BP - Chương trình Chào buổi sáng ngày 5-6 - ngày Môi trường thế giới, VTV1 đưa tin và hình ảnh một người đàn ông quốc tịch Canada suốt 18 năm qua đã miệt mài nhặt rác trên bãi biển Nha Trang (Khánh Hòa). Việc làm của ông đã có sức lan tỏa, bởi thời gian gần đây, đồng hành cùng ông đã có thêm một đội quân nhặt rác là những bạn trẻ thành phố biển vào mỗi sáng. Ông có tên hẳn hoi, nhưng người dân Nha Trang quen gọi ông là Mit-tơ Rác. Và ông tỏ ra rất thích thú với cái tên đó. Cách đây không lâu, ông đã mở quán cà phê Sinh Thái tại Nha Trang. Tất cả vật dụng trong quán đều sử dụng đồ tái chế, từ những miếng xốp, vỏ chai nhựa đến vỏ những trái dừa khô... đều được ông biến thành những vật trang trí hoặc vật dụng phục vụ kinh doanh. Những đồ vật trong quán cà phê của ông luôn nhắc người ta phải quan tâm đến môi trường. Tôi cũng là người dị ứng với việc xả rác tự do ra môi trường, nhưng vẫn không thể hiểu vì sao một người ở nơi xa lắc xa lơ, cách Việt Nam nửa vòng trái đất lại đến đây và ngày ngày cặm cụi làm sạch bãi biển do chính những người Việt Nam làm cho ô nhiễm!
Rồi mấy hôm trước, tôi đọc được câu chuyện nhỏ trên mạng, kể về một em bé Việt Nam được sinh ra, lớn lên ở Nhật, cùng gia đình về Việt Nam thăm quê. Một hôm, ông bà cho cháu ăn táo, cháu bé rất thích, nhưng ăn xong một quả thì cứ ngậm cái hạt trong miệng mà không chịu nhả ra. Hỏi sao không ăn tiếp thì cháu bé nhè hạt táo vào bàn tay rồi trả lời: Vì cháu không nhìn thấy cái thùng rác ở đâu để bỏ hạt. Không biết người Nhật giáo dục như thế nào mà một đứa bé bốn tuổi đã có thể thấm nhuần ý thức bảo vệ môi trường - cũng là ý thức pháp luật như cháu bé đáng yêu nọ!?
Đang suy nghĩ miên man, chợt nhìn thấy một bà mẹ trẻ xoạc chân đứa con nhỏ “xi” cho nó ị ngay trên vỉa hè đường Trần Phú mới được lát gạch, cách không xa quán bún trước UBND phường Tân Phú. Chợt nghĩ, chắc chắn đứa bé này lớn lên, nó sẽ không đỏ mặt khi bị nhắc nhở vì vứt rác ở chỗ đông người, bởi mẹ nó đã truyền cho nó thông điệp là nó có thể tiểu tiện, đại tiện ở bất kỳ chỗ nào từ khi còn rất nhỏ!
Vậy tại sao người Nhật, người phương Tây lại yêu quý thiên nhiên, có ý thức bảo vệ môi trường hơn chúng ta? Nhiều người nói, bởi họ được giáo dục điều đó từ hàng trăm năm trước, khi chúng ta còn phải mải miết chống ngoại xâm. Rồi khi giành được độc lập, chúng ta lại loay hoay với cơm áo, với tăng trưởng kinh tế nên chưa quan tâm đến môi trường và phát triển bền vững. Mỗi năm chỉ có một ngày, từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã lại rầm rộ ra quân trồng cây xanh và dọn vệ sinh. Hàng triệu cây xanh đã được trồng trong ngày Môi trường thế giới. Nhưng qua ngày 5-6, ai là người tiếp tục nhổ cỏ, tưới nước, chăm sóc những cây non thì không biết!
Trồng một cây thì dù khó đến mấy cũng có thể giữ cho cây sống được. Nhưng để hàng triệu cây non, hàng ngàn hécta rừng sống được thì không hề dễ. Cũng như trong giáo dục, làm thay đổi nhận thức một vài người thì dễ, nhưng làm thay đổi nhận thức của cả cộng đồng thì không dễ chút nào. Đó là vấn đề hết sức phức tạp và lâu dài. Nhưng dù lâu dài đến đâu, chúng ta cũng phải làm, bởi tất cả mọi sự đổi thay đều phải bắt đầu từ nhận thức.
L.T
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065