1. 9g sáng, anh lên mạng tìm được một nhà hàng buffet, tự tin sẽ làm cho vợ hài lòng vì không ăn được món này còn có món khác. 11g, anh chuồn khỏi cơ quan, lòng phơi phới. Cưới nhau bốn năm, mình đã chở vợ đi ăn được mấy lần? Anh vẩn vơ tự hỏi và thật tình là không nhớ nổi lần gần đây nhất là lúc nào. Từ bao giờ, hai tiếng vợ - chồng nghe nhàn nhạt, vô vị như thể đó chỉ là cách gọi của một mối quan hệ còn vỏ mà rỗng ruột. Anh từng nghĩ, mình phải thay đổi, phải làm gì đó để thay đổi ngay thực tế đó, chứ để hôn nhân trôi lềnh bềnh thế này là sẽ có lúc nguy.
Xe đến gần công ty vợ, anh có cảm giác là lạ. Cũng lâu rồi anh không đến đón vợ đi đâu, đúng là tức cảnh sinh… giật mình. Anh hình dung, vợ sẽ cười tươi như hoa khi thấy xe anh trờ đến, lên xe với vẻ phấn khích và sẽ hỏi đùa kiểu: “Bữa này trời sắp bão hay sao mà anh đón em đi ăn vậy? Nếu vậy thì mong ngày nào cũng bão”. Vợ cũng sẽ tíu tít, đại loại như “Em muốn ăn món Hàn, nhưng lại thèm cả món Thái vì lâu rồi không được ăn món Thái. Nhưng cơm Bắc cũng ngon, lâu rồi em cũng chưa được ăn”. Vừa tíu tít, nàng sẽ xoa xoa tay lên hai bên hông mỡ của mình khiến mình cười chết ngất. Và anh sẽ thông báo với vợ một tin bất ngờ: “Em sẽ được thưởng thức món ăn ba miền, vì anh đã đặt chỗ ở nhà hàng buffet ba miền, tha hồ chọn lựa”. Nàng sẽ phấn khích ra mặt khi bước vào nhà hàng, vui vẻ hỏi chồng thích món gì để vợ lấy, sau đó tự lấy cho mình những món khoái khẩu. Vợ chồng sẽ vừa vui vẻ ăn uống, vừa trò chuyện về những điều ngộ nghĩnh của con cái. Nhân tiện, anh sẽ hỏi về công việc của vợ, xem có thể chia sẻ về mặt tinh thần để vợ đỡ stress hay không. Anh miên man nghĩ, thỉnh thoảng lại cười một mình như thằng hâm…
2. Xe đến. Sự hớn hở của anh tắt ngóm khi bắt gặp vợ cau có dưới nắng trưa với lùm xùm váy chống nắng. Câu chào của vợ như gáo nước lạnh: “Nắng nôi vậy mà lôi nhau ra đường làm gì, thiếu điều hành hạ nhau”. Anh nuốt cục tức vào trong, nghĩ chắc vợ đứng chờ ngoài nắng nên bực bội. Xe đi được một đoạn, anh cố gắng ngọt nhạt: “Em thích ăn gì nè? Hôm nay anh đãi em một bữa hoành tráng”. “Anh không thấy em mập vậy sao, ăn nhiều vô cho thành thùng nước lèo luôn à? Ăn uống quan trọng gì đâu”. Cục tức vừa ém xuống lại trồi lên. Anh nghĩ, người đâu mà khó chịu đến thế không biết, sướng quá hóa rồ chăng?
Anh bực, trở lại giọng “trung tính”: “Thì anh cũng chỉ có ý tốt, vợ chồng lâu rồi không hẹn hò với nhau, buổi tối còn phải lo cho con cái. Em cũng lạ, đi ăn với chồng mà mặt nặng mày nhẹ là sao”. Chị nổi đóa: “Hẹn với hò kiểu gì mà không báo sớm để người ta sắp xếp, sáng nay mới gọi, rồi không tìm chỗ nào gần gần ăn một miếng cho nhanh, trưa nắng mà chạy loăng quăng ngoài đường”. Anh đắng miệng, nói chẳng nên lời.
Xe đến nhà hàng. Xui cho anh là hôm nay nhà hàng áp dụng chính sách “Thứ Tư vui vẻ”, giảm giá vé buffet 30% nên khách đến rất đông. Trầy trật một lúc mới gửi được chiếc xe, anh lại vướng vào màn tranh cãi với quản lý nhà hàng vì “đã đặt chỗ trước, giờ lại hết chỗ, bắt phải ngồi chỗ nắng”. Vài câu lí nhí theo kiểu lịch sự khiến anh thất thế. Chị đành “ra tay”. Sau vài câu cương kiểu đàn bà, quản lý nhà hàng vội sắp xếp cho anh chị một chỗ khá tốt.
