BP - Học đến lớp 5, thằng bé vẫn chỉ biết ăn cơm bằng muỗng. Thực ra lúc còn nhỏ, nó cũng đòi được cầm đũa ăn cơm như ba mẹ và chị hai, nhưng sau vài lần cầm đũa giống như cầm cây gậy, chọc cơm rơi vãi tung tóe xuống bàn ăn, mẹ bắt nó phải ăn bằng muỗng cho tiện. Mẹ quá bận, không đủ thời gian dạy cho nó cách cầm đũa! Những năm mẫu giáo rồi tiểu học, mỗi bữa ăn thằng bé cũng chỉ cắm cúi ăn cơm trong tô và ăn bằng muỗng. Ở trường bán trú, các cô quản sinh không muốn trò ăn cơm bằng đũa vì nhiều em cứ đánh rơi xuống đất hoài. Có lần, thằng bé chui xuống gầm bàn lượm đũa rơi, khi đứng dậy vô ý đội lên đầu cả chén canh của bạn. Từ đó, mẹ bắt nó ở trường cũng phải ăn bằng muỗng.
Vừa nghỉ hè, thằng bé mừng rơn khi được ba mẹ cho về quê thăm ông bà nội. Hôm giỗ cụ nội, cả mấy gia đình anh em đều quây quần làm đám giỗ rất vui. Thằng bé càng vui hơn khi nó được gặp, được chơi với các anh chị em họ hàng và láng giềng của nội. Mâm bàn thì đầy những thức ăn ngon. Thằng bé háo hức cầm muỗng xúc ngay mấy miếng chả chiên vào chén của mình, trong lúc các anh chị và cả những đứa em họ vòng tay chào mời ông bà, ba mẹ, anh chị dùng cơm. Ba đỏ mặt nhắc nó mời người lớn rồi mới được ăn. Nhưng nó chưa bao giờ chào mời ba mẹ khi ăn nên bây giờ không biết chào mời thế nào. Cả ở trường, chỉ cần ăn nhanh là cô khen rồi, không phải chào mời và ngồi khoanh hai tay lên bàn giống như anh chị em ở quê. Thằng bé đưa mắt cầu cứu mẹ. Mẹ nó cũng lúng túng một lúc rồi tuế tóa bảo, thì con cứ mời cả nhà ăn cơm là được! Thằng bé rụt rè nói theo mẹ, mời cả nhà ăn cơm! Cả nhà cùng ồ lên cười làm ba càng thêm ngượng. Bà nội liền gỡ bí cho ba con nó, thôi cả nhà ăn đi kẻo nguội hết thức ăn. Dần dần rồi cháu sẽ quen, phải không “đích tôn” của nội!
Tối hôm ấy, thằng bé ngủ với ông nội. Ông rủ rỉ kể cho nó nghe bao nhiêu chuyện hồi ông còn nhỏ với những trò chơi mê ly trên dòng sông và cánh đồng mênh mông trước nhà. Thằng bé khao khát trước hình ảnh nội cưỡi con trâu mộng phi trên cánh đồng chơi trò đánh trận giả, hoặc ngụp lặn thỏa thích dưới dòng sông. Rồi những buổi chiều, nội cùng đám bạn đi thả diều, bắt dế, về nhà muộn bị phạt nhịn cơm. Nhà cụ nội đông con, không mấy khi đủ ăn nhưng giáo lý thì luôn được gìn giữ.
Câu chuyện của nội trở về với đôi đũa trong bữa ăn thật tự nhiên. Bây giờ thì thằng bé đã biết vì sao phải gắp thức ăn bằng đũa chứ không nên dùng muỗng để xúc. Vì sao ăn cơm phải ăn từng miếng nhỏ, khi nhai không để phát ra tiếng, không được vừa nhồm nhoàm nhai thức ăn vừa nói. Vì sao khi múc canh vào chén không được cầm đũa trên tay. Vì sao múc canh xong phải úp muỗng xuống, không được thả muỗng nổi lềnh bềnh trong tô canh... Nó cũng biết lý do không được để cơm rơi vãi xuống đất, vì hạt cơm là “hạt ngọc của đất”.
Nội bảo ngày xưa, khách đến nhà chỉ cần nhìn trẻ con cầm đũa là biết con cái nhà đó có được giáo dục tốt hay không! Nội cũng động viên thằng bé đừng buồn vì chưa biết cầm đũa. Khó như làm toán, học tiếng Anh, học vi tính nó còn học giỏi thì việc cầm đũa và ăn uống như một đứa trẻ được giáo dục tốt không khó chút nào. Hè tới, thằng bé sẽ lại xin ba mẹ về với nội, vì nội đã hứa sẽ đưa nó đi đổ dế, thả diều, tập bơi và dạy nó cách cầm đũa, cách ăn thế nào cho đẹp, cho văn hóa. Và dù chưa hết thời gian nghỉ hè, thằng bé đã lại nôn nóng, mong thật nhanh đến mùa hè năm sau!
Thảo Nguyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065