Thống kê của 2 bệnh viện Nhi đồng 1 và 2 TP. Hồ Chí Minh cho biết, số trẻ bị chó cắn đến khám và nhập viện tăng liên tục trong 3 năm qua. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, năm 2016 có 103 ca bị chó cắn ngoại và nội trú, năm 2017 tăng lên 146 ca và năm 2018 có 147 ca. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 số trẻ bị chó cắn năm 2016 là 203 ca, năm 2017 là 257 ca và năm 2018 là 340 ca. Các vết thương chủ yếu ở mặt, đùi và chỗ hiểm. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, trung bình mỗi tháng có 600-900 ca đến chích ngừa dại do bị súc vật cắn (chủ yếu là chó). Năm 2018 có 10 người bị bệnh dại lên cơn được chuyển đến bệnh viện này.
Bình Phước cũng là một trong những địa phương mà tình trạng nuôi chó trong các khu dân cư vẫn chưa được quản lý chặt chẽ. Chó thả rông cắn người, gây tai nạn giao thông, chó phóng uế bừa bãi nơi công cộng... vẫn diễn ra hằng ngày. Theo báo cáo của ngành thú y, toàn tỉnh hiện có gần 79 ngàn hộ nuôi chó với khoảng gần 130 ngàn con. Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bình quân mỗi năm trên địa bàn tỉnh có hàng ngàn người bị động vật cắn (chủ yếu là chó cắn), đã điều trị dự phòng tại các trung tâm y tế huyện và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Từ năm 2015 đến đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 9 trường hợp chết do bị chó dại cắn. Ngoài ra, hằng ngày người lưu thông trên đường đụng phải chó thả rông dẫn đến bị thương phải nhập viện cũng không phải là ít. Việc nuôi và thả chó chạy rông trong khu dân cư là mối hiểm họa cho cộng đồng. Trong khi đó, người nuôi hiện có xu hướng thích các giống chó to, chó dữ, nhưng không rọ mõm, không xích thì mức độ nguy hiểm lại càng cao hơn. Thậm chí đã có không ít người cũng bị chính con chó mình nuôi cắn.
Pháp luật nước ta quy định rất rõ về trách nhiệm của chủ nuôi chó, tuy nhiên, trên thực tế hầu như ít người quan tâm đến các quy định này. Nghị định số 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y nêu rõ, người nuôi chó buộc phải đăng ký với chính quyền địa phương, thực hiện tiêm phòng đầy đủ. Chó thả rông hoặc khi ra đường phải rọ mõm, có chủ đi kèm, nếu không thực hiện, chủ chó bị xử phạt hành chính. Nếu chó nuôi gây hậu quả nghiêm trọng thì chủ chó có thể bị xem xét xử lý hình sự. Khung pháp luật về quản lý đàn gia súc nuôi khá đầy đủ, nhưng chính quyền địa phương không quyết liệt thực hiện nên chưa có trường hợp nào bị xử lý khi để chó chạy rông, không đeo rọ mõm hay không đăng ký khi nuôi chó.
Những vụ việc người chết do bị chó cắn lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả mọi người, mọi nhà cần phải chấp hành nghiêm luật pháp khi nuôi súc vật nói chung và chó, mèo nói riêng. Đặc biệt, chính quyền cơ sở các địa phương cần phải vào cuộc để quản lý đàn chó, mèo, kiên quyết không để xảy ra những vụ việc đau lòng như vừa qua.
Hà Thanh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065