Chị ngồi phịch xuống, thở hắt: “Anh thấy không, ăn với uống như vậy khác gì làm tình làm tội nhau”. Anh định độp lại, nhưng lại dằn lòng bỏ đi lấy thức ăn. Vì đến hơi trễ, khách lại đông nên những món ngon đã hết. Món gà hấp còn toàn ức, cổ, lườn, phao câu. Ốc bươu hấp sả lêu bêu vài con nhỏ. Ếch nướng sạch sành sanh. Cháo bồ câu còn ở đáy nồi. Quản lý nhà hàng mướt mồ hôi, phân bua: “Anh chị thông cảm, tụi em đang chuẩn bị đồ ăn mới, lên liền bây giờ”. Chị làu bàu với mấy miếng thức ăn không vừa ý, anh nốc một ly nước thật to cho trôi cục tức. Nhẹ giọng, anh có ý phân bua: “Không ngờ nhà hàng này tệ vậy, chắc khách đến đông quá, họ cũng bị động. Thôi em chịu khó chờ tí nữa, có đồ ăn mới”. Chị quá quắt: “Anh lúc nào cũng vậy, không kỹ lưỡng gì cả, mỗi việc tìm một chỗ ăn cũng không nên hồn. Gần 1g chiều, sắp vô làm rồi, chờ gì nữa”. Đến nước này thì anh không chịu được nữa, ngắn gọn: “Thôi, về”. Lại lên xe, hai người không nói với nhau câu nào.
3. Trên đường về, anh tự hỏi, tại sao với chồng - người thân thương nhất - mà vợ lại khó chịu, thậm chí khó ưa đến mức đó? Mình phải làm gì để kiếm được nét cười trên gương mặt nặng như chì của vợ?
Anh biết vợ vất vả nên thương. Vợ sinh hai đứa con, không được ông bà giúp đỡ như nhà người khác. Tính anh cũng ngại đụng vô mấy chuyện chăm sóc con mọn, hay lấy cớ công việc để về trễ, bỏ mặc vợ một nách hai con, tối tăm mặt mũi với tã, bỉm... Từ một cô gái xinh xắn, biết cách ăn mặc, giờ nhìn vợ lam lũ thấy rõ. Đi đâu, làm gì, ăn uống ra sao vợ cũng với tinh thần “nhanh nhanh về còn lo cho con”. Không đỡ đần được nhiều cho vợ nên anh biết phận, cố gắng nhường nhịn. Nhưng anh lại nghĩ, một người phụ nữ có nhất thiết phải biến mình thành luộm thuộm trong ăn mặc, cáu bẳn trong giao tiếp mới đảm bảo được vai trò làm mẹ? Những đêm vợ nằm khóc tấm tức, anh vỗ về hỏi han mới biết nỗi tủi thân của vợ: “Sao em khổ thế này, em sống vì cái gì mà phải vất vả thế này?”. Không biết phụ nữ suy nghĩ thế nào, chứ cách nghĩ kiểu đàn ông của anh cho thấy, lắm lúc phụ nữ chỉ tự làm khổ mình.
Chỉ riêng chuyện hẹn ăn trưa hôm nay đã cho thấy điều đó. Sao vợ không nhìn thấy là chồng có ý tốt, thật tâm thể hiện tình cảm mới bỏ công bỏ sức đưa đón vợ đi ăn mà ghi nhận được thành ý đó. Như vậy, những chuyện lặt vặt kiểu trời nắng, thức ăn không như ý, nhà hàng chật chội sẽ được buông bỏ một cách nhẹ nhàng. Ngày mới quen nhau, cả hai đi ăn phá lấu bò ở bờ kênh Nhiêu Lộc, chen chúc mãi mới có được chén phá lấu nhỏ xíu, thậm chí không có ghế ngồi, vừa đứng vừa ăn, sao vẫn thấy vui? Đơn giản vì thời ấy, chỉ cần được đi bên nhau là đã thấy vui. Giờ không còn được như ngày xưa, nhưng sao không cố gắng để được một góc như ngày xưa?
Nỗi vất vả khiến con người ta khó tính hơn, anh hiểu điều đó, nhưng, nếu người vợ biết buông bỏ những bực dọc nhỏ nhặt, bớt ghim gút những điều không hài lòng về chồng, biết ghi nhận tích cực (dù là hiếm hoi) của chồng, hẳn sẽ vơi bớt khổ sở, thấy cuộc đời đáng sống hơn.
Dù bị vợ “mặt nặng mày nhẹ” liên tục, anh vẫn tin đó chỉ là những biểu hiện nhất thời, còn “cơ bản” vợ vẫn là người phụ nữ cởi mở, vui vẻ, đáng yêu. Nghĩ vậy, tin vậy, anh mới khấp khởi hy vọng trong lúc đón vợ đi ăn. Vậy mà, bữa ăn trưa đã rơi vào một kịch bản tồi tệ. Anh thực sự cảm thấy bế tắc khi nghĩ đến chuyện mình sẽ làm gì để thay đổi tình trạng hiện tại của quan hệ vợ chồng, thay đổi tâm tính người vợ luôn lăm lăm kiếm chuyện để trách chồng.
Đang miên man, anh giật thót vì bị vỗ bốp vào vai. Chát chúa tiếng vợ: “Anh đi đâu vậy? Lạc đường rồi kìa? Cứ mỗi lần đi với vợ là lái xe quờ quạng, tâm trí để ở đâu vậy? Lớn rồi mà cứ như trẻ con…”.
Nguồn PNO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065