Vườn điều gần 5 năm là tài sản lớn nhất của gia đình anh Lăng Văn Sống, trú ấp 11, xã Thống Nhất (Bù Đăng) bị một cán bộ kiểm lâm huyện đến chặt bỏ một phần diện tích nhưng không cho biết lý do. Sau khi chặt xong, cán bộ kiểm lâm này nhiều lần chủ động đến gặp anh Sống để thương lượng đền bù thiệt hại vì không muốn bị làm lớn chuyện (?!).
Cố ý hủy hoại tài sản của dân
Anh Lăng Văn Sống cho biết, gia đình có hơn 1,5 ha đất canh tác tại Tiểu khu 199, xã Phước Sơn (Bù Đăng) từ năm 2004 đến nay. Những năm đầu, anh Sống trồng bắp, mì, sau đó chuyển sang trồng điều từ năm 2009, đến nay đã cho thu hoạch.
Thế nhưng vào lúc 9 giờ ngày 19-3-2014, khi vợ chồng anh Sống và em trai vào lượm điều, thì ông Phạm Văn Sanh (cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Bù đăng) và ông Lê Thành Trung (quản lý rừng phòng hộ xã Đồng Nai) thuê 3 người từ nơi khác đến chặt phá vườn điều của anh Sống để “thu hồi” đất. Mặc dù anh Sống can ngăn nhưng ông Sanh vẫn chặt, còn yêu cầu ông Trung chỉ ranh giới đất của anh Sống để chặt hết. Ông Sanh dọa “Nếu mày còn cương thì tao kêu người chặt phá hết cả khu vườn này”. Sau hồi van xin không có tác dụng, anh Sống đến trình báo vụ việc với Công an xã Phước Sơn.
Anh Lăng Văn Sống tại vườn điều bị chặt của gia đình
Theo ông Lương Đình Dũng, Trưởng công an xã Phước Sơn thì khi xảy ra sự việc, anh Sống có đến trình báo. Công an xã đã cử cán bộ đến nắm tình hình nhưng khi đến nơi các đối tượng chặt phá đã đi khỏi hiện trường. Tại đây, chúng tôi ghi nhận có 45 cây điều của gia đình anh Sống tại Tiểu khu 199 bị ông Sanh thuê người chặt phá. Sau khi lập biên bản, chúng tôi mời tất cả các bên về UBND xã Phước Sơn và đề nghị hai bên thương lượng nhưng không thành.
Anh Sống cho biết, sau khi xảy ra vụ việc, ông Sanh nhiều lần chủ động gọi điện gặp anh xin được đền bù thiệt hại. Lúc đầu, ông Sanh đề nghị mức đền bù 10 triệu đồng, sau đó tăng lên 20 triệu đồng nhưng anh Sống không đồng ý. Vì theo trình bày của anh, số tiền đó không đủ bù thiệt hại kinh tế mà gia đình anh đã đầu tư trong 5 năm qua.
Sau khi vụ việc xảy ra, phóng viên Báo Bình Phước đã liên lạc với ông Phạm Văn Sanh nhưng ông Sanh từ chối trả lời. Còn ông Lê Thành Trung cho biết, tôi đến chỉ cho ông Sanh biết ranh giới đất lâm trường, còn việc chặt phá thì không liên quan.
Coi thường pháp luật
Đây không phải lần đầu tiên ông Sanh gây phiền hà cho dân. Trước đó, cũng tại Tiểu khu 199, ông Sanh và ông Trung đến “thu hồi” đất bằng miệng, buộc các hộ dân là Lăng Văn Quảng, Lăng Thị Quý, trú ấp 2, xã Thống Nhất; Lăng Văn Xuân, trú ấp 11, xã Thống Nhất và 2 hộ khác phải trả lại đất, bắt nhận tiền khai hoang với giá rẻ khiến người dân rất bất bình.
Theo đơn tố cáo ngày 17-10-2013 của những hộ dân nói trên, ông Phạm Văn Sanh và ông Lê Thành Trung đến khu đất của các hộ này để đo đạc, với lý do khu đất nằm trong quy hoạch của Công ty STM Hàn Quốc nên bị Nhà nước thu hồi, nhưng không có bất kỳ một văn bản nào. Khi những thắc mắc của người dân chưa được trả lời thì ông Sanh, ông Trung và 2 người khác (tự xưng là cán bộ Công ty STM Hàn Quốc) đến “thu hồi” diện tích 2,2 ha của hộ anh Quảng, 3,5 ha của hộ anh Xuân và 6,5 ha của hộ bà Quý.
Đo đạc xong, ông Sanh đưa mỗi người một tờ giấy hẹn ngày 11-11-2013 đến quán cà phê Sao Đêm ở thị trấn Đức Phong (Bù Đăng) để thỏa thuận việc đền bù diện tích đất bị thu hồi với giá 2 triệu đồng/ha, nhưng các hộ đều không đồng ý vì cho rằng quá thấp. Đến ngày 18-11-2013, ông Sanh gọi điện cho các hộ dân đến quán cà phê Sao Đêm để thỏa thuận tiếp. Lần này ông Sanh đe dọa, đây là đất của Nhà nước, nếu không nhận tiền đền bù thì bị thu hồi trắng. Vì sợ nên các hộ đã nhận tiền đền bù công khai hoang với giá 2 triệu đồng/ha. Những hộ bị “thu hồi” đất lần này có hộ anh Lăng Văn Sống nhưng anh Sống không đồng ý với số tiền đền bù trên nên không nhận.
Anh Lăng Văn Quảng bức xúc: “Do dân chưa hiểu hết quy định của pháp luật về quản lý đất nên khi nghe Nhà nước thu hồi đất thì chúng tôi sẵn sàng chấp hành và nhận tiền đền bù rồi giao đất cho Nhà nước. Chỉ sau khi sự việc của anh Lăng Văn Sống được giải quyết thì chúng tôi mới biết mình bị lừa. Bao nhiêu công sức, mồ hôi bỏ ra khai phá tự nhiên bị “thu hồi” mà không có một văn bản, giấy tờ nào...”.
Tại buổi hòa giải do UBND xã Phước Sơn chủ trì ngày 28-3-2014, ông Sanh đề nghị bồi thường cho hộ anh Lăng Văn Sống 40 triệu đồng và yêu cầu không được tố cáo hay khiếu nại lên cấp trên. Dù các hộ dân có nhận tiền “đền bù” từ ông Sanh, nhưng câu hỏi đặt ra là số diện tích đất hơn 12 ha thu được từ người dân hiện do ai quản lý, sử dụng như thế nào? Ông Phạm Văn Sanh nhân danh ai đi thu hồi đất, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Bù Đăng nơi ông Sanh công tác có biết chuyện này hay không...?
Chúng tôi đã 2 lần đến trụ sở Hạt Kiểm lâm huyện Bù Đăng, 1 lần gọi điện thoại gặp lãnh đạo hạt để làm rõ những vấn đề trên nhưng cả 2 lần đều được một cán bộ hạt kiểm lâm cho biết “sếp” đang đi họp ở thị xã Đồng Xoài và chưa nắm được thông tin gì?
Trước hành vi cố ý phá hoại tài sản của công dân nhiều lần mà ông Phạm Văn Sanh đã làm, rất cần được điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
|
Phóng viên Nội chính
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065