Góp vốn xoay vòng
Những năm qua, đời sống phụ nữ dân tộc thiểu số ở ấp Xa Cô, xã Thanh An (Hớn Quản) còn nhiều khó khăn. Gia đình chị Thị Nhai và anh Điểu Tư mặc dù có hơn 2 ha điều, 500 nọc tiêu nhưng vẫn nghèo vì chưa có nguồn thu. Chị Thị Nhai cho biết: Để cây trồng phát triển tốt thì phải chăm bón, mà vợ chồng không có việc làm ổn định nên có lúc thiếu đói. Nhưng 2 năm gần đây, nhờ tham gia góp vốn xoay vòng với chị em nên gia đình đã có tiền xoay xở. Không chỉ vậy, trong một đợt vay vốn, chị Thị Nhai đã mạnh dạn mượn thêm tiền mua bò giống. Đến nay, gia đình có đàn bò 4 con và vợ chồng chị sẽ chăm sóc tốt để nhân đàn. “Lần này họ giúp mình thì lần sau mình giúp họ, tình cảm càng nhân lên khi mỗi lần chị em ốm đau, hữu sự, hội phụ nữ đều tổ chức thăm hỏi, động viên” - chị Thị Nhai nói.
Chi hội phụ nữ ấp Xa Cô, xã Thanh An (Hớn Quản) sinh hoạt hội
Cùng hoàn cảnh, chị Thị Bé, Chi hội phó phụ nữ ấp Xa Cô vay vốn tự giúp nhau, cộng với vay Ngân hàng chính sách xã hội để mua trâu về nuôi. Nhờ đó đến nay, gia đình chị Thị Bé đã có đàn trâu 7 con và hiện nguồn phân trâu đem lại khoản thu không nhỏ cho gia đình. Chị Thị Bé cho rằng, lợi ích từ vốn tự giúp nhau không chỉ hỗ trợ chị em thoát nghèo mà còn giúp tổ chức hội thu hút được hội viên, tăng tình đoàn kết và nâng cao chất lượng sinh hoạt hội.
Chị Ngô Thị Mơ, Chi hội trưởng phụ nữ ấp Xa Cô cho biết thêm: Chi hội triển khai mô hình vốn xoay vòng tự giúp nhau từ năm 2016. Năm đầu chỉ có 6 chị tham gia, năm thứ hai tăng lên 55 chị và chỉ giảm khi có chị chuyển đi nơi khác sinh sống. Tham gia mô hình mỗi chị đóng 200 ngàn đồng/năm, đến nay quỹ chi hội được hơn 33 triệu đồng, đã cho 28 lượt chị vay từ 3-4 triệu đồng/lần.
Đa dạng mô hình giúp nhau phát triển kinh tế
Cùng với các mô hình hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo bền vững ở cơ sở, việc phát huy các nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Đông Á thì vốn xoay vòng giúp nhau giảm nghèo là giải pháp hiệu quả trong những năm qua. Dù nguồn vốn còn khiêm tốn, số phụ nữ nghèo được tiếp cận vốn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế nhưng với cách làm hiện tại, hội phụ nữ các cấp đã từng bước giải quyết nhu cầu tài chính nhỏ, phù hợp đặc điểm đa số phụ nữ nghèo nông thôn, giúp các chị hạn chế nguy cơ sa vào “tín dụng đen”, vay nặng lãi, phát triển các mô hình sản xuất nhỏ phù hợp để phụ nữ nghèo tham gia ở các địa phương...
Thời gian gần đây, hội phụ nữ các cấp còn vận động hội viên tham gia các mô hình kinh tế hợp tác theo chuỗi giá trị tại địa phương, khuyến khích phụ nữ mạnh dạn sản xuất, kinh doanh vươn lên khá, giàu và tạo việc làm cho phụ nữ nghèo; hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất; chú trọng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn. Đến nay, hội phụ nữ các cấp đã hỗ trợ thành lập hơn 180 mô hình với trên 3.000 thành viên tham gia, trong đó có 3 hợp tác xã, 33 tổ hợp tác và hơn 150 tổ phụ nữ liên kết sản xuất. Các mô hình hoạt động hiệu quả chủ yếu trong lĩnh vực: chăn nuôi, trồng trọt, thương mại - dịch vụ.
Trong các giải pháp giảm nghèo được triển khai, việc phát động hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo theo các đợt thi đua đã mang lại kết quả khả quan, điển hình là phong trào thi đua tiết kiệm nuôi heo đất “Trao yêu thương, nhận nụ cười”. Gần 5 năm qua, hội viên phụ nữ toàn tỉnh đã góp gần 147 tỷ đồng; hơn 100 ngàn lượt phụ nữ tham gia giúp hơn 20 ngàn lượt chị em nghèo. Cụ thể, hằng năm, các cấp hội huy động giúp từ 250-300 hộ phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo và hàng trăm hộ phụ nữ được trao tặng “mái ấm tình thương”, sổ tiết kiệm, thẻ bảo hiểm y tế, phương tiện sinh kế như bò, dê giống, máy may, xe bán nước mía... Nhiều mô hình, điển hình, cách làm hay như “Phụ nữ tự giúp nhau”, “Chi hội khá giúp chi hội khó”, “Chi hội người Kinh giúp chi hội người dân tộc thiểu số” góp phần tích cực giảm nghèo bền vững tại các địa bàn. Ngoài ra, hằng năm các cấp hội còn phối hợp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, nhất là các mô hình tạo việc làm phù hợp tại địa phương cho phụ nữ, ưu tiên những đối tượng vay vốn từ các nguồn do hội quản lý, phụ nữ khu vực chuyển đổi đất nông nghiệp, bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, phụ nữ có nguy cơ mất việc làm ở khu công nghiệp...
Bà Nguyễn Thị Hương Giang, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chia sẻ: Kinh nghiệm rút ra từ các hoạt động hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo bền vững là nắm rõ thực trạng, nhu cầu của hộ phụ nữ nghèo; tuyên truyền, hướng dẫn, khích lệ tinh thần vươn lên, phát huy nội lực thoát nghèo của phụ nữ, sau đó phối hợp tìm giải pháp hỗ trợ phù hợp. Việc hỗ trợ được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp điều kiện tình hình và gắn với các phong trào của hội, phòng tránh rủi ro và tái nghèo. Đồng thời, việc xét chọn giúp đỡ ở cơ sở phải được thực hiện công khai, dân chủ, tạo tâm lý hưởng ứng tích cực của đông đảo hội viên phụ nữ và cộng đồng.
Phương Dung
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065