BP - Niềm vui, ngày hạnh phúc, tự hào kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng Lộc Ninh là vẫn còn những tướng lĩnh trực tiếp chỉ huy, chiến đấu và chiến thắng trong Chiến dịch Nguyễn Huệ tháng 4-1972 trở về chiến trường xưa. Các tướng lĩnh ngày đó bây giờ đã ở tuổi 90 nhưng vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn và cái nhìn sắc sảo của nhà quân sự. Trở về chiến trường xưa, những người anh hùng của hơn 4 thập niên trước cho rằng phải có tượng đài chiến thắng tương xứng với ý nghĩa lịch sử của Chiến dịch Nguyễn Huệ. Và mong các doanh nghiệp đến đầu tư trên đất Lộc Ninh, khai thác tiềm năng của thủ phủ hồ tiêu, cao su, góp phần xây dựng quê hương cách mạng, “trả ơn” những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc.
Ngày 6-4, Huyện ủy, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Lộc Ninh tổ chức tọa đàm “Ý nghĩa Chiến dịch Nguyễn Huệ giải phóng Lộc Ninh 7-4-1972”. Tham dự tọa đàm có các tướng lĩnh tham gia trực tiếp Chiến dịch Nguyễn Huệ, giải phóng Lộc Ninh; cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Nguyễn Huệ đang sinh sống trên đất Lộc Ninh; Quân khu 7, Cục Hậu cần quân khu, Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4), Quân đoàn 5 (Quân khu 7), Cục Chính trị (Quân khu 7), Ban CHQS huyện Lộc Ninh...; các đồng chí là cựu lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Lộc Ninh.
PHẢI CÓ TƯỢNG ĐÀI CHIẾN THẮNG
Trả lời câu hỏi: Chiến thắng Chiến dịch Nguyễn Huệ ngày 7-4-1972, với địch là bất ngờ, còn với ta?, Trung tướng Đặng Quân Thụy (90 tuổi), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, trong Chiến dịch Nguyễn Huệ là trợ lý tác chiến Quân ủy, khẳng định: Chuẩn bị cho Chiến dịch Nguyễn Huệ, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã nghiên cứu kỹ và tập trung mọi nguồn lực để giải phóng Lộc Ninh. Chiến thắng Chiến dịch Nguyễn Huệ là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, chiến tranh nhân dân, bởi sự phối hợp đồng bộ giữa lực lượng quân chủ lực, bộ đội địa phương, nhân dân vì với ta là “Phải đánh - phải thắng”. Quyết tâm của Trung ương Đảng bấy giờ là phải giải phóng Lộc Ninh để làm căn cứ Bộ chỉ huy Miền, hậu phương tập kết mọi tiềm lực về người, quân nhu chuẩn bị cho Chiến dịch mùa Xuân năm 1975, giải phóng đất nước. Chiến thắng Chiến dịch Nguyễn Huệ đã làm cho chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ thất bại.
Toàn cảnh tọa đàm về ý nghĩa chiến dịch Nguyễn Huệ giải phóng huyện Lộc Ninh ngày 7-4-1972
Trung tướng Đặng Quân Thụy phân tích rõ hơn vì sao Bộ Chính trị, Trung ương Đảng lại chọn Lộc Ninh mở chiến dịch. Đầu năm 1972, sau 2 năm chiến đấu gian khổ, hy sinh trong chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ, quân và dân ta đã tạo ra một cục diện mới thuận lợi hơn trên chiến trường. Trung ương Cục - Quân ủy miền Nam quyết định tấn công lớn trên toàn miền, có tính chiến lược ở chiến trường miền Đông, tạo thế lực mới cho cách mạng miền Nam. Nghiên cứu chiến lược của 3 hướng tấn công là: Tây Ninh, Đồng Xoài, Lộc Ninh, cơ quan tác chiến đã chọn Lộc Ninh là hướng tấn công chính. Sau 3 ngày chiến đấu (5 đến 7-4), Chiến dịch Nguyễn Huệ thắng lợi. Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục ngàn tên địch, bắt sống hơn 2.000 tên, trong đó có 1 đại tá, 2 trung tá, 3 thiếu tá, thu và phá hủy nhiều xe tăng, xe thiết giáp, pháo và nhiều trang thiết bị, giải phóng Lộc Ninh với 25 ngàn dân.
