THẾ MẠNH CỦA XÃ VÙNG SÂU
Thôn 2 có 214 hộ với 925 người, canh tác khoảng 189 ha lúa trồng 2 vụ mỗi năm nên cuộc sống của người dân trong thôn chủ yếu gắn với đồng ruộng. Ông Chu Văn Tín, Bí thư Chi bộ thôn 2 cho biết: “Gia đình tôi vào lập nghiệp tại thôn 2 và gắn bó với cây lúa ở đất này đã gần 30 năm. Vừa qua, tôi cùng các hộ dân trong ấp đắp 3 con đập nhỏ để tích nước. Nhờ chủ động nguồn nước nên 2 ha ruộng của gia đình tôi trồng 3 vụ/năm. Bình quân mỗi vụ thu 6 tấn/ha nên gia đình đã có của ăn của để”. Ở thôn 4 hiện có 274 hộ đang canh tác khoảng 75 ha lúa. Năm ngoái vào mùa khô, diện tích đất trồng lúa của thôn đều phải bỏ hoang vì thiếu nước. Ông Hoàng Văn Biền, Trưởng thôn 4 nói: “Mùa khô năm 2018 trạm bơm đã hoạt động và cung cấp nước đủ cho khoảng 25 ha lúa và hoa màu trong mùa khô nên năm nay chúng tôi trồng được 3 vụ lúa, nhờ đó cuộc sống người dân được cải thiện đáng kể”.
Ông Bàn Văn Lưu (phải), Chủ tịch Hội Nông dân xã và Bí thư Chi bộ thôn 2 Chu Văn Tín kiểm tra cánh đồng lúa tại thôn 2
Để giúp người dân Đăng Hà thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất, chất lượng cây lúa, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư xây dựng công trình trạm bơm và hệ thống kênh mương dẫn nước. Công trình gồm các hạng mục: Trạm bơm, nhà điều hành, nhà ở cho công nhân và khoảng 10km mương dẫn nước, tổng trị giá đầu tư trên 10 tỷ đồng. Đến nay, trạm bơm đã hoạt động, chủ động nguồn nước tưới cho 57 ha lúa và hoa màu thuộc địa phận thôn 3, thôn 4 vào mùa khô. Ông Bàn Văn Lưu, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Hiện xã có trên 1.213 ha chuyên canh lúa nước từ 2-3 vụ mỗi năm. Trong đó, vụ đông xuân trồng 415 ha, vụ mùa trồng 799 ha, với năng suất trung bình từ 6-6,5 tấn/ha. Cây lúa không chỉ đảm bảo lương thực mà còn giúp người dân địa bàn có thu nhập ổn định.
ĐÍCH ĐẾN CÒN XA
Tại buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ xã Đăng Hà vào giữa tháng 9-2017, Bí thư Huyện ủy Bù Đăng Huỳnh Hữu Thiết đã đề cập đến vấn đề xây dựng Đề án phát triển thương hiệu “Gạo Đăng Hà” để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Tuy nhiên, đến thời điểm này đề án mới chỉ dừng lại ở “ý tưởng”.
Ông Chu Văn Tín, Bí thư Chi bộ thôn 2 cho biết thêm: “Từ ngày xã Đăng Hà thoát nghèo thành công, người dân chúng tôi không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ, hướng dẫn nào về sản xuất cây lúa từ các ngành chức năng. Mọi hoạt động sản xuất của người dân từ khâu làm đất, chọn giống, chăm sóc, thu hoạch đều diễn ra “tự phát”, mạnh ai người đó làm. Tôi đang bàn với một số hộ dân ở các tổ 3, 4 của thôn thành lập tổ hợp tác chế biến lúa gạo. Sản phẩm làm ra trước mắt sẽ vận động các hộ dân, doanh nghiệp, đơn vị, trường học trong huyện tiêu thụ. Tuy nhiên, ý tưởng này khó thành hiện thực nếu không có sự hỗ trợ từ các ngành chức năng. Bởi để hình thành tổ hợp tác chế biến lúa gạo cần phải đầu tư hệ thống máy xay xát, máy sấy, xe vận chuyển... Trong khi địa bàn thôn 2 khá xa trung tâm, giao thông đi lại khó khăn, đó còn chưa tính đến việc đầu tư kéo đường điện 3 pha phục vụ vận hành các thiết bị máy móc”.
Ông Hoàng Văn Biền, Trưởng thôn 4 bùi ngùi: “Nhiều lúc nhìn sang huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) thấy chạnh lòng. Cùng giống lúa, tương đồng về khí hậu, thổ nhưỡng nhưng cách đây gần chục năm họ đã xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo Cát Tiên. Đến thời điểm này, Cát Tiên đã hình thành vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo, thương hiệu gạo Cát Tiên có mặt ở nhiều vùng miền, siêu thị, thậm chí đã xuất khẩu sang thị trường nước ngoài”.
Ông Bàn Văn Lưu, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Mỗi năm, người dân chúng tôi sản xuất ra hàng ngàn tấn lúa. Thế nhưng, chưa thành lập được hợp tác xã hay chưa liên kết được với doanh nghiệp chuyên thu mua, chế biến lúa gạo nên sản phẩm làm ra chưa có chỗ đứng trên thị trường. Những nông hộ nhỏ lẻ không đủ nguồn lực đầu tư hệ thống máy móc hiện đại để cho ra hạt gạo đẹp, chất lượng, cũng như hệ thống máy sấy. Ngoài ra, hệ thống giao thông ở xã còn nhiều hạn chế, chỉ đáp ứng nhu cầu lưu thông cho các phương tiện có tải trọng nhỏ. Trong khi đó, chở hàng hóa, nông sản là những phương tiện có tải trọng lớn nên đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động thu mua, cũng như giá nông sản”. Để làm ra hạt lúa vô cùng khó khăn, nhưng không chủ động được đầu ra sản phẩm đã gây không ít thiệt thòi cho người dân, nhất là vào mùa mưa, tiểu thương luôn tìm cách ép giá.
Để xây dựng thương hiệu “Gạo Đăng Hà”, trước mắt chính quyền cơ sở cần thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất lúa gạo. Song song đó, phải xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, tìm mời các doanh nghiệp đứng ra ký hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm lâu dài cho người nông dân. Đặc biệt, người dân nên liên kết tổ chức thành cánh đồng mẫu lớn, thâm canh theo hướng hiện đại, giảm tối đa tác động của phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật... để gạo Đăng Hà vừa ngon vừa sạch, được người tiêu dùng lựa chọn.
X.Túc
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065