>> Bài 1: Về miền cổ tích
>> Bài 2: Về nơi rốn lũ
Bài cuối: Bên cầu Cần Thơ
Trong hành trình xuôi về phương Nam, chúng tôi được đặt chân lên cầu Cần Thơ. Cùng với cầu Rạch Miễu, Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ là một minh chứng điển hình cho sự phát triển mạnh mẽ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hiện đại nhất nhì trong cả nước, cầu Cần Thơ vừa động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, vừa là kết tinh nghị lực, trí tuệ của dân tộc trong quá trình đổi mới đất nước.
Cầu Cần Thơ là cầu dây văng có nhịp chính dài nhất khu vực Đông Nam Á
Gần 10 năm trước, bến phà Cần Thơ nằm trên con đường thiên lý Bắc - Nam luôn tấp nập người, xe qua lại. Mọi sự giao thương đôi bờ sông Hậu đều nhờ vào những con phà. Vì là phương tiện giao thông độc đạo nên cảnh dồn ứ luôn xảy ra đối với cả hai điểm đầu bến phà. Anh Huỳnh Thái Bảo, Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Ô Môn, thành phố Cần Thơ kể, ngày trước người dân miền Tây đi lại bằng ghe xuồng. Với đặc điểm địa hình kênh rạch chằng chịt nên đi lại hay thông thương hàng hóa đều gặp không ít khó khăn. Phía Bắc thành phố Cần Thơ tiếp giáp với dòng sông Hậu Giang mênh mông biển nước, muốn đi Vĩnh Long hay thành phố Hồ Chí Minh đều phải qua phà. Do vậy, hình ảnh bến bờ, con phà ở bến Bắc Cần Thơ đã in sâu trong tiềm thức của người dân miền Tây Nam bộ và đi vào nghệ thuật thơ ca, nhạc họa.
Tháng 9-2004, cầu Cần Thơ được chính thức khởi công xây dựng. Do sự cố sập nhịp nên phải đến năm 2010 cầu Cần Thơ mới được thông xe. Và đây cũng là thời điểm những chuyến phà ở bến Bắc Cần Thơ chấm dứt vai trò lịch sử hơn 100 năm tồn tại. Anh Huỳnh Thái Bảo cho biết, việc xây cầu Cần Thơ là ước mơ ngàn đời của người dân vùng sông Hậu. Nay chiếc cầu đã được hoàn thành, lòng người dân miền Tây dù ít, dù nhiều cũng thoáng chút bâng khuâng, hoài niệm về những chuyến phà ngày đêm đã gắn liền với những mảnh đời, số phận sẽ đi vào dĩ vãng. Đó là hình ảnh về em bé bán bánh mì, vé số... những bà mẹ, người chị đầu quấn khăn rằn bên gánh hàng rong đợi những chuyến phà cập bến... Hay hình ảnh của người dân miền Tây lam lũ nhưng rất bình dị, thân thương bươn chải trong cuộc mưu sinh hàng ngày theo những chuyến phà... Hôm nay, cầu Cần Thơ đã sừng sững vươn mình nối đôi bờ vui nhưng vẫn không che khuất bóng dáng những chiếc phà trong ký ức.
Công trình cầu Cần Thơ có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng từ nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản và khoảng 15% là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án bao gồm hệ thống đường dẫn, dây văng, cầu phụ qua các kênh nhỏ, cầu chính, điện chiếu sáng... Cầu dài 2,75km, mặt cầu rộng 23,1m với 4 làn xe và đường đi bộ hai bên cầu. Đặc biệt là hai trụ tháp kết nối hệ thống dây văng có chiều cao tính từ mặt sông khoảng 165m, vươn thẳng lên bầu trời xanh thẳm tượng trưng cho nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo của miền Tây Nam bộ, tạo ra nét riêng biệt cho cầu Cần Thơ.
Anh Bảo kể, từ ngày khởi công xây dựng cầu, hàng ngày có hàng trăm lượt người hai bên dòng sông Hậu từ Vĩnh Long, Cần Thơ hay du khách trong nước đến chiêm ngưỡng công trình thế kỷ này. Gọi là công trình thế kỷ vì từ trước tới nay cả khu vực miền Tây Nam bộ chưa có công trình nào đồ sộ như vậy. Đã vĩ đại nhưng cầu Rạch Miễu lại hơn hẳn cầu Mỹ Thuận, nay cầu Cần Thơ lại có tổng mức đầu tư gấp 3,5 lần so cầu Rạch Miễu (1.400 tỷ đồng). Ngoài ra, cầu Cần Thơ còn là biểu tượng cho tình hữu nghị giữa hai nước Việt - Nhật qua việc sử dụng vốn ODA một cách hiệu quả. Quan trọng hơn, từ khi cầu Cần Thơ đi vào hoạt động, các tỉnh trong khu vực Nam sông Hậu từ Cần Thơ về tới Cà Mau, Kiên Giang... đã hoàn toàn phá vỡ thế ốc đảo; hàng hóa của vựa lúa, thủy - hải sản, cây trái của vùng này được thông thương dễ dàng...
Trong câu chuyện về chiếc cầu, anh Bảo xúc động khi hoài niệm về sự cố sập nhịp cầu lúc đang xây dựng ở phía tỉnh Vĩnh Long vào cuối tháng 9-2007 làm chết và bị thương hàng chục công nhân. Sự cố này đã làm công trình phải tạm hoãn thi công hơn 1 năm để điều tra nguyên nhân và khắc phục những sai sót. Hiện ở phía Bắc cầu Cần Thơ, thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Long có khu tưởng niệm những công nhân bị tai nạn.
Hiện nay, cầu Cần Thơ không chỉ là một công trình cầu dây văng lớn nhất nước ta, mà còn đứng vào hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Cầu Cần Thơ không chỉ là công trình giao thông trọng điểm thuần túy mà còn là một cảnh quan du lịch đầy tiềm năng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, của các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.
M.Luận
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065