BP - Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi được bố cục gồm 10 chương với 118 điều. Điểm mới nổi bật là dự thảo luật đã bỏ 18 điều trong luật hiện hành không còn phù hợp với thực tế của đất nước (từ Điều 13 đến Điều 30). Đồng thời, dự luật cũng đã sửa đổi, bổ sung các quy định về nguyên tắc công khai, nội dung công khai, hình thức công khai và đặc biệt xác định rõ trách nhiệm công khai thuộc về người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị... Đặc biệt, dự luật đã đưa vào nhiều chế định mới nhằm tăng cường công tác giám sát của nhân dân, tổ chức đoàn thể và MTTQ Việt Nam để ngăn ngừa tham nhũng...
Kiểm soát tài sản, thu nhập
Một trong những điểm mới nổi bật nhất trong dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng là đã bổ sung các chế định quy định về minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập. Việc thực hiện minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập có vai trò cực kỳ quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Chính vì vậy, dự thảo luật đã quy định nội dung này thành một phần riêng với nhiều quy định mới, mục đích nhằm tới việc kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và một số người có chức vụ, quyền hạn khác, đặc biệt là trong công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư. Nội dung của phần này gồm 3 điều hoàn toàn mới, từ Điều 39 đến Điều 41, với những quy định về: Mục đích của việc minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập; Nội dung minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập; Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập.
Cụ thể, tại Điều 39 dự thảo luật xác định rõ nội hàm và mục đích của minh bạch tài sản, thu nhập, là: Minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập bao gồm việc kê khai tài sản, thu nhập, quản lý và công khai bản kê khai, xác minh, giải trình, kết luận, xử lý vi phạm về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng. Đồng thời, để việc kiểm soát tài sản, thu nhập có hiệu quả, trong Điều 40 của dự thảo luật đã xác định rõ các nội dung của kiểm soát tài sản, thu nhập, là: Kê khai tài sản, thu nhập. Quản lý tập trung bản kê khai tài sản, thu nhập. Theo dõi biến động tài sản, thu nhập. Xác minh tài sản, thu nhập. Xử lý vi phạm về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập. Xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình một cách hợp lý.
Quan trọng hơn, để khắc phục tính hình thức của việc kiểm soát tài sản, thu nhập, trong Điều 41 của dự thảo đã bổ sung quy định rõ về những cơ quan, đơn vị có trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của các đối tượng cụ thể như sau: Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, người có nghĩa vụ kê khai được hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên công tác tại các cơ quan Trung ương. Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai được hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các đơn vị sự nghiệp, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập... Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các Tòa án, Viện kiểm sát, Kiểm toán nhà nước... Thanh tra bộ kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai thuộc diện quản lý của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ do Bộ quản lý... Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Bộ Quốc phòng kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai công tác trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam... Đơn vị phụ trách công tác tổ chức - cán bộ tại các Ban của Trung ương Đảng, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội,... kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai được hưởng phụ cấp chức vụ dưới 0,7. Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai thuộc diện quản lý của Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương. Thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã; những người có nghĩa vụ kê khai thuộc diện quản lý của Hội đồng thành viên tại doanh nghiệp nhà nước do UBND cấp tỉnh quản lý...
Minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập
Quy định về nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, trong Điều 42 của dự thảo đã có điều chỉnh rõ ràng hơn. Theo đó, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai và kê khai bổ sung tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên. Về đối tượng kê khai quy định trong Điều 43 đã điều chỉnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X). Theo đó, đối với tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngạch; viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; cán bộ, công chức khi được bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức khác được giao biên chế và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, để phù hợp với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với khu vực ngoài nhà nước như đã trình bày ở trên, dự thảo đã quy định người có nghĩa vụ kê khai bao gồm cả những người làm việc trong công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.
Về hình thức và thời điểm kê khai, Điều 45 của dự thảo đã bỏ quy định về kê khai hằng năm và thay vào đó là kê khai lần đầu và kê khai bổ sung. Theo đó, việc kê khai lần đầu được thực hiện với tất cả những người có nghĩa vụ kê khai ngay sau khi luật sửa đổi có hiệu lực; người được bổ nhiệm vào ngạch công chức và người dự kiến bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, được dự kiến cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà chưa kê khai tài sản, thu nhập. Kê khai bổ sung đối với người đã kê khai lần đầu được dự kiến bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; khi có biến động về tài sản hoặc thu nhập tăng thêm có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên.
Đối với quy định về công khai bản kê khai, nội dung của Điều 48 trong dự thảo đã sửa đổi, bổ sung quy định cho phù hợp với thực tế hiện nay và cũng là để khắc phục tính hình thức. Về các hình thức công khai, trong dự thảo đưa ra 2 phương án. Theo đó, phương án 2 được nhiều người đồng tình hơn và có nội dung như sau: Bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc. Bản kê khai tài sản, thu nhập của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành quy trình bổ nhiệm. Bản kê khai tài sản, thu nhập của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải được công khai tại hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú của người đó và điểm bầu cử. Thời điểm, hình thức công khai được thực hiện theo quy định của Hội đồng bầu cử quốc gia. Bản kê khai tài sản, thu nhập của người dự kiến được bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trước khi bầu, phê chuẩn. Bản kê khai tài sản, thu nhập của người dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành bổ nhiệm hoặc tại cuộc họp của Hội đồng thành viên khi tiến hành bầu các chức vụ lãnh đạo, quản lý.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065