BP - Việc Bộ Tài chính đề xuất trình Chính phủ xem xét tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% hiện nay lên 12% từ ngày 1-1-2019 đang thu hút sự chú ý của dư luận cả nước trong tuần qua. Bởi với việc tăng thuế VAT, tuy nhà nước có thêm một khoản ngân sách nhưng sẽ tác động tiêu cực đến nhiều mặt trong đời sống của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, nên khó nhận được sự đồng thuận từ các chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp và dư luận.
Bộ Tài chính cho rằng, mức thuế VAT 10% như hiện nay là thấp, không phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn về tài chính quốc gia trong bối cảnh nợ công đang tăng cao. Bộ Tài chính còn lấy lý do các nước phát triển đang có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách quốc gia theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt. Năm 2004, thế giới chỉ có 140 nước tăng thuế VAT, thì đến năm 2016 đã là 166 quốc gia. Bên cạnh việc tăng thuế VAT, Bộ Tài chính còn kiến nghị tăng hàng loạt các loại thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại nước ngọt, trà đóng lon theo dây chuyền và tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá, xe ôtô bán tải...
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc tăng thuế VAT sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng, đặc biệt là người nghèo, thu nhập thấp. Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam mới thoát khỏi ngưỡng nghèo, phần đông người dân có mức thu nhập thấp nhưng vì sao Bộ Tài chính không học tập kinh nghiệm để tăng kích cầu, mở rộng sản xuất, khuyến khích tiêu dùng hay dùng chính sách điều tiết, tái cơ cấu nguồn thu mà lại tính chuyện tăng thuế như các nước giàu? Nếu buộc phải tăng thuế VAT lên 12% thì chỉ nên áp dụng đối với những mặt hàng xa xỉ như ôtô hạng sang, xe máy từ 150 phân khối trở lên và thuốc lá, rượu, bia, bất động sản... thì ngân sách mới thu được tiền thuế từ người giàu. Còn tăng đồng loạt trong điều kiện kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay, đặc biệt đối với các nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống hằng ngày là chưa phù hợp. Bởi khi tăng thuế VAT thì các chi phí đầu vào sản xuất sẽ tăng, dẫn đến giá cả hàng hóa cũng tăng theo. Lúc đó nguy cơ cao xuất hiện các hành vi trốn thuế, lách luật để không phải đóng thuế VAT như mua bán không lấy hóa đơn, tiết kiệm chi tiêu, mua sắm... làm ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách. Trong khi đó, thuế VAT là thuế gián thu buộc người tiêu dùng phải nộp thuế khi mua sản phẩm, hàng hóa thông qua doanh nghiệp đóng giùm.
Bình Phước là tỉnh có tiềm năng về sản xuất nông nghiệp với khoảng 450.000 ha cây trồng các loại. Nếu tăng thuế VAT đối với các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư... sẽ làm tăng chi phí sản xuất và lợi nhuận của người nông dân sẽ rất thấp. Bên cạnh đó, ở Bình Phước hiện có gần 5.000 doanh nghiệp, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp chế biến nông sản nhưng vì xa sân bay, bến cảng nên chi phí nhiên liệu trong hoạt động sản xuất lớn hơn nhiều so với các doanh nghiệp ở tỉnh, thành bạn. Khi tăng thuế VAT thì chi phí nhiên liệu, phí vận chuyển và các khoản khác sẽ làm đội giá thành sản xuất, sản phẩm sẽ khó cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, đề xuất của Bộ Tài chính về tăng thuế VAT rất khó nhận được sự đồng thuận cao của dư luận cả nước, trong đó có người dân Bình Phước.
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065