Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 23-11-2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-2-2013.
Một trong những nội dung quan trọng nhất của Luật Phòng chống tham nhũng là quy định về sự công khai minh bạch, trong đó có nội dung về kê khai tài sản và kiểm soát việc kê khai tài sản. Luật quy định là vậy, nhưng thực thi có hiệu quả là một vấn đề rất phức tạp. Vì thực tế cho thấy, những quy định của pháp luật về minh bạch tài sản hiện vẫn còn nhiều bất cập. Bất cập lớn nhất là các quy định vẫn mang tính hình thức. Việc công khai bản kê khai tài sản ở nhiều nơi vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa đúng quy định. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền chưa chủ động tiến hành xác minh tài sản của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai. Công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện kê khai tài sản còn hạn chế.
Đây chính là những căn nguyên cho sự ra đời Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 3-1-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản. Nội dung chỉ thị nêu rõ: Kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản là giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng... Vì vậy, Bộ Chính trị yêu cầu: Xử lý nghiêm minh những cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân chậm tổ chức việc kê khai; không kê khai, kê khai không trung thực; không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm; không tổ chức việc công khai bản kê khai; không chủ động xác minh hoặc không xử lý kịp thời những vi phạm quy định về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản... Chỉ thị 33-CT/TW đã nêu cao vai trò, trách nhiệm giám sát của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản; kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi vi phạm các quy định này.
Tuy nhiên, Chỉ thị số 33-CT/TW mới là chủ trương của Đảng và nếu chủ trương này không sớm được thể chế hóa thành những quy định cụ thể thì hiệu quả sẽ không cao. Vì với những quy định hiện hành, người thuộc diện kê khai tài sản vẫn có thể không trung thực mà cơ quan và người có thẩm quyền không thể xử lý được. Bởi, tài sản của công chức có thể được người kê khai chuyển cho anh em, con cháu, bố mẹ đứng tên. Trong khi những người này lại không làm trong bộ máy nhà nước. Do vậy, cần có những quy định bắt buộc đối tượng thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai tài sản và cả thu nhập của những người thân, vợ chồng, bố mẹ, con cái, anh em công chức. Và khi có những “biến động” tài sản của những người thân của đối tượng phải kê khai tài sản thì cơ quan chức năng dễ dàng phát hiện. Còn đối với tài sản của công chức, viên chức nếu có dấu hiệu tăng lên một cách bất thường mà không giải trình được cũng cần có chế tài cụ thể.
Theo các quy định hiện hành, bản kê khai tài sản của cán bộ, công chức thuộc diện kê khai, dù là đảng viên hay không đảng viên chỉ được công khai hóa tại nơi cán bộ, công chức đang công tác. Và khi chỉ công khai trong cơ quan, đơn vị thì người dân ở nơi cán bộ, đảng viên cư trú làm sao giám sát được việc kê khai tài sản, thu nhập của đối tượng có nghĩa vụ phải kê khai là trung thực hay không?
Đ.T
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065