn phục vụ sản xuất hạn chế...
Vì vậy, ngoài chính sách hỗ trợ người dân yên tâm ổn định cuộc sống, các cấp và ngành chức năng cần tạo điều kiện hỗ trợ người dân máy móc phục vụ sản xuất; hướng dẫn trồng, chăm sóc các loại cây ngắn ngày để lấy ngắn nuôi dài; hỗ trợ lương thực tạm thời khi chưa có thu... Đặc biệt, cần chú trọng công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật giúp đồng bào phát triển sản xuất, yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống.
Lâm Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065