Tường thuật lại diễn biến của Chiến dịch Nguyễn Huệ diễn ra ác liệt trong 3 ngày (từ 5 đến 7-4), Trung tướng Nguyễn Đức Xê, nguyên Giám đốc Học viện Lục quân, Bộ Quốc phòng (trong chiến dịch là Trợ lý tác chiến Sư đoàn 9), khẳng định, Chiến dịch Nguyễn Huệ giải phóng Lộc Ninh ngày 7-4-1972 có ý nghĩa lịch sử to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Lộc Ninh được chọn đặt trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và mùa xuân năm 1975 Lộc Ninh được chọn đặt Sở chỉ huy tiền phương của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước... Do đó, sau khi giải phóng quân và dân Lộc Ninh đã phải chịu hàng chục ngàn tấn bom của địch dội xuống nhưng vẫn kiên cường sản xuất, chiến đấu để làm hậu phương vững chắc của cách mạng.
Trung tướng Nguyễn Đức Xê xúc động: “Tôi thay mặt các cựu chiến binh đã từng tham gia chiến đấu ở đây đề nghị Đảng bộ, chính quyền tỉnh, huyện phối hợp với các đơn vị đã chiến đấu trên chiến trường Lộc Ninh xây dựng “Đài chiến thắng Lộc Ninh”, xứng đáng với tầm vóc lịch sử vùng đất anh hùng”. Đề xuất của Trung tướng Nguyễn Đức Xê cũng là mong muốn của các tướng lĩnh trực tiếp chỉ huy, chiến đấu, các nhà nghiên cứu quân sự tham dự tại buổi tọa đàm.
LỘC NINH - “THỦ PHỦ” CỦA CAO SU, HỒ TIÊU
Tại buổi tọa đàm, các đồng chí nguyên Bí thư, Chủ tịch huyện Lộc Ninh qua các thời kỳ và Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Hoàng Nhật Tân cho rằng, là huyện đầu tiên của miền Nam giải phóng (1972) nhưng trước và sau năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, Đảng bộ, nhân dân Lộc Ninh chưa kịp hàn gắn những vết thương trong chiến tranh thì lại phải tiếp tục làm nhiệm vụ vừa chiến đấu vừa là hậu phương của cuộc chiến biên giới Tây Nam Tổ quốc năm 1978-1979.
Thủ đô kháng chiến Lộc Ninh mở cửa thu hút đầu tư kinh doanh, xuất khẩu hồ tiêu
Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Hoàng Nhật Tân đưa ra con số so sánh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Lộc Ninh, năm 1980 chỉ là con số không về cơ sở hạ tầng giao thông, điện lưới, trường học, trạm tạm bợ thì nay ngoài trục chính quốc lộ 13, đường nhựa đã vào đến trung tâm 16/16 xã, thị trấn; 96% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia, phấn đấu đến năm 2020 đạt 97,5% và 7-8 xã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới... Với hơn 100km biên giới tiếp giáp nước bạn Campuchia, Lộc Ninh luôn xác định phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ biên giới Tổ quốc hòa bình, hữu nghị cùng phát triển. Theo đó, Huyện ủy Lộc Ninh xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị với các huyện giáp biên Campuchia trên cơ sở giao ban định kỳ thường xuyên, thăm hỏi, động viên giúp bạn mọi mặt về đời sống kinh tế - xã hội...
Hiện nay, Lộc Ninh có khoảng 5.000 ha hồ tiêu, 32 ngàn ha cao su. Xác định kinh tế nông nghiệp là trọng tâm, Lộc Ninh đang từng bước phát triển nông nghiệp công nghệ cao; quy hoạch, xây dựng sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm theo yêu cầu của thị trường, phù hợp với sự phát triển của thời đại. Chủ tịch UBND huyện Hoàng Nhật Tân khẳng định: Nhân dân Lộc Ninh với truyền thống quê hương anh hùng đoàn kết, cần cù, thông minh, sáng tạo cùng với nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền trong việc linh động có quyết sách phù hợp với thực tiễn trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Lộc Ninh đang mở cửa chào đón các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đầu tư kinh doanh, xuất khẩu dựa vào tiềm lực của vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng cao về hồ tiêu, cao su trong tương lai.
Phương Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065