Hai đời chồng, ba đứa con, nhưng bà lại chọn đứa út để gửi gắm tuổi già. Có lẽ bà nghĩ đứa trẻ chui ra sau cùng từ bụng mình là đứa thiệt thòi, đáng thương nhất vì nó chỉ bú được 3 tháng là hết sữa, bà phải nhai cơm búng nuôi nó lớn lên. Những lúc nỗi niềm, bà thường kể chuyện chửa và đẻ từng đứa con thế nào. Và đó là điều mà mấy đứa con rất ghét. Chúng thường bảo, ai chả phải chửa, phải đẻ, nếu không đẻ thì lấy ai phụng dưỡng lúc về già mà kể lể? Nhưng rồi bà vẫn kể, kể đi kể lại nhiều lần, như thể cuộc đời bà chỉ có chuyện chửa đẻ để cho ra đời những đứa con là quan trọng nhất.
Bà kể, cưới được hai tháng thì ông đi B rồi không về nữa. Trận đánh cuối cùng của ông ở thành cổ Quảng Trị. Bà thành quả phụ khi mới hăm bảy tuổi. Cũng may, ông để lại một giọt máu, để bà bận bịu bươn chải nuôi con nhỏ, để có cớ dập vùi thanh xuân khi trở thành quả phụ ở cái tuổi hơ hớ xuân xanh. Đêm đêm, bà nấu nồi nước chè để mấy bà mấy chị trong xóm đến chơi. Nhưng đến khuya họ cũng phải về. Và đó là thời điểm mấy trung niên rửng mỡ thèm của lạ đến chọc ghẹo bà. Người ta huýt sáo, gọi cửa và cạy cửa. Người ta khoét lỗ trên bức tường đất để ngó vô buồng của bà. Người ta bắt trộm những con chó con bà xích trước cửa để chúng đừng sủa lách nhách khi nghe động. Và rồi để yên thân, bà phải nhờ mẹ chồng nuôi con để gá nghĩa với một người đàn ông đã có ba đứa con riêng, kém bà về mọi mặt.
Đi lấy chồng, bà không phải là người mẹ tốt. Với tính bộc trực và hay to tiếng, bà càng không phải bà mẹ kế tốt. Thế nên sau ba năm rổ rá cạp lại, bà trở về với đôi quang gánh mỗi bên là một đứa trẻ mặt mũi tèm lem. Không ruộng nương, vườn tược, một mình nuôi ba đứa trẻ và một mẹ già trong thời bao cấp nên bà xoay đủ nghề. Giữa thời gạo châu củi quế, cái bọc hàng bà luôn giấu trong cạp quần để lượn lờ khắp chợ đã cứu sống cả gia đình năm miệng ăn. Bao lần bị phòng thuế bắt, thu hết vốn liếng, bà xin không được thì ăn vạ. Bà nằm lăn ra đất, miệng kêu trời, kêu con, như thể sau ông trời chỉ còn những đứa con của bà vậy.
Rồi những đứa con cũng lần lượt đi lấy chồng, lấy vợ. Với những gì từng trải, bà đã ở bên con khi chúng vượt cạn, đã thức trắng nhiều đêm bồng bế những đứa cháu đỏ hỏn. Nhìn những đứa con thai nghén, sinh nở và nuôi con, bà như thấy rõ hơn hình ảnh của mình. Một người chồng trước khi gửi nắm xương vào đất còn không biết mình đã để lại trên đời một giọt máu. Một người chồng dù thương vợ, nhưng lại sợ những đứa con riêng buồn nên chỉ dám đứng từ xa len lén nhìn bà gồng người trong cơn vượt cạn. Vậy mà mỗi khi nghe bà kể chuyện ngày xưa, chúng lại bĩu môi, ý như bảo “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Những lúc như thế, bà chỉ thở dài.
Tôi chỉ biết động viên bà đừng buồn. Những đứa con của bà cũng nào có sung sướng gì. Một ngày nào đó, chúng cũng sẽ thở dài khi những đứa cháu ngoại của bà nói rằng chúng sinh ra vốn dĩ đã thông minh, xinh đẹp. Chúng đâu biết mẹ của mình đã phải chạy đôn chạy đáo đi tìm thuốc cam, thuốc lở; đã mắc bệnh đau lưng rất sớm vì phải ngồi cả đêm để ôm chúng mà ngủ gật ngủ gà. Mỗi người đàn bà đều phải đeo món nợ đồng lần. Mang nặng đẻ đau, vất vả nuôi con, nhưng có người đàn bà nào nghĩ rằng sinh con ra để sau này cậy nhờ đâu!
Thảo Nguyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065