Trả lời tại buổi họp báo, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT Mai Văn Trinh khẳng định “Phần mềm chấm điểm thi trắc nghiệm đã hoàn thiện và kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 muốn gian lận cũng không được”. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người hoài nghi, lo lắng dù trước đó Cục Quản lý chất lượng đã tích cực vào cuộc xử lý gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Khá trùng hợp khi trước buổi họp báo Bộ GD-ĐT và cơ quan chức năng liên tiếp công bố kết quả chấm điểm thẩm định kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình và gần đây nhất ngày 23-3 là Sơn La. Không còn ngôn từ nào tồi tệ hơn để diễn tả việc đã có hàng trăm bài thi, hàng trăm thí sinh được gian lận điểm, trong đó ở Sơn La có bài thi được gian lận cho thêm 9 điểm trên thang 10 điểm tối đa, có thí sinh được gian lận thêm tổng cộng 3 môn xét tuyển đại học tới 26,55 điểm trên thang tối đa 30 điểm...
Khi vụ việc được phát giác tại Hà Giang, cả xã hội bàng hoàng bởi sự sai phạm liều lĩnh, trắng trợn, bất chấp lương tâm của những người mang sứ mệnh “trồng người” lại gieo mầm tương lai cho thế hệ trẻ theo cách hô biến bài thi của thí sinh học dốt đến mức chỉ làm được 1 điểm mà nâng lên thành 9 điểm, từ lẽ ra trượt tốt nghiệp THPT lại thành đậu thủ khoa những trường đại học danh tiếng... Thế nhưng, sau Hà Giang, lần lượt đến Hòa Bình, rồi mới đây là Sơn La, thậm chí phát hiện ra không chỉ trong kỳ thi năm 2018, mà còn cả trong kỳ thi năm 2017, thì vấn đề đã khác rất nhiều. Nó phải xét tới nhiều khía cạnh mới.
Giả sử sai phạm chỉ trong kỳ thi năm 2018, đồng nghĩa lỗ hổng trong kỳ thi, cụ thể là trong khâu chấm điểm, nhập điểm hay công bố điểm mới xuất hiện và bị lợi dụng mới xuất hiện trong kỳ thi năm 2018. Thế thì cái lỗ hổng ấy nó phải lớn đến mức nào, sơ đẳng đến mức nào mà ngẫu nhiên đến lúc này đã có 3 nơi phát hiện ra cùng lúc và cùng lợi dụng. Nó cũng phải rõ ràng đến mức nào, dễ thấy đến mức nào mới có đủ thời gian để phát sinh, nảy nở thành một ổ sâu hàng trăm con như vậy. Kết quả công bố ở Sơn La còn cho thấy có trường hợp của cả kỳ thi năm 2017. Một câu hỏi đặt ra nữa, năm 2017 còn có ở đâu khác ngoài Sơn La và ngoài 2017, 2018 thì trước đó có gian lận hay không?
Dẫn ra để thấy sự hoài nghi về tuyên bố “muốn gian lận cũng không được” không phải không có cơ sở. Quy trình tổ chức kỳ thi và việc bảo mật kỳ thi THPT quốc gia do các chuyên gia hàng đầu của Bộ GD-ĐT thiết kế, triển khai và qua nhiều bước kiểm nghiệm, được đầu tư kinh phí không hề nhỏ. Thế nhưng, chỉ với những chuyên viên, giáo viên, cán bộ bình thường ở sở GD-ĐT đã dễ dàng phát hiện ra sơ hở để lợi dụng, thì trách nhiệm không chỉ dừng lại ở những người lợi dụng sơ hở ấy. Bởi nó “dễ như ăn cháo” và giống như “mỡ để miệng mèo” bị mèo tấn công thì phải phạt cả con mèo lẫn người bày ra miếng mỡ đầy kích thích ấy.
Kỳ thi THPT quốc gia những năm gần đây đã để lại nhiều ấn tượng không tốt với xã hội cả về tính chất, hình thức và tổ chức thực hiện kỳ thi. Lấy lại uy tín, chất lượng cho kỳ thi không chỉ là một lời khẳng định về tương lai còn hoài nghi, mà còn phải minh bạch về sự chịu trách nhiệm dẫn tới lỗ hổng như đã nêu - điều đến nay chưa có một thông tin nào.
Trần Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065