BP - Điều 2 trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi là những quy định về cơ sở của trách nhiệm hình sự. Và tại Khoản 2 của điều này có quy định như sau: 2. Chỉ pháp nhân nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Quy định này không áp dụng với cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
Một phiên tòa lưu động xét xử trộm cắp tài sản ở phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài - Ảnh: Tư Liệu
Bất cập thứ nhất, theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì quy định như trên chẳng những vừa không “công bằng” mà còn có sự “phân biệt” đối xử giữa các pháp nhân. Nói đúng hơn, với quy định như trên là đã không xem xét trách nhiệm hình sự của một số loại pháp nhân khi thực hiện một tội phạm (tội phạm được quy định ở Điều 76). Bên cạnh đó, quy định như vậy cũng không thống nhất và thậm chí còn mâu thuẫn với nội dung của Khoản 1 và Khoản 3 của Điều 3 trong dự thảo bộ luật này. Cụ thể, tại Khoản 1 và Khoản 3 của Điều 3 có quy định như sau: 1. Mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật. 3. Mọi pháp nhân phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế.
Bất cập thứ hai là quy định như trên cũng không thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20-6-2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013. Vì trong Luật Xử lý vi phạm hành chính không dùng khái niệm “pháp nhân” mà dùng khái niệm “tổ chức” với định nghĩa được quy định tại Khoản 10 của Điều 2 như sau: Tổ chức là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật. Như vậy, nếu chúng ta chấp nhận khái niệm “pháp nhân” thì phải sửa cụm từ “tổ chức” trong Luật Xử lý vi phạm hành chính thành “pháp nhân” cho thống nhất giữa hai đạo luật. Hơn nữa, trong Luật Xử lý hành chính cũng đã nêu rõ nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính rất công bằng là: Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật (Điểm a, Khoản 1, Điều 3). Xuất phát từ quan điểm trên, tôi đề nghị nếu quy định trong Bộ luật Hình sự về pháp nhân phạm tội thì không phân biệt pháp nhân mà tất cả đều phải bình đẳng và điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Hiến pháp 2013 là “thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Ý kiến thứ hai của tôi trong bài viết này là về những quy định tại Điều 172 và Điều 173 của dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi. Nội dung trong hai điều này là những quy định về tội trộm cắp tài sản (Điều 172) và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 173). Và thực tế cuộc sống cho thấy, đã là tội phạm thì thông thường bao giờ cũng có kẻ chủ mưu và người đồng phạm, thế nhưng vấn đề này chưa được phân biệt rõ trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi thì tòa án căn cứ vào đâu để tuyên phạt những đối tượng này? Trong khi đó, tòa án không thể căn cứ vào số tiền trộm cắp hay lừa đảo để phạt kẻ chủ mưu hoặc người đồng phạm. Bên cạnh đó, mục đích cuối cùng của hành vi vi phạm hai tội này đều là vì tiền hoặc những tài sản có giá trị. Đồng thời, mục đích của việc xét xử đối với hai loại tội phạm này là thu hồi số tài sản bị trộm cắp, bị lừa đảo và răn đe, giáo dục người phạm tội, thế nhưng khung hình phạt ở hai loại tội này lại có nhiều điểm khác nhau. Cụ thể, tại Khoản 1 của Điều 172 có quy định như sau: Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: a) Gây hậu quả nghiêm trọng; b) Đã bị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính về hành vi này chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính mà còn vi phạm; c) Đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; d) Tài sản bị trộm cắp là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ hoặc có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại và gia đình họ.
Trong khi đó, tại Khoản 1 của Điều 173 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng có mức tài sản phạm tội tương tự như quy định ở phần đầu của Khoản 1 ở Điều 172 về tội trộm cắp tài sản nhưng lại không có quy định về các tình tiết: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Và từ phân tích trên, tôi đề xuất ban soạn thảo cần sửa đổi, bổ sung để Bộ luật Hình sự sửa đổi được rõ ràng, cụ thể hơn. Vì có như vậy thì bộ luật mới có sức sống lâu dài, dễ thực thi hơn.